Doanh nghiệp

Dệt may nâng cao nguồn lực và mở rộng thị trường xuất khẩu

Hạnh Lê 18/05/2025 03:35

Thích ứng với chính sách thuế mới, ngành dệt may tập trung nâng cao nguồn lực hướng đến khai thác hiệu quả lợi thế của các FTA để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết: thời gian qua, các ngành sản xuất nói chung, trong đó có dệt may chịu nhiều áp lực từ những biến động của môi trường kinh doanh. Trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ là tác động đến từ dịch bệnh, căng thẳng địa chính trị toàn cầu… kéo các chi phí liên quan tăng theo như năng lượng, logistic.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam phát biểu tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp: Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas Trương Văn Cẩm chia sẻ về những áp lực với doanh nghiệp dệt may thời gian gần đây

Gần đây là xu hướng bảo hộ, điển hình là chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Hiện nay, đoàn công tác của Việt Nam đang đàm phán để có mức thuế đối ứng phù hợp nhưng với ngành dệt may mức thuế 10% đã có hiệu lực thực thi.

Theo ông Trương Văn Cẩm, lợi nhuận của ngành mỏng mà mức thuế cao hơn so với đối thủ cạnh tranh sẽ tác động lớn đến hoạt động xuất khẩu. Do vậy, ngành đặt hy vọng vào đoàn đàm phán để có thể đạt được thoả thuận về mức thuế chấp nhận được, không cao hơn so với các nước xuất khẩu cùng mặt hàng.

Thông tin thêm về chính sách thuế đối ứng tác động đến các ngành hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam, ông Trần Toàn Thắng - Trưởng ban Quốc tế và chính sách hội nhập, Viện Chiến lược chính sách kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) cho biết: dệt may là một trong những ngành hàng của Việt Nam có tỷ lệ cao trong nhập khẩu của Mỹ.

Chưa áp dụng thuế đối ứng, hiện tại, mức thuế xuất khẩu mặt hàng này vào Mỹ ở mức cao: khoảng 16%. Trong khi đó, các đối thủ như Bangladesh, Ấn Độ - những quốc gia có chi phí lao động thấp hơn và có thể không phải đối mặt với mức thuế tương tự. Số liệu tổng hợp từ Fiingroup cho thất, trong ngành hàng dệt may, số lượng doanh nghiệp trong nước xuất khẩu sang Mỹ đứng thứ 2, sau ngành thuỷ sản, với tỷ lệ gần 41%.

Ngoài chính sách thuế của Mỹ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas Trương Văn Cẩm cho biết thêm: tại các thị trường khác như EU đang đưa ra các yêu cầu mới về giảm phát thải khí nhà kính. Hay hầu hết thương hiệu lớn đã tham gia vào chương trình Hiến chương các thương hiệu thời trang về hành động vì khí hậu, trong đó cam kết các nhà cung cấp thực hiện lộ trình giảm phát thải với các mục tiêu: giảm 30% vào 2030 và phát thải bằng 0 vào năm 2050.

Nhiều doanh nghiệp chuyên hàng xuất Mỹ đã chủ động đàm phán với các đối tác và thúc đẩy xuất khẩu
Nhiều doanh nghiệp đang tập trung nâng cao năng lực, nguồn lực để vừa tối ưu hoá sản xuất, tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, mở rộng thị trường.

Trước những áp lực trên, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas nhấn mạnh đến việc chung tay hành động kịp thời từ Chính phủ, các bộ ngành, doanh nghiệp trong việc thích ứng với giai đoạn phát triển mới. Vitas khuyến cáo các doanh nghiệp liên kết chặt chẽ và phối hợp đàm phán các nhãn hàng nhằm chia sẻ rủi ro, cùng tạo dựng mối quan hệ lâu dài. Với các đơn hàng đã ký kết cần khẩn trương giao hàng.

Trong bối cảnh có thể chịu tác động không mong muốn từ thuế đối ứng, ông Trần Toàn Thắng khuyến nghị các doanh nghiệp dệt may cần tái cấu trúc thị trường xuất khẩu để giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Hiện nay, Mỹ chưa có hiệp định song phương với Việt Nam trong khi Việt Nam đã tham gia 17 FTA thì không có lý gì không thể đẩy mạnh và gia tăng giá trị xuất khẩu nói chung, trong đó có dệt may vào các thị trường đã có FTA.

Theo ông Trương Văn Cẩm, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu là trọng tâm của doanh nghiệp, trong đó, tập trung khai thác các thị trường đã có hoạt động xuất khẩu mang tính thăm dò trước đó. Đồng thời, nâng cao năng lực, nguồn lực trong đó có chuyển đổi sản xuất xanh, sử dụng năng lượng tái tạo để vừa tối ưu hoá sản xuất, tiết kiệm chi phí vừa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Tuy nhiên, tái cấu trúc thị trường xuất khẩu và chuyển đổi sản xuất không phải dễ dàng khi phần lớn doanh nghiệp dệt may có quy mô nhỏ và vừa với nguồn lực yếu. Ông Trương Văn Cẩm cho biết: thời gian qua, các bộ ngành đã tháo gỡ kịp thời những khó khăn vướng mắc trong cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh.

Song, từ thực tế hoạt động, các doanh nghiệp mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự hỗ trợ về vốn, hỗ trợ về thuế như cách Bangladesh hỗ trợ 2% cho các doanh nghiệp thực hiện dự án xanh, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực đang có nhu cầu lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Dệt may nâng cao nguồn lực và mở rộng thị trường xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO