Sau thời gian “bôn ba”, các nhà XK dệt may Việt nhận ra rằng lâu nay để quên thị trường nội địa tiềm năng và đã trở về tập trung đầu tư.
Nhưng liệu họ có gặt hái được “quả ngọt” sau khi đã nhường sân nhà cho đối thủ ngoại?
Hàng loạt cái tên như: May 10, An Phước, Nhà bè, Việt Tiến.. Những “đầu tầu” của ngành may Việt đã chủ trương tập trung đầu tư vào thị trường nội địa.
Có thể bạn quan tâm
00:44, 07/01/2019
06:00, 31/12/2018
14:00, 30/12/2018
09:00, 18/12/2018
09:29, 03/12/2018
03:30, 02/12/2018
02:37, 02/12/2018
11:00, 15/11/2018
“Ta về ta tắm ao ta”
An Phước là một trong những thương hiệu may trở về sớm nhất khi doanh nghiệp này nhận ra những cơ hội từ thị trường hơn 90 triệu dân Việt. Xác định sẽ định vị ở phân khúc cao cấp, An Phước mua nhượng quyền thương hiệu Pierre Cardin bên cạnh các sản phẩm thương hiệu An Phước. Chỉ trong một thời gian, hàng loạt cửa hàng mang tên An Phước- Pierre Cardin xuất hiện tại TP HCM rồi ra Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ... Hiện nay An Phước được xem là doanh nghiệp có số lượng các cửa hàng cao cấp trong các khu mua sắm nhiều nhất trong số các đơn vị kể trên. Cụ thể, An Phước có trên 100 cửa hàng, trong khi đó các doanh nghiệp khác như Việt Tiến và Nhà Bè cũng vài chục...
Một doanh nghiệp khác là Việt Tiến cũng đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm tại thị trường nội địa. Từ năm 2016, Tổng Công ty CP May Việt Tiến đã đưa vào hoạt động hệ thống cửa hàng Viettien House ở vị trí trung tâm các tỉnh, thành phố trên cả nước để mở rộng thị trường nội địa. Ông Phan Văn Kiệt, Phó Tổng Giám đốc nói rằng, bên cạnh các sản phẩm sở trường công sở, gần đây Việt Tiến đa dạng các chủng loại sản phẩm mặc đời thường, bằng việc cho ra đời nhãn hiệu Việt Tiến Smart Casual với các dòng sản phẩm thời trang: Áo thun Polo, Áo thun Tshirt, Quần Jean...
Thị trường quần áo thời trang ở Việt Nam trị giá 3,5 tỉ USD trong năm 2018 và sẽ tăng lên 4,7 – 5 tỉ USD vào năm 2021, nhưng toàn ngành dệt may Việt Nam hiện chỉ đáp ứng từ 25-30% thị trường nội địa.
Tuy vậy, hgần 200 thương hiệu thời trang ngoại đã có mặt tại Việt Nam với hàng loạt các thương hiệu ngoại như: Valentino, Saint Laurent, Gucci, Zara, Giovani… đang tạo được chỗ đứng khá vững chắc ở thị trường Việt. Trong một cuộc khảo sát gần đây của Công ty Nghiên cứu thị trường Niesel, có tới 56% người Việt Nam được hỏi cho biết sẵn sàng chi tiền để sử dụng hàng hiệu.
Điều này đang đặt các thương hiệu thời trang nội địa trong thế phải cạnh tranh quyết liệt nếu không muốn là người ngoài cuộc và để thị phần rơi vào tay đối thủ ngoại.
“Ao nhà” đang dần rộng
Tuy vậy, các thương hiệu Việt đang dần chứng minh họ có đủ chỗ đứng và phát triển tại thị trường nội địa. Thay vì tập trung làm gia công xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư làm thương hiệu riêng, sản phẩm chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu của người dùng trong nước.
Đơn cử như Tổng công ty May 10 đã ra mắt thương hiệu Eterinity CrusZ cùng chiến lược gia tăng sản phẩm dệt may của mình tại thị trường trong nước.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch TNG cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục bám đuổi mục tiêu phát triển thị trường nội địa. Hiện nay, TNG đang mở chuỗi cửa hàng thời trang TNG theo hệ thống Vincom, đã có mặt tại 43/64 tỉnh thành và sớm phủ khắp cả nước trong thời gian tới”.
Đồng tình, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam, thị trường dệt may Việt Nam có quy mô từ 4 - 5 tỷ USD. Vinatex cũng khuyến khích các công ty thành viên tích cực sử dụng chung hệ thống phân phối theo hình thức tích hợp. Chẳng hạn, Tổng công ty May Việt Tiến có 3.000 cửa hàng bán quần áo, có thể kết hợp phân phối thêm từ Công ty TNHH một thành viên Dệt kim Đông xuân, chăn ga trải giường từ Công ty Phong Phú… Hình thức kết hợp này giúp giảm chi phí phát triển hệ thống và khai thác tối đa tài sản cố định.
Chiến lược dài hơi hơn, đại diện Vinatex cho rằng, có 5 yếu tố để đạt mục tiêu phát triển bền vững cho ngành may là chiến lược phát triển khoa học công nghệ - doanh nghiệp phải xây dựng nền tảng thiết kế 3D; Phải xây dựng nguồn lực - phải có tư duy đào tạo năng lực, tầm nhìn thời trang, ngoại ngữ để cập nhật xu thế thời trang thế giới; Phải xây dựng chiến lược mạng lưới kênh phân phối (mạng lưới phân phối truyền thống là kênh không bỏ qua được nhưng vẫn phải chú trọng thêm kênh thương mại điện tử); Phải chuẩn hóa trong quan điểm tư tưởng, phương pháp phục vụ, bắt kịp xu thế thời trang... Cuối cùng nhà nước cần xây dựng các khu công nghiệp có xử lý nước thải, phải kêu gọi đầu tư nhà máy về sợ - dệt - nhuộm hoàn tất để có nội địa đáp ứng nhu cầu và đón đầu các hiệp định thương mại…
Rõ ràng, “miếng bánh” thị trường nội địa vẫn còn rất lớn, nhất là khi CPTPP đã chính thức có hiệu lực chắc chắn sẽ có nhiều thương hiệu dệt may trong CPTPP “nhòm ngó” và muốn tham gia thị trường, điều này chắc chắn sẽ không dễ dàng gì đối với các doanh nghiệp Việt.