[THẾ GIỚI THAY ĐỔI] “Đích ngắm” nhanh, mạnh trên nền tư duy mới

Diendandoanhnghiep.vn Chính phủ xác định tái khởi động nền kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, song song với chống dịch...

Quyết tâm này đang được thể hiện bằng một loạt giải pháp nhanh, mạnh trên nền tư duy mới…

Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Ảnh: S.T

Ngày 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội. Ảnh: S.T

Có thể nói, kể từ khi Đổi mới, mở cửa nền kinh tế, chưa khi nào kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức lớn như hiện tại. Nhiều lĩnh vực kinh tế từ nhỏ đến lớn chịu ảnh hưởng xấu, dẫn đến những nguy cơ bất ổn về an sinh, xã hội. Câu hỏi đặt ra là làm sao Việt Nam phục hồi nhanh sau dịch, làm sao các doanh nghiệp nhanh chóng tự cứu mình, tự tái cơ cấu, vươn lên.

Độ mở kinh tế rộng lớn

Theo Ngân hàng Thế giới, hoạt động thương mại sôi động với tỷ lệ thương mại trên GDP đạt gần 200% đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn nhất. Có thể cho rằng Chính phủ đã rất thành công về thương mại so với tỉ trọng đóng góp GDP vào kinh tế thế giới. Nhưng trong thời kỳ suy thoái, một nền kinh tế có độ mở cao và dựa vào thương mại lớn cũng trở thành yếu tố dễ tổn thương đầu tiên. 

Trên thực tế, các nước nhỏ đang có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam luôn chịu trận bất kể nguồn cơn của xung đột đến từ đâu. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế bị tác động như thế nào đối với từng quốc gia thì trước hết phụ thuộc vào mức độ bệnh dịch lây lan ở quốc gia đó.

Chúng ta phải ghi nhận một điều là mặc dù hậu quả của dịch bệnh nhìn qua các con số báo cáo về tỷ lệ tử vong rất là lớn trên thế giới nhưng ở Việt Nam thì hậu quả về nhân mạng tạm thời chưa xảy ra. việc chống dịch ở nước ta khá tốt, xét ở góc độ chung thì đang khống chế được dịch thành công.

 Tuy nhiên, Việt Nam là nền kinh tế gia công nên nhập khẩu từ Trung Quốc chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ trung gian sản xuất. Tương lai Việt Nam nhiều khả năng vẫn tiếp tục phụ thuộc đầu vào sản xuất và nhập khẩu từ Trung Quốc vì chưa thể thay thế nhập khẩu nguyên vật liệu từ thị trường này bằng những nguồn khác hay tự cung cấp trong nước. Nhập khẩu Trung Quốc gia tăng là hệ quả của một nền công nghiệp phụ trợ vẫn còn thiếu và yếu.

Việc nối lại nguồn cung ứng nguyên vật liệu với Trung Quốc sẽ khả quan hơn trong quý 2 năm nay nhưng cầu thị trường sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ do nhu cầu nhập khẩu từ các thị trường khác giảm sút.

 Nói độ mở về thương mại thì cũng phải nói đến việc Việt Nam tham gia rất sâu rộng vào các Hiệp định thương mại tự do (FTAs). Nhưng cũng chính điều này gây ra cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế nói chung những khó khăn lớn.

 Nguồn vốn đầu tư nước ngoài bị giảm mạnh. Số liệu trong quý I/2020 đã cho thấy điều đó, ước tính từ Tổng cục Thống kê đạt 3,9 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong những năm gần đây lượng kiều hối mà Việt Nam nhận được khá tốt (năm 2019 đạt 16,7 tỷ USD), đặc biệt đến từ quốc gia Mỹ. Tuy nhiên, chắc chắn sang năm nay lượng kiều hối cũng sẽ giảm do ảnh hưởng chung của dịch bệnh trên toàn thế giới.

Như vậy thì dịch bệnh COVID-19 đang có ảnh hưởng xấu trên các bình diện về thương mại – điều mà vốn dĩ trước khi có dịch đang là cơ hội và khả năng tăng trưởng mạnh của Việt Nam. Khó khăn này chỉ có thể giải quyết được triệt để khi công cuộc chống dịch trên toàn thế giới chấm dứt và chắc chắn nó sẽ còn kéo dài trong vài tháng tới.

Đối sách của doanh nghiệp

Những ngày này, Việt Nam đang giữa hai cuộc chiến, đó là cuộc chiến y tế và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động. Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, “các mũi giáp công khá đồng bộ, toàn diện” với việc cả hệ thống chính trị vào cuộc để yểm trợ cho doanh nghiệp với tinh thần bảo vệ doanh nghiệp là bảo vệ nền kinh tế.

 Có lẽ, tốt nhất phải học cách “sống chung” với dịch. Bởi, nếu kéo dài cách ly xã hội dài thêm ít tháng nữa doanh nghiệp sẽ kiệt sức, vô hình chung tạo cơ hội cho các doanh nghiệp quốc tế thâu tóm thị trường trong nước. “Sống chung” ở đây không có nghĩa là cam chịu, là chấp nhận mà là phải thích ứng linh hoạt và biến hoá trong các tình huống bị động có thể xảy ra. 

Để tái khởi động nền kinh tế các chính sách cần hướng tới là khởi động từ thị trường nội địa trước tiên và tận dụng cơ hội xuất khẩu trước khi mở cửa trở lại hoàn toàn nền kinh tế. 

Những doanh nghiệp lớn hơn thì đa phần lượng tiền mặt (chi trả vận hành) cũng chỉ cầm cự được thêm vài tháng. Đấy là bỏ ngoài các khoản chi phí tài chính được tạm giãn, giảm, còn nếu không được hỗ trợ thì doanh nghiệp lớn cũng gục ngay, nhất là các doanh nghiệp dùng đòn bẩy nhiều.

Nếu cắt giảm chi phí tối đa và thu nhỏ lại (down size) thì cũng chỉ được hết năm. Chí ít cũng phải tạo cơ hội để các doanh nghiệp tồn tại được nhờ thị trường nội địa, giữ được các doanh nghiệp tốt, đợi hết dịch rồi phục hồi theo thế giới. Giải pháp là giãn nợ, giảm phí và lãi vay có thời hạn cụ thể được phải được áp dụng ngay và luôn. 

Riêng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (chiếm 2/3 tổng số doanh nghiệp tư nhân) thường ít vướng nợ vay do lúc bình thường ít thoả điều kiện cho vay, thì bây giờ nên cho họ vay để duy trì và phát triển kinh doanh, có thể là tín chấp, hay cách nào đó đơn giản hoá một số điều kiện vay vốn. Cần nhớ, các doanh nghiệp lớn có xu hướng giảm lao động khi hàm lượng công nghệ gia tăng, trong khi các doanh nghiệp nhỏ và vừa mới là khu vực tạo ra nhiều việc làm chính và việc làm mới, do vậy hỗ trợ vốn cho nhóm doanh nghiệp này là các hiệu quả để giúp phục hồi thị trường việc làm, kinh tế.

Tốc độ của cơ chế là chìa khóa

Gần như nhóm doanh nghiệp nào đang kinh doanh đều trông chờ chính sách của nhà nước. Quyết định thành bại hay không đó chính là cơ chế tốc độ triển khai từ gói cứu trợ đến các chính sách mới. Tốc độ của cơ chế là  chìa khoá vì nhiều “cơ trong nguy” có thể bị vuột đi nếu quá trình ra quyết định, tư duy chính sách không theo kịp tình hình. Các chính sách quyết định nhưng trên nền tư duy mới. 

Mong muốn điều này không dễ thực thi nhất là trong bối cảnh không ít rào cản kinh doanh, đầu tư đang đan cài trong hệ thống pháp luật, muốn thay đổi phải mất thời gian nghiên cứu, chỉnh sửa các quy định nhưng không thể không làm! 

Nghị quyết 02/2020/NQ-CP đã được đưa ra thực hiện rốt ráo ngay từ đầu năm, có lẽ giờ chúng ta sẽ không phải nói nhiều về việc tại sao không giải ngân được đầu tư công, tại sao doanh nghiệp gặp khó khăn trong thủ tục hành chính... mà sẽ là phải làm nhanh, nhanh hơn nữa tranh thủ “thời cơ vàng” cho nền kinh tế lúc này, không để nền kinh tế, doanh nghiệp phải chờ đợi vì thủ tục, quy trình cũ. Đây cũng là lúc vai trò của Nhà nước phải được thể hiện rõ nhất. 

Trung Quốc hiện đang khởi động chương trình tái thiết kinh tế và cách làm của Trung Quốc được là chọn “bơm” tiền vào ngân hàng, tập trung giải quyết thanh khoản và việc làm, đặc biệt là tài trợ vốn để xây dựng cơ sở hạ tầng, vừa chuẩn bị cho sự phát triển trong tương lai vừa giải quyết việc làm. 

Ở Việt Nam, thúc đẩy đầu tư công cũng là cách để chúng ta duy trì được tăng trưởng và tạo thêm việc làm và thu nhập cho người lao động. Để giải quyết vấn đề tăng trưởng mà không tạo ra lạm phát cao, đầu tư vào hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc Nam là hướng đi đúng đắn. Lợi ích kép trong việc đầu tư vào hạ tầng là tạo việc làm, tăng nhu cầu trước mắt và lâu dài là góp phần gia tăng năng suất tổng cho nền kinh tế sau đầu tư.

Ngoài tăng đầu tư công và hỗ trợ nhóm yếu thế, giảm thuế để kích thích tiêu dùng, chính phủ cũng nên tạo ra các gói kích thích chi tiêu vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là hướng đến nhóm đối tượng thu nhập thấp nhưng có nhu cầu học tập cao. Nếu chính sách này được triển khai thì sẽ đạt được lợi ích kép. Bởi, không những góp phần kích cầu tiêu dùng giáo dục, mà còn giúp nâng cao kỹ năng, trình độ của lực lượng lao động đáp ứng nhu cầu nâng cấp nền kinh tế trong tương lai. 

Vậy, muốn làm được như thế, phải thay đổi cách thức ra quyết định đầu tư, đồng thời điều chỉnh các vấn đề liên quan đến trần nợ công, bội chi ngân sách, cũng như gia tăng tỷ trọng phát hành trái phiếu nợ nội địa. 

Trong khi các kịch bản tăng trưởng kinh tế được đưa ra có độ biến thiên lớn thì có một điều gần như chắc chắn, mục tiêu tăng trưởng 6,8% trong năm nay khó có thể đạt được. Đây là điều đặng chẳng đừng và chắc chắn, cơn bão đại dịch rồi sẽ qua đi, nhưng những lựa chọn hiện tại sẽ thay đổi cuộc sống của chúng  ta trong tương lai!.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [THẾ GIỚI THAY ĐỔI] “Đích ngắm” nhanh, mạnh trên nền tư duy mới tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714118987 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714118987 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10