“Điểm nghẽn” phát triển KCN, CCN tại Quảng Nam

TUẤN VỸ 05/04/2022 11:14

Trong quá trình hình thành và phát triển ngành công nghiệp, tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng.

>>Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 13 khu công nghiệp (KCN) và 58 cụm công nghiệp (CCN) đang triển khai hoạt động.

Vẫn còn nhiều vướng mắc

Thời gian qua, các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã được đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, thu hút được nhiều dự án đầu tư thứ cấp, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đóng góp lớn vào ngân sách tỉnh.  Đối với các KCN, một số chỉ tiêu kinh tế đạt được trong năm 2021 với tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 800 triệu USD, tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,30 tỷ USD, giải quyết việc làm cho khoảng 55.000 lao động.

Tuy nhiên, qua tổng quan thực trạng có thể thấy, hoạt động các KCN, CCN vẫn còn một số hạn chế như chưa có định hướng ngành công nghiệp chủ đạo, mũi nhọn, vì vậy việc thu hút đầu tư chưa hợp lý và hiệu quả. Một số nơi có hạ tầng, cảnh quan đã xuống cấp, tốc độ đầu tư hạ tầng rất chậm, tỷ lệ thu hút dự án thứ cấp còn thấp.

Dư địa phát triển công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều, tuy nhiên hiện tại việc phát triển các KCN, CCN tại địa phương này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Dư địa phát triển công nghiệp tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều, tuy nhiên hiện tại việc phát triển các KCN, CCN tại địa phương này vẫn còn gặp nhiều vướng mắc.

Bên cạnh đó, một số dự án thứ cấp không sử dụng đất có hiệu quả, một số dự án quy mô nhỏ, có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường do công nghệ, thiết bị lạc hậu, các dự án ngừng hoạt động, sử dụng đất kém hiệu quả. Đồng thời, chưa có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài quy mô lớn của các tập đoàn có thương hiệu trên thế giới...Bên cạnh đó, các hạ tầng xã hội đi kèm đặc biệt là các khu nhà ở công nhân, chuyên gia chưa được đầu tư.

Ông Trần Quốc Bảo – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Quảng Nam cho hay thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp muốn đến Quảng Nam để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, theo ông Bảo khi doanh nghiệp muốn phát triển, đầu tư KCN hay CCN cũng phải dựa trên quy hoạch tại khu vực có cần hay là không? Công tác đất đai có khó không?

“Công tác thu hút đầu tư ở giai đoạn hiện tại hơi khách so với trước kia, hiện nay quy trình chặt chẽ về luật đầu tư rất khó, doanh nghiệp có năn lực thực sự mới được đầu tư và đầu tư trên nền tảng quy hoạch chung. Địa phương ưu tiên nhưng doanh nghiệp thực hiện phải tuân thủ đúng luật và có năng lực đấu thầu”, ông Trần Quốc Bảo nói.

>>Quảng Nam: Cần nhiều cơ chế mới cho xu hướng du lịch xanh

>>Quảng Nam: Doanh nghiệp mong cơ chế “kìm” giá xăng, dầu

Ông Lê Vũ Thương – Trưởng Ban quản lý khu kinh tế mở và các khu công nghiệp nhìn nhận công tác giải phóng mặt bằng là khó khăn của rất nhiều dự án đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp do thời gian thực hiện kéo dài, chính sách bồi thường thay đổi, hiện tượng xây dựng cơi nới, ổn định tái định cư chưa đảm bảo....làm cho tiến độ đầu tư hạ tầng không thể thực hiện như đăng ký, nguồn vốn đăng ký bị phát sinh, hiệu quả thu hút đầu tư chưa cao. Đồng thời, chủ hạ tầng các KCN chưa có quyết tâm cao trong việc phối hợp với đơn vị thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, chưa có những giải pháp tạo sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án để đẩy nhanh tiến độ bàn giao đất, đầu tư hạ tầng KCN.

Một số chủ đầu tư kết cấu hạ tầng KCN vẫn chưa thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định và còn hạn chế trong năng lực thu hút đầu tư nên tỷ lệ lấp đầy KCN chậm, chậm đầu tư kết cấu hạ tầng KCN.Vấn đề chuyển nhượng cổ phần, vốn góp theo quy định của pháp luật về kinh doanh, doanh nghiệp được cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận, cấp thay đổi nhưng không thông báo, lấy ý kiến cơ quan cấp phép đầu tư”, ông Thương cho biết.

Giải pháp thế nào?

Theo ông Lê Vũ Thương, thời gian tới tỉnh Quảng Nam cần rà soát, bổ sung quy hoạch một số KCN mới giai đoạn 2021 - 2030 bởi quỹ đất quy hoạch phát triển khu công nghiệp gần như đã được sử dụng hết. Một số ít diện tích quy hoạch còn lại không đủ quy mô, điều kiện để hình thành khu công nghiệp mới hoặc chỉ có thể phục vụ việc mở rộng các khu công nghiệp hiện tại. Chuyển đổi mô hình hoạt động các KCN hiện tại theo hướng có ngành công nghiệp chủ đạo làm thế mạnh để định hướng thu hút đầu tư, tạo chuỗi giá trị theo ngành.

Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ cho các doanh nghiệp, dự án hoạt động hiệu quả, có quy mô lớn làm định hướng thành ngành công nghiệp mũi nhọn của từng KCN. Lấy ngành công nghiệp mũi nhọn làm trung tâm để định hướng, lựa chọn thu hút các dự án hỗ trợ để tạo thành chuỗi giá trị trong KCN.

Xây dựng các KCN mới theo hướng phát triển mô hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ đạt mục tiêu phát triển bền vững, lâu dài, thu hút đầu tư theo hướng bền vững, lâu dài, vừa phát triển sản xuất kinh doanh vừa bảo vệ môi trường sống của cộng đồng xung quanh.UBND tỉnh sớm ban hành bộ tiêu chí về KCN sinh thái để làm cơ sở xúc tiến và lựa chọn các nhà đầu tư hạ tầng KCN cũng như định hướng thu hút đầu tư vào KCN”, ông Thương đề xuất.

Cũng theo người này, địa phương cần hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư trên cơ sở rà soát, điều chỉnh các vướng mắc của pháp luật đầu tư, trong đó lưu ý lựa chọn được các nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và kinh nghiệm. Xây dựng Nghị quyết chuyên đề về phát triển các khu công nghiệp tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 làm định hướng quy hoạch và phát triển các KCN của tỉnh.

Tập trung hỗ trợ đẩy mạnh công tác bồi thường giải phóng mặt bằng. Đối với các KCN đang hình thành các chủ đầu tư cần xác định ngành công nghiệp chủ đạo, mũi nhọn trong thu hút đầu tư, phát triển theo mô hình KCN sinh thái trong đó đặc biệt tập trung thu hút các dự án có hàm lượng khoa học công nghệ cao, từ chối các dự án có quy mô quá nhỏ, công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam có chủ trương ưu tiên doanh nghiệp làm chủ đầu tư các dự án cụm công nghiệp.

Thời gian tới, tỉnh Quảng Nam có chủ trương ưu tiên doanh nghiệp làm chủ đầu tư các dự án cụm công nghiệp.

Ông Nguyễn Thanh Quang – Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam cũng cho biết khó khăn nhất trong việc thu hút đầu tư với cả miền núi và đồng bằng vẫn là vấn đề nguồn vốn. Theo ông Quang, tỉnh Quảng Nam bố trí rất ít còn nguồn vốn của các địa phương cho cụm công nghiệp thì cũng không nhiều, hoặc có thể là không có tiền bố trị cho cụm công nghiệp đối với các địa phương vùng núi.

Tại Nghị quyết 34, quy định Quảng Nam hàng năm bố trí, hỗ trợ cho các cụm công nghiệp là 50 tỷ đồng, tuy nhiên trong năm 2022 chỉ được 15 tỷ đồng. Nếu chia cho địa bàn cả tỉnh thì đó là một nguồn vốn rất nhỏ. Thứ hai là khi đã có nguồn vốn rồi thì công tác GPMB cũng là một vướng mắc tại các cụm công nghiệp”, ông Quang cho biết.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Công thương Quảng Nam, hiện nay doanh nghiệp chỉ quan tâm đến khu vực đồng bằng, thuận lợi còn vùng núi thì doanh nghiệp ít mặn mà, quan tâm để đầu tư hạ tầng làm khu công nghiệp. Do đó, việc phát triển đồng bộ giữa các địa phương là rất khó khăn.

“Vì vậy, nguồn vốn cần đảm bảo, cân đối theo từng năm theo tinh thần Nghị quyết 34 là mỗi năm 50 tỷ. Các địa phương cũng cần tích cực hơn trong công tác GPMBquyết liệt, mạnh dạn hơn trong việc thu hút các nhà đầu tư mới đến phát triển các CCN.Trong công tác kêu gọi đầu tư, các địa phương cần bỏ tư tưởng địa phương làm chủ đầu tư, dành sự ưu tiên cho doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Quang nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Diện mạo đô thị mới Quảng Nam - Đà Nẵng

    Diện mạo đô thị mới Quảng Nam - Đà Nẵng

    00:30, 04/04/2022

  • Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng: Nguồn cung khan hiếm, giá đất liên tục tăng

    Bất động sản Quảng Nam - Đà Nẵng: Nguồn cung khan hiếm, giá đất liên tục tăng

    12:50, 02/04/2022

  • Quảng Nam phê duyệt xây dựng cầu Nghĩa Tự bắc qua sông Cổ Cò

    Quảng Nam phê duyệt xây dựng cầu Nghĩa Tự bắc qua sông Cổ Cò

    14:48, 01/04/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Điểm nghẽn” phát triển KCN, CCN tại Quảng Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO