Trước những tác động do dịch cúm từ virus Corona, thế giới đã từng trải qua nhiều đại dịch cúm lớn, tác động tiêu cực đến con người cũng như nền kinh tế.
Các loại bệnh truyền nhiễm là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trên toàn thế giới, chiếm 1/4 đến 1/3 tổng số ca tử vong. Ở hầu hết các nước công nghiệp, bệnh truyền nhiễm chỉ xếp sau ung thư và bệnh tim trong số những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.
Mặc dù có sự phát triển trong dược phẩm, tỷ lệ bệnh truyền nhiễm đang tăng lên do những thay đổi trong hoạt động của con người, sự bùng nổ phát triển của các thành phố lớn, thương mại và du lịch gia tăng, sử dụng thuốc kháng sinh không phù hợp và sự xuất hiện của mầm bệnh mới và nhanh chóng bùng phát thành các đại dịch nguy hiểm như hội chứng hô hấp cấp tính nặng SARS, H1N1, Ebola và cúm gia cầm H5N1.... và gần đây nhất là dịch cúm do chủng virus Corona mới.
Có thể bạn quan tâm
16:55, 03/02/2020
17:08, 03/02/2020
16:32, 03/02/2020
16:13, 03/02/2020
Thực tế cho thấy, điểm chung của những đại dịch như vậy không chỉ cướp đi mạng sống của hàng ngàn người trên toàn cầu, mà còn đã tác động lớn đến nền kinh tế thế giới, suy giảm sức mua sắm của người dân. Đồng thời làm các nhà đầu tư cũng bớt sẵn sàng đầu tư và các doanh nghiệp cũng ngần ngại đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh khiến cho không thể có được tăng trưởng mới của kinh tế, thương mại và đầu tư trên thế giới.
Cụ thể, dịch cúm H1N1 năm 2009-2010 xuất phát từ lợn. Dịch bệnh này lan ra 214 nước chỉ trong chưa đầy một năm và khiến gần 300.000 người trên thế giới thiệt mạng trên tổng số 575.000 ca nhiễm bệnh. Tháng 8/2010, WHO tuyên bố H1N1 là đại dịch toàn cầu. Đại dịch này cũng gây ra một số cuộc chiến thương mại và ngoại giao giữa các nước sau khi khoảng 20 nước trên thế giới ra lệnh cấm nhập khẩu thịt lợn từ Mexico, Mỹ và Canana - 3 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch cúm.
Theo số liệu của WHO, dịch SARS đã cướp đi 774 sinh mạng trên toàn thế giới. Trung Quốc đại lục và Hong Kong trả giá nặng nhất với lần lượt 349 người và 299 người tử vong và hậu quả về kinh tế hết sức nặng nề. Theo ước tính của WHO, dịch SARS gây thiệt hại khoảng 54 tỉ USD bao gồm doanh thu giảm trong ngành du lịch (giảm 80% ở Trung Quốc) cũng như các hãng hàng không, nhà hàng, công ty du lịch, giới tài xế tắc xi (giảm 50%) Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố dịch SARS đã gây thiệt hại 18 tỉ USD cho châu Á.
Tương tự, năm 1997, cúm gia cầm H5N1 lây truyền từ gia cầm sang người bùng phát tại Hong Kong, khiến 18 người mắc bệnh, 6 người trong số đó tử vong. Hơn 1,5 triệu con gà đã bị tiêu hủy nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus này. Tính đến ngày 28/2/2008, thế giới có tổng cộng 369 trường hợp nhiễm virus H5N1, trong đó, 234 người tử vong. Việt Nam và Indonesia là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch này.
Chính vì vậy, khi dịch cúm do virus Corona bùng phát, chỉ trong vòng 1 tháng kể từ sau khi Trung Quốc báo cáo về trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên, đến nay đã có hơn 10.000 ca nhiễm trên toàn cầu, hơn 400 người trong số đó đã tử vong. Con số lây nhiễm dự kiến sẽ còn tăng thêm trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn cục bộ, việc lưu thông hàng hoá, dịch vụ và lao động toàn cầu không còn được như bình thường khiến cho mọi hoạt động kinh tế, thương mại và đầu tư toàn cầu bị hạn chế, dẫn đến tình trạng trì trệ tăng trưởng hoặc thậm chí tăng nguy cơ suy thoái.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định, cho dù có nhiều điểm tương đồng, nhưng thế giới đã có sự chuẩn bị từ sớm cũng như những tiến bộ y học ngày nay đã tốt hơn trước rất nhiều nhưng rõ ràng vẫn chưa thể đủ để ngăn chặn được dịch bệnh cúm mới do virus Corona bùng phát, cũng như tìm ra cách thức để hạn chế dịch bệnh lây rộng lan xa sau khi bùng phát; đồng thời chấm dứt được dịch bệnh một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Theo nhận định, mặc dù hiện nay tỷ lệ gây tử vong của virus Corona không nhanh chóng như SARS và các dịch cúm khác, tuy nhiên, dịch cúm mới lại có tốc độ lây lan nhanh hơntrong 3 tuần đầu tiên. Đáng chú ý, phương thức lây lan của virus Corona phức tạp và đa dạng hơn.
Vừa qua, các nhà khoa học ở tỉnh Quảng Châu đã phát hiện dấu vết acid nucleic của virus2019-nCoV trên tay nắm cửa của một bệnh nhân dương tính với bệnh. Chuyên gia Zhang Zhoubin, phó chủ nhiệm Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Quảng Châu, cho biết những khu vực khác dễ lây nhiệm bệnh có thể là điện thoại, bàn phím, công tắc đèn và van nước. Ngoài ra, dấu vết của coronavirus mới trong phân của một số bệnh nhân bị nhiễm bệnh cũng cho thấy đây có thể là một nguồn lây truyền bệnh.
Việc dân số càng đông, càng có nhiều người tới sống và xâm lấn các vùng hoang dã cũng như tiếp xúc với những sinh vật mang virus sẽ dẫn đến tình trang các bệnh truyền nhiễm mới sẽ tiếp tục xuất hiện và tái xuất. Nhưng việc chủ động thừa nhận sự xuất hiện của dịch bệnh cũng như nhanh chóng chia sẻ thông tin toàn cầu sẽ gia tăng cơ hội để chống lại các đại dịch mới.