Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, Việt Nam sẽ xây dựng hai kịch bản: Một là để COVID-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động.
Thông tin tại cuộc gặp mặt báo chí về tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi sáng ngày 13/4, trả lời câu hỏi của báo chí, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, dịch bệnh tại Hà Nội cơ bản đã được kiểm soát, tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều thách thức.
Giải thích nhận định này, GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng, Việt Nam vẫn còn đối mặt với thách thức từ biến hóa của các biến thể và thách thức từ việc tiêm chủng hoặc đã mắc COVID-19 nhưng miễn dịch giảm dần theo thời gian.
Theo GS Lân, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra các kịch bản về diễn tiến dịch Covid-19 có thể xảy ra.
Thứ nhất, biến chủng Omicron đang lưu hành dần dần sẽ giảm bớt độc lực. Bên cạnh đó, với miễn dịch có sẵn từ việc tiêm chủng vaccine Covid-19 và mắc bệnh, số trường hợp chuyển nặng và tử vong sẽ giảm.
“Như vậy với kịch bản này, chúng ta chuyển sang trạng thái bình thường mới, tức là đưa Covid-19 sang bệnh lưu hành. Các hoạt động xã hội có thể trở về bình thường. Mỗi cá nhân trong xã hội đều biết được các nguy cơ của mình và nếu thực hiện tốt biện pháp phòng chống dịch thì cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Chúng ta chủ yếu tập trung vào những đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền)”, GS Lân thông tin.
Thứ hai, hiện sự hiểu biết về virus SARS-CoV-2 vẫn chưa được toàn diện. Khi giao lưu đi lại nhiều, việc xuất hiện liên tục các biến thể mới vẫn có khả năng xảy ra. Các chủng này có thể hình thành do sự tương tác giữa các biến thể đã xuất hiện hoặc là chủng khác mới hơn. Chủng SARS-CoV-2 mới khi xuất hiện sẽ làm giảm đi hiệu lực bảo vệ của vaccine, có thể làm lây lan mạnh hơn và tăng nguy cơ chuyển nặng.
Thứ hai, chúng ta sẽ triển khai lại các biện pháp phòng dịch cấp bách như đã từng làm.
“Mặc dù thời điểm này, chúng ta đã có nhiều vũ khí như vaccine, thuốc điều trị, kinh nghiệm điều trị và các biện pháp phòng chống dịch, tuy nhiên phải thường xuyên cập nhật hơn nữa, kể cả về thuốc điều trị và đặc biệt là công nghệ vaccine", GS Lân nói.
GS Lân nhấn mạnh, như vậy Việt Nam sẽ xây dựng song song hai kịch bản: một là để Covid-19 trở thành bệnh lưu hành, hai là sẵn sàng các biện pháp dự phòng, không bị động để khi xuất hiện tình huống mới, chủng mới sẽ kích hoạt kịch bản ứng phó.
Chia sẻ ý kiến về tình hình kiểm soát dịch tại Hà Nội, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp của Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhận định: "Với tình hình hiện tại của Việt Nam và thế giới rất khó khẳng định Hà Nội đạt được miễn dịch cộng đồng hay chưa. Tỷ lệ tiêm chủng rất cao không có nghĩa là đạt miễn dịch cộng đồng và không phải tiêm vaccine là không bị lây nhiễm."
Mặt khác, một số người dù mắc COVID-19 nhưng vẫn có khả năng tái nhiễm nhiều lần. Trong khi để đạt được miễn dịch cộng đồng với một bệnh dịch, thì một người khi mắc bệnh thì không nhiễm lại trong thời gian ngắn.
Từ thực tế trên, ông Phu cho rằng, rất khó để nói Hà Nội hay bất kỳ nơi nào đã đạt được miễn dịch cộng đồng. Nguy cơ bùng phát dịch bệnh vẫn luôn hiện hữu nếu người dân chủ quan. Vì vậy, dù Việt Nam đã chuyển sang kiểm soát rủi ro, thích ứng an toàn với dịch bệnh nhưng chúng ta không được lơi là, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch và tuân thủ 5K của ngành Y tế.
Còn theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khả năng đạt miễn dịch cộng đồng với dịch COVID-19 của Hà Nội hiện rất khó đạt được. Thực tế, để đạt miễn dịch cộng đồng với một bệnh thì không ghi nhận thêm người mắc bệnh đó nữa.
Các bệnh có thể bùng lên và sau đó không xuất hiện ca mới nữa nhưng COVID-19 thì khác, vẫn có thể tái nhiễm nhiều lần. Ngoài ra, bệnh được coi là đạt được miễn dịch cộng đồng khi vaccine phòng bệnh đó đạt hiệu lực lâu dài. Trong khi các loại vaccine COVID-19 thường chỉ có hiệu lực vài tháng, không bền vững.
Vị chuyên gia này cho rằng, thay vì nhắc tới miễn dịch cộng đồng, Việt Nam có thể nghiên cứu việc coi COVID-19 là bệnh lưu hành hàng năm.
Theo thống kê của Bộ Y tế, kể từ đầu dịch, Việt Nam có 10.169.929 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 110/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 102.850 ca nhiễm). Riêng đợt dịch thứ 4 (từ 27/4), Việt Nam thêm 10.162.185 ca COVID-19, trong đó 8.494.715 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Nhiều chuyên gia dự đoán, với những gì đang diễn ra, nếu không xuất hiện thêm đột biến, thì tình hình dịch tại Việt Nam và trên thế giới sẽ có cải thiện nhiều, dần quay về trạng thái bình thường mới, nghĩa là chấp nhận vẫn có dịch trong cộng đồng nhưng không gây nhiều nguy hiểm trong xã hội.
Quy mô dân số Hà Nội theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 là hơn 8 triệu người. Mỗi năm Thủ đô tăng thêm hơn 160.000 người. Như vậy, đến nay, với hơn 1,46 triệu ca COVID-19 được ghi nhận, báo cáo, tỷ lệ nhiễm COVID-19 trên tổng số dân ở Thủ đô khoảng 18%, tức là cứ 5 người dân có 1 người nhiễm bệnh.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 12/04/2022
02:00, 13/04/2022
20:19, 09/04/2022
20:10, 05/04/2022
01:04, 04/04/2022