Phân tích - Bình luận

Di sản của Warren Buffett sau 6 thập kỷ "chèo lái" Berkshire Hathaway

Nam Trần 05/05/2025 11:05

Sau 60 năm dẫn dắt đế chế Berkshire Hathaway, Warren Buffett – người được mệnh danh là “Nhà tiên tri xứ Omaha” – vừa chính thức công bố kế hoạch rút lui khỏi vai trò CEO vào cuối năm nay.

CEO tập đoàn Berkshire Hathaway có giá trị 1.160 tỷ USD sẽ xin từ nhiệm sau 60 năm gắn bó (Ảnh: Investopedia)

Tuyên bố đầy bất ngờ này được ông Warren Buffett đưa ra tại đại hội cổ đông thường niên ở Omaha, Nebraska ngày 3/5, khiến cả ban lãnh đạo và người kế nhiệm được chỉ định, ông Greg Abel, không khỏi ngỡ ngàng.

Một hành trình vĩ đại từ công ty sắp phá sản

Warren Buffett, hiện đã 94 tuổi, bắt đầu sự nghiệp đầu tư từ rất sớm theo trường phái giá trị của Benjamin Graham. Từ khi tiếp quản Berkshire Hathaway – ban đầu là một công ty dệt may đang lụi tàn – vào năm 1965, ông từng bước biến nó thành một tập đoàn khổng lồ trị giá hơn 1.160 tỷ USD, sở hữu hàng chục công ty con trải dài trên nhiều lĩnh vực từ đường sắt (BNSF), bảo hiểm (Geico), năng lượng,... đến bán lẻ (Dairy Queen, See’s Candies).

Một phần thành công đến từ chiến lược đầu tư thông minh: sử dụng dòng tiền từ ngành bảo hiểm để mua cổ phần lớn ở các công ty như Apple, American Express, và Coca-Cola. Dưới sự lãnh đạo của Buffett, cổ phiếu Berkshire đạt mức tăng trưởng trung bình hàng năm 20% từ 1965 đến 2024 – gấp đôi so với mức tăng 10% của chỉ số S&P 500.

Niềm tin vào nước Mỹ và triết lý “mua để giữ”

Buffett luôn khẳng định: “Đặt cược vào Berkshire là đặt cược vào nước Mỹ.” Ông coi sự phát triển kinh tế Mỹ là một xu thế không thể đảo ngược. Khi Berkshire mua lại BNSF vào năm 2009 với giá 26 tỷ USD, ông gọi đó là “canh bạc tất tay vào tương lai kinh tế nước Mỹ”.

Ông cũng thường xuyên nhấn mạnh giá trị của việc nắm giữ dài hạn, tránh đầu cơ ngắn hạn. Tinh thần lạc quan, niềm tin vào sự tăng trưởng năng suất và cải tiến công nghệ là động lực giúp ông vượt qua khủng hoảng tài chính và những biến động thị trường. Thậm chí, ông từng tuyên bố rằng nếu cổ phiếu Berkshire giảm 50%, ông vẫn xem đó là “cơ hội tuyệt vời”.

Di sản về văn hóa quản trị và đầu tư

Một trong những dấu ấn nổi bật của Buffett là mô hình quản trị phi tập trung. Thay vì can thiệp vào từng hoạt động cụ thể, ông trao quyền cho lãnh đạo các công ty con và chỉ tập trung vào vai trò phân bổ vốn – điều ông coi là nhiệm vụ quan trọng nhất. Văn phòng Berkshire chỉ có 27 nhân viên, minh chứng cho triết lý điều hành gọn nhẹ, hiệu quả và bền vững.

Warren Buffet được ngưỡng mộ bởi trí tuệ và lối sống cực kỳ giản dị khác xa với nhiều tỷ phú khác (Ảnh: Fox Business)

Buffett không chỉ nổi tiếng vì tài năng đầu tư mà còn vì sự khiêm tốn, những câu nói dí dỏm và tinh thần sẵn lòng chia sẻ tri thức. Đại hội cổ đông hàng năm của Berkshire được mệnh danh là “Woodstock dành cho giới tư bản”, nơi hàng chục nghìn người đổ về Omaha chỉ để nghe ông và người cộng sự quá cố Charlie Munger (mất năm 2023 ở tuổi 99) chia sẻ về đầu tư, kinh tế và cả những triết lý sống.

Những thách thức trong những năm cuối

Dù sở hữu thành tích lẫy lừng, Buffett không tránh khỏi những sai lầm. Thương vụ Precision Castparts gây ra khoản lỗ 10 tỷ USD là ví dụ điển hình. Ông và Munger cũng từng thừa nhận đã chậm chân trong việc nhìn nhận giá trị của cổ phiếu công nghệ. Những năm gần đây, Buffett gặp khó khăn trong việc tìm kiếm các thương vụ có giá trị hấp dẫn, dẫn đến số tiền tồn quỹ của Berkshire đạt mức kỷ lục 347,7 tỷ USD (tính đến quý I/2025).

Tuy vậy, ông vẫn kiên định với nguyên tắc: không mua nếu không hiểu và không chắc chắn về giá trị. Trong một thế giới mà các công ty tiềm năng đã bị “xới tung” bởi các nhà đầu tư khác, Buffett không ngần ngại dừng lại thay vì đánh đổi chất lượng cho tăng trưởng.

Greg Abel và tương lai hậu Buffett

Người kế nhiệm Greg Abel, 62 tuổi, đã gắn bó lâu năm với Buffett và từng được chỉ định là “người thừa kế” từ trước. Với nền tảng điều hành mảng phi bảo hiểm của Berkshire, Abel sẽ tiếp quản một tổ chức ổn định, có dòng tiền mạnh và hệ sinh thái đa dạng. Việc chuyển giao quyền lực diễn ra khi Buffett vẫn khỏe mạnh và minh mẫn, cho thấy đây là bước đi có tính toán nhằm đảm bảo tính kế thừa và bền vững.

Buffett cũng khẳng định ông sẽ không bán cổ phần và vẫn “ở lại để giúp đỡ” nếu cần, đồng thời chia sẻ rằng ông đã thảo luận với các con – cũng là thành viên hội đồng quản trị – trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.

Warren Buffett từ giã vai trò điều hành không phải là sự kết thúc, mà là dấu chấm lặng của một chương huy hoàng trong lịch sử đầu tư hiện đại. Với những thành tựu, triết lý đầu tư bền vững, và văn hóa doanh nghiệp độc đáo, di sản của ông sẽ tiếp tục định hình Berkshire Hathaway và truyền cảm hứng cho hàng triệu nhà đầu tư trên toàn thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Di sản của Warren Buffett sau 6 thập kỷ "chèo lái" Berkshire Hathaway
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO