Việc di dời ga để giảm kẹt xe là cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét đánh giá nghiêm túc việc di dời ga nhằm mục đích phục vụ giao thông hay vì lợi nhuận cho những người kinh doanh bất động sản?
Đó là nhận định của ông Trần Doãn Phi Anh - Nguyên giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển Giao thông vận tải phía Nam với báo chí về việc di dời ga Sài Gòn.
Theo ông Anh, vấn đề chính là TP HCM cần có thêm nhiều hình thức vận tải cho người dân đi lại như đường sắt quốc gia, metro sớm hoàn thành đưa vào sử dụng, nhằm giảm mức độ kẹt xe trầm trọng trước mắt. Sau đó, mới nên tính đến việc di dời ga.
"Cần xem xét đánh giá nghiêm túc việc di dời ga nhằm mục đích phục vụ giao thông hay vì lợi nhuận cho những người kinh doanh bất động sản" - ông Trần Doãn Phi Anh nêu quan điểm.
Liên quan tới việc di dời Ga Sài gòn để kết nối tuyến metro, trao đổi với báo chí, đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM cho biết: “Dự án xây dựng tuyến metro số 2 Bến Thành (Q.1) - Tham Lương (Q.12) đã quy hoạch nhà ga đặt trên đường Cách Mạng Tháng Tám kết nối với ga Sài Gòn tại quảng trường của nhà ga này. Có nghĩa là, ga Sài Gòn vừa là nhà ga của tuyến đường sắt quốc gia vừa kết nối với tuyến đường sắt đô thị TP.HCM".
Hiện nay, toàn bộ khu vực nhà ga Sài Gòn và depot Chí Hòa (bao gồm cả trạm sửa chữa đầu máy toa xe) có diện tích lên tới hàng chục hecta. Do đó, với diện tích lớn như trên cần được nghiên cứu quy hoạch theo cách sử dụng một phần diện tích đất xây thành khu thương mại dịch vụ, tạo ra nguồn vốn đầu tư lại cho hạ tầng giao thông và chỉnh trang đô thị.
Theo quy hoạch của Bộ Giao thông vận tải, ga Sài Gòn có chức năng là ga phục vụ hành khách đi tàu đường ngắn, tàu nội - ngoại ô TP.HCM đi phía Bắc, phía Đông và Tây Nam Bộ. Đồng thời, Ga Sài Gòn cũng là đầu mối trung chuyển hành khách từ đường sắt sang các phương tiện giao thông đô thị đặt tại quảng trường ga Sài Gòn như metro, xe buýt, taxi...
Bộ Giao thông vận tải đã quy hoạch việc xây dựng tuyến đường sắt trên cao từ ga Bình Triệu về ga Sài Gòn.
Theo đó xây dựng tuyến đường sắt đôi đi trên cao (cầu cạn) từ ga Bình Triệu vượt qua quốc lộ 13 đến cầu Bình Lợi mới (vừa hoàn thành xây dựng) vượt sông Sài Gòn về đến ga Sài Gòn.
Có thể bạn quan tâm
00:00, 19/11/2019
00:34, 14/11/2019
10:24, 04/11/2019
11:19, 11/10/2019
Cùng với việc xây dựng cầu cạn, xây dựng đường bộ chạy song song bên dưới tạo thuận lợi cho xe lưu thông tốt hơn.
Trước đó, theo báo cáo của Ban quản lý đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) TP.HCM, dự kiến trong năm 2019, công tác điều chỉnh dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương) sẽ được hoàn thành và bắt đầu tổ chức công tác lựa chọn các gói thầu chính.
Cụ thể, gói thầu CP0 (di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật) đang được khẩn trương thực hiện. Hiện gói thầu này đang được nghiên cứu để đề xuất lại phương án thực hiện hiệu quả, phù hợp với quy định và tình hình thực hiện sau khi UBND TP.HCM có quyết định hủy thầu trước đó.
Trong đó, gói thầu CP1 làm tòa nhà văn phòng và depot Tham Lương nhà thầu đã hoàn thành công tác thi công, hiện Ban quản lý Đường sắt đô thị (BQLĐSĐT) đang rà soát và giải quyết các vấn đề còn lại của hợp đồng.
Đối với gói thầu CP2 làm hạ tầng depot Tham Lương đang được hoàn thiện hồ sơ mời thầu. Còn gói thầu CP3a - CP3b hầm và các ga ngầm, BQLĐSĐT tiếp tục phát hành hồ sơ và các phụ lục điều chỉnh hồ sơ mời thầu (giai đoạn 4)
Cũng theo BQLĐSĐT, các gói đang hoàn thiện hồ sơ mời thầu: CP4 làm đoạn trên cao, cầu cạn, đường dẫn vào depot Tham Lương, đường ray, cơ điện không hệ thống. Riêng gói CP5 cơ điện hệ thống thì đang kiện toàn tổ chuyên gia đấu thầu.
Tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương) thuộc giai đoạn 1 của dự án 8 tuyến metro được phê duyệt tại TP.HCM, có chiều dài 11,3 km, đi qua địa bàn của sáu quận 1, 3, 10, Tân Bình, Tân Phú, 12 với 17 đoàn tàu có công suất tối đa 40.000 khách/giờ/hướng. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, hợp vốn từ ba nhà tài trợ gồm: 540 triệu USD từ Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); 313 triệu USD từ Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) và 195 triệu USD từ Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Nhưng sau đó dự án này lại được điều chỉnh lên hơn 2,1 tỷ USD do ảnh hưởng các yếu tố: trượt giá, chi phí tài chính, xây dựng (bổ sung khối lượng cho việc kết nối với các tuyến metro số 3b, 5 và 6; tăng chiều dài các nhà ga ngầm). |