Dự báo, xuất khẩu dệt may của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm 2024 và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam đạt 2,98 tỷ USD, giảm 26,5% so với tháng 8/2024, nhưng tăng 16% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 27,34 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tăng trưởng gần 9% so với cùng kỳ cho thấy, hoạt động xuất khẩu ngành dệt may đang cải thiện tích cực, khi tốc độ tăng trưởng ngày càng mở rộng so với những tháng đầu năm. Trong đó, những thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng, thị trường ASEAN, Nga, Canada... đang là điểm sáng tiềm năng để doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may, tuy nhiên xuất khẩu sang EU vẫn chậm.
Hiện tại, tín hiệu đơn hàng của các doanh nghiệp dệt may trong nước khá tích cực. Việt Nam là nước duy nhất trong bốn quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới có thị phần tăng trưởng ở các quốc gia. Trong đó, thị trường Mỹ tăng từ 17,6% lên 18,3%; châu Âu tuy nhập khẩu dệt may giảm khoảng 5,5% nhưng xuất khẩu dệt may của Việt Nam vẫn giữ được thị phần ở thị trường này khoảng 4,4%, ...
Dự báo, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam tiếp tục cải thiện trong những tháng cuối năm và đầu năm 2025, nhờ yếu tố chu kỳ, đơn hàng dồi dào. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc đang hồi phục tốt, riêng EU vẫn còn yếu.
Theo ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), các hiệp định thương mại tự do đang đóng góp lớn vào sức tăng trưởng của ngành dệt may. Riêng Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã tạo ra cơ hội lớn cho hàng dệt may Việt Nam tiếp cận các thị trường mới như Canada, Australia, New Zealand, đồng thời cũng giúp các doanh nghiệp thích ứng với cách thức mua hàng của nhà nhập khẩu trong khối, tạo ra sự tăng trưởng rất rõ khi xuất khẩu sang các nước nội khối, đặc biệt là châu Mỹ.
Ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch HĐQT Vinatex cũng nhìn nhận, thị trường xuất khẩu dệt may trong 9 tháng vừa qua có sự phục hồi do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác.
"Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, tuy nhiên đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện", ông Lê Tiến Trường nhận định.
Đánh giá về triển vọng của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2025, Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam cũng cho biết, theo dự báo gần nhất của Ngân hàng Thế giới, GDP thực năm 2024 và 2025 cho các thị trường hàng dệt may chính của Việt Nam như Mỹ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế sẽ dẫn đến sự phục hồi thu nhập và nhu cầu tại các thị trường này.
Theo Mirae Asset Việt Nam, Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ tiếp tục chính sách thuế quan cứng rắn đối với các sản phẩm dệt may của Trung Quốc, điều này hỗ trợ các nhà cung cấp khác như Việt Nam tại thị trường này. Cùng với tình hình bất ổn gần đây ở Bangladesh, một đối thủ cạnh tranh tiềm năng, các công ty may mặc Việt Nam nhiều khả năng sẽ trở thành bên hưởng lợi.
Trong 10 tháng năm 2024, một số Ngân hàng Trung ương phương Tây đã bắt đầu hạ lãi suất điều hành. Ngoài ra, trong bối cảnh lạm phát gần đây hạ nhiệt và các tín hiệu kinh tế suy yếu, kỳ vọng về việc Fed cắt giảm lãi suất đã tăng lên ít nhất 1 điểm phần trăm vào năm 2024. Lãi suất điều hành thấp hơn sẽ hỗ trợ nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng dài hạn.
Cũng theo Mirae Asset Việt Nam, đến cuối quý III/2024, tỷ lệ hàng tồn kho trên doanh số bán hàng của các thương hiệu lớn như Nike, Inditex, GAP, H&M và Puma vẫn ở mức thấp hơn so với quý III/2023. Cụ thể, hàng tồn kho tiếp tục xu hướng giảm, trong khi xu hướng doanh thu giữa các thương hiệu lại ghi nhận sự trái chiều. Về mặt tích cực, mức tồn kho thấp hơn sẽ mang lại nhiều dư địa hơn cho việc bổ sung hàng tồn kho trong tương lai. Mặt khác, một số thương hiệu gần đây đã chứng kiến số liệu doanh thu yếu hơn, đây có thể là dấu hiệu của quan điểm thận trọng về nhu cầu trong tương lai và sự do dự về việc tăng mức hàng tồn kho.
Công ty Chứng khoán này cũng chỉ ra một số rủi ro đối với ngành dệt may, trong đó cho rằng, địa chính trị là rủi ro ngắn hạn chính đối với nhu cầu dệt may trong thời gian còn lại của năm 2024 và 2025. Xung đột địa chính trị không có dấu hiệu hạ nhiệt với các động thái quân sự gần đây của Triều Tiên và Israel, mang lại rủi ro lớn cho kinh tế toàn cầu.
Ngoài ra, căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và phương Tây có thể làm giảm tiêu thụ các sản phẩm dệt may của Trung Quốc tại các thị trường trọng điểm, dẫn đến nhu cầu sợi tại Trung Quốc thấp hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu sợi của Việt Nam.
Về rủi ro dài hạn, theo Công ty Chứng khoán này, cùng với dòng vốn FDI vào Việt Nam ngày càng tăng, các công ty dệt may có thể chịu áp lực từ chi phí lao động tăng. Ngoài ra, hiện nay, người lao động Việt Nam dễ dàng tìm kiếm việc làm ở nước ngoài hơn, làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh về tiền lương trong nước.