Doanh nghiệp dệt may từng bước chuyển động để thích ứng với những thay đổi của xu hướng tiêu dùng và yêu cầu xanh hoá của thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Xuân Dương - Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên đề cập đến những chuyển đổi của doanh nghiệp trước những đòi hỏi, yêu cầu mới của thị trường xuất khẩu. Trong đó, xanh hoá và phát triển kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu hướng bắt buộc.
Tại châu Âu, với kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn - một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu, ngành dệt may Việt Nam là một trong bảy nhóm lĩnh vực chính chịu tác động. Các doanh nghiệp không đáp ứng được những tiêu chuẩn của kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn sẽ khó thâm nhập được vào thị trường EU.
Trước yêu cầu khắt khe trên, ông Nguyễn Xuân Dương nhận định, thực hiện mô hình kinh tế tuần hoàn và sản xuất xanh vừa là thách thức vừa là cơ hội đối với doanh nghiệp. Thách thức ở chỗ, khi thị trường đã yêu cầu, doanh nghiệp phải chuyển đổi.
Tuy nhiên chuyển đổi này giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực, gia tăng sản lượng xuất khẩu, giữ vững thị trường. “Chúng tôi có định hướng yêu cầu các doanh nghiệp chuyển đổi lò hơi đốt than sang lò hơi điện góp phần giảm ô nhiễm, tăng sức khoẻ cho người lao động; sử dụng điện áp mái trên các nhà xưởng qua đó đảm bảo cung ứng điện ổn định cho sản xuất, nhất là trong những tháng hè, nhu cầu dùng điện nói chung của nền kinh tế tăng cao” - ông Nguyễn Xuân Dương cho biết.
Trong thời gian tới, theo Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, 13 nhà máy trong hệ thống triển khai điện mặt trời áp mái; tiếp tục kết hợp với các đơn vị tái chế vải vụn sau sản xuất để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chuyển đổi xu hướng sản xuất từ thời trang nhanh, sản lượng nhiều sang thời trang bền vững theo nhu cầu của thị trường, các sản phẩm có thể sử dụng trong thời gian dài hơn, lượng hàng ít đi.
Gắn liền với chuyển đổi xanh là chuyển đổi số - bàn tay kết nối giữa nhà sản xuất tại Việt Nam với các thị trường xuất khẩu, các đối tác trên toàn cầu. Từ nền tảng số, ở đâu và bất cứ lúc nào, các đối tác có thể kết nối đặt hàng và nhà sản xuất có thể nhanh chóng gửi mẫu.
“Thị trường thay đổi cả về nhu cầu lẫn cách thức hoạt động, chúng tôi đã và đang thực hiện từng bước để thích ứng hướng đến mục tiêu tăng năng suất mỗi năm từ 5-7%, góp phần tăng lương tương ứng cho người lao động” - ông Nguyễn Xuân Dương chia sẻ thêm.
Năm 2024, xuất khẩu dệt may dự kiến cán mốc 44 tỷ USD nhưng xuất khẩu vào EU rất khiêm tốn. Một trong những thách thức chính, ngành dệt may đối mặt với vấn đề về xuất xứ với nguồn nguyên liệu nhập khẩu đa phần từ Trung Quốc và một số nước khác không thuộc FTA.
Để khai thác tốt hơn thị trường lớn này, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan do EVFTA mang lại, ông Nguyễn Xuân Dương đề xuất cơ quan chức năng sớm giải quyết hạn chế trên của ngành. Bài toán đáp ứng quy tắc xuất xứ cần gắn liền với phát triển nguồn nguyên liệu tại chỗ. Muốn thực hiện được, cần quy hoạch các khu công nghiệp lớn để thu hút nhà đầu tư sản xuất.
Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa hạn chế về nguồn lực tài chính, chưa thể đầu tư trang thiết bị, thay đổi quy trình sản xuất. Do đó, đại diện ngành dệt may mong muốn Chính phủ và các bộ ngành hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thông qua tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý.
“Nếu những bất cập trên được giải quyết, ngành dệt may không chỉ củng cố vị thế xuất khẩu thứ 2 thế giới mà còn có thể vươn lên vị trí cao hơn” - ông Nguyễn Xuân Dương nhấn mạnh