Báo cáo của Viện Kinh tế Mastercard cho thấy, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công tác đang phát triển với tốc độ tương đồng, và du khách thích điểm đến xa hơn, ưu tiên trải nghiệm.
>>Giá vé máy bay có còn là nỗi lo trong mùa du lịch hè 2023?
Nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế đi lại ở châu Á, hoạt động du lịch nghỉ dưỡng trên toàn cầu phát triển mạnh mẽ. Theo đó, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công tác đang phát triển song song với nhau. Khách du lịch tiếp tục ưu tiên trải nghiệm hơn các yếu tố khác và đang đòi hỏi nhiều hơn về sự độc đáo, đến những nơi ít được biết tới hơn để trải nghiệm văn hóa.
Theo Báo cáo Xu hướng Du lịch 2023 của Viện Kinh tế Mastercard, khách du lịch hiện sẵn sàng chi tiêu để tăng sự trải nghiệm trong các chuyến du lịch năm 2023. Trong nửa cuối năm 2022 đến đầu năm 2023, lượng đặt vé máy bay của doanh nghiệp đã tăng lên ngang bằng mức đặt vé máy bay nghỉ dưỡng, nhờ xu hướng trở lại làm việc tại văn phòng mạnh mẽ ở một số khu vực. Điều đó cho thấy, họ thích đến những điểm đến xa hơn.
Nhà Kinh tế trưởng Khu vực châu Á, Viện Kinh tế Mastercard David Mann nhận định: “Với xu hướng ưu tiên trải nghiệm hơn các yếu tố khác trên toàn cầu, nhu cầu du lịch dự kiến sẽ gia tăng vượt xa đợt bùng nổ do bị kìm nén trước đây. Khi chúng ta chuẩn bị bước vào mùa du lịch hè cao điểm, câu hỏi lớn đặt ra là liệu nguồn cung chuyến bay và lưu trú có theo kịp nhu cầu hay không”.
Ngay thực tế tại Việt Nam, chỉ tính riêng dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 vừa qua, các doanh nghiệp lữ hành cho biết, tỷ lệ khách đặt tour đi du lịch nước ngoài trong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 đợt này tăng, thậm chí bằng hoặc cao hơn đi du lịch trong nước.
Nhiều đơn vị lữ hành Việt Nam nhận định, các đường bay quốc tế được mở cửa trở lại sau thời gian dài đóng băng vì COVID-19. Một phần nguyên nhân đến từ việc, có thời điểm, giá vé máy bay nội địa tăng cao, trong khi các tour đi nước ngoài lại có giá hợp lý hơn khiến khách nội địa chọn du lịch xa hơn sang các nước có mức giá tương đương với giá vé bay nội địa.
Theo Báo cáo Xu hướng Du lịch 2023, chi phí đi lại phục vụ thương mại tăng 64% và giải trí dẫn đầu bởi châu Á - Thái Bình Dương và châu Âu là 42% trong khoảng thời gian từ tháng 01/2023 đến tháng 3/2023. Đáng chú ý, tính đến tháng 3/2023, chi tiêu cho trải nghiệm đã đạt mức 93% so với năm 2019, mặc dù hoạt động du lịch trong năm ngoái chỉ ở mức tối thiểu. Du khách chi tiêu nhiều hơn tại nhà hàng, hoạt động vui chơi giải trí, sòng bạc, hộp đêm, quán bar và các sự kiện khác, hoặc chi tiêu tại các chuỗi cửa hàng tiện lợi, quần áo, mỹ phẩm, dụng cụ thể thao, đồ trang sức, giày dép, hiệu sách, đồ điện tử, đồ chơi và cửa hàng tạp hóa...
Việt Nam đang có nhiều hoạt động kinh tế đêm để thu hút khách du lịch với những trải nghiệm độc đáo như: các tour Ký ức Hội An, Giải mã Hoàng thành Thăng Long, Tinh hoa Bắc Bộ,… đến các khu chợ đêm, ẩm thực đường phố, lễ hội đường phố… du khách không chỉ được trải nghiệm mà còn sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
>>Nâng thời hạn thị thực điện tử để hút khách nghỉ dưỡng và đầu tư nước ngoài
Báo cáo Xu hướng Du lịch 2023 của Viện Kinh tế Mastercard chỉ rõ, ở Việt Nam vào tháng 3/2023, chi tiêu trải nghiệm tăng 32,2% so với tháng 3/2019, trong khi chi tiêu cho các yếu tố khác tăng 22,2%. Chi tiêu hướng đến trải nghiệm đang tăng mạnh ở một số hành lang du lịch nhất định khi lệnh phong tỏa do đại dịch được dỡ bỏ.
Báo cáo xu hướng du lịch 2022 của Expedia cũng cho thấy, 56% doanh nhân làm việc từ xa thực hiện chuyến du lịch công tác sẽ kéo dài thêm thời gian lưu trú để tận hưởng việc nghỉ dưỡng, giải trí tại điểm đến. Có nhiều người còn muốn kéo dài chuyến công tác vì muốn trải nghiệm sản phẩm du lịch, vui chơi, giải trí,...
Tuy không phải là một hình thức du lịch mới nhưng được Mastercard dự đoán sẽ tiếp tục trở thành một xu hướng trong du lịch hè năm 2023. Loại hình du lịch kết hợp công tác được kỳ vọng sẽ trở thành một “phong cách sống” được nhiều người ưa chuộng khi cân bằng được giữa công việc và giải trí, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan. Đặc biệt đối với các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ thì đây được xem là bài toán tối ưu nhất về du lịch mùa vụ, sẽ luôn có nguồn khách ngay cả mùa thấp điểm.
Nhiều ý kiến cho rằng, tuy là xu thế nhưng Việt Nam vẫn cần đầu tư nhiều về khách sạn có thể tổ chức hội thảo, hội nghị để phục vụ tối đa nhu cầu du lịch công vụ như hiện nay, đặc biệt là cần có thêm các chương trình trải nghiệm hấp dẫn mới để có thể kết hợp trong hành trình của du khách. Đặc biệt là tại các địa phương tập trung số lượng lớn du khách công vụ như: Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng, Huế, Nha Trang...
Có thể bạn quan tâm
Du lịch Quảng Ninh: “Thắp sáng” kinh tế đêm
03:40, 18/05/2023
Giá vé máy bay có còn là nỗi lo trong mùa du lịch hè 2023?
02:30, 18/05/2023
Quảng Ninh: Thiết lập môi trường du lịch lành mạnh
00:06, 18/05/2023
Thời của bất động sản du lịch Vân Đồn
09:00, 17/05/2023
Show thực cảnh – sức hút ấn tượng của du lịch văn hóa
02:30, 17/05/2023
Tăng "sức bật" cho du lịch Việt Nam
03:00, 16/05/2023
Hà Nam khai mạc Tuần văn hóa, du lịch 2023
01:57, 16/05/2023