Thị trường bất động sản (BĐS) hàng hiệu tiếp tục tăng trưởng mạnh nhờ số lượng dự án mới gia tăng nhanh nhanh trên toàn cầu.
Trong đó, thị trường châu Á - Thái Bình Dương (CA - TBD) gây chú ý khi được dự báo sẽ cạnh tranh ngang hàng với Bắc Mỹ trong một thập kỷ tới.
Năm 2024, thị trường BĐS hàng hiệu tiếp tục xu hướng mở rộng toàn cầu, ghi nhận tăng trưởng đáng kể cả về số lượng dự án và phạm vi địa lý.
Tăng trưởng mạnh mẽ
Mặc dù lâu nay Bắc Mỹ chiếm ưu thế trong ngành, thị phần của khu vực này đã giảm xuống dưới 50% vào năm 2015, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm xuống 25% vào năm 2031. Ngược lại, thị trường CA – TBD đang nổi lên như một động lực tăng trưởng quan trọng với khả năng cạnh tranh với khu vực Bắc Mỹ trong 12 năm tới.
Tại khu vực CA – TBD, các thị trường năng động hàng đầu trong phân khúc BĐS hàng hiệu gồm có Phuket và Đà Nẵng/Hội An. Trong thập kỷ qua, thị trường BĐS hàng hiệu đã tăng trưởng hơn 180% trên toàn cầu, 230% tại CA - TBD và 210% tại Việt Nam.
Việt Nam, đặc biệt các vùng ven biển, là một điểm sáng tại khu vực CA – TBD đối với thị trường BĐS hàng hiệu. Hiện nay, BĐS hàng hiệu xuất hiện trên khắp cả nước, như một số dự án tại Đà Nẵng hay Hội An.
Bên cạnh đó, nhu cầu từ các nhà phát triển BĐS hàng hiệu đối với các dự án tại khu vực đô thị, đặc biệt là Hà Nội và TP HCM, cũng tiếp tục tăng trưởng. Nổi bật có The Ritz-Carlton Residences tại The Grand – với vị trí ở trung tâm Hà Nội và Grand Marina Saigon - khu căn hộ hàng hiệu Marriott - tại TP HCM. Dự kiến phân khúc BĐS hàng hiệu sẽ tiếp tục mở rộng trong tương lai.
Theo báo cáo của Savills, thị trường BĐS hàng hiệu vẫn đang cạnh tranh khốc liệt, với các thương hiệu tập trung vào việc bảo vệ và mở rộng thị phần. Các thương hiệu khách sạn thống trị thị trường BĐS hàng hiệu chiếm 79% thị phần. Trong đó, các thương hiệu xa xỉ chiếm 2/3 thị trường, 1/3 còn lại bao gồm các thương hiệu trung cấp, cao cấp và trên cao cấp.
Thị trường BĐS hàng hiệu đang trải qua một sự chuyển mình mạnh mẽ. Đến năm 2031, các thương hiệu không xa xỉ sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn, tăng từ 33% lên 36%. Các thương hiệu phi khách sạn sẽ tăng từ 20% lên 21% so với mức hiện tại. Sự chuyển dịch này nhấn mạnh tính đa dạng ngày càng tăng của các thương hiệu và sản phẩm trong lĩnh vực.
Thị trường BĐS hàng hiệu tiếp tục mở rộng, được thúc đẩy bởi nhu cầu tăng cao tại các thị trường trọng điểm. Các điểm đến nghỉ dưỡng nổi bật như Dubai, Miami và Phuket chiếm ưu thế trong phân khúc du lịch biển, trong khi các địa phương mới nổi như Hội An và Los Cabos đang góp phần thúc đẩy xu hướng này.
Những người mua tinh tế đang thúc đẩy sự phát triển của BĐS hàng hiệu, khi họ tập trung vào các tiện ích chăm sóc sức khỏe, tính bền vững và dịch vụ cá nhân hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về những dự án thân thiện với môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Để đáp ứng những tiêu chí này, các nhà phát triển và thương hiệu đang đổi mới để tạo sự khác biệt trong một thị trường đầy cạnh tranh.
Nghiên cứu kéo dài một thập kỷ của Savills về BĐS hàng hiệu cho thấy, tổng giá trị các dự án vượt qua 120 tỷ USD tại 5 thị trường hàng đầu, nhấn mạnh sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành và gần 4.000 dự án toàn cầu. Mặc dù tăng trưởng hàng năm dự kiến sẽ chậm lại, nhưng sự dịch chuyển khu vực và cạnh tranh gay gắt giữa các thương hiệu hàng đầu có khả năng định hình lại thị trường trong thập kỷ tới.
Tuy nhiên, lĩnh vực này cũng đối mặt với những thách thức đáng kể có thể ảnh hưởng đến định hướng dài hạn. Để duy trì tốc độ tăng trưởng hàng năm 10%, các nhà vận hành cần triển khai từ 200 đến 250 dự án mỗi năm - một mục tiêu đầy thách thức trong bối cảnh hạn chế về nguồn lực và rủi ro chậm trễ trong quá trình phát triển. Ngoài ra, việc phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực trong các lĩnh vực thiết kế, kỹ thuật và pháp lý cũng tạo ra thách thức về khả năng mở rộng, nhấn mạnh vai trò của đổi mới và chiến lược trong việc duy trì đà tăng trưởng.
Hơn nữa, thị trường có thể đang tiến gần đến điểm bão hòa, đặt ra câu hỏi về khả năng duy trì đà phát triển của ngành. Tuy nhiên, những nỗ lực không ngừng từ các nhà phát triển và thương hiệu đã khẳng định cam kết mạnh mẽ trong việc định hình một thị trường BĐS xa xỉ năng động và bền vững.
Theo xu hướng toàn cầu, Việt Nam đang duy trì đà tăng trưởng ổn định trong lĩnh BĐS hàng hiệu, nhờ sự phát triển của kinh tế vĩ mô và sự gia tăng nhanh chóng của tầng lớp thượng lưu. Tầng lớp giàu có ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu sở hữu "ngôi nhà thứ hai" cũng như đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng cao cấp với mục đích thư giãn sinh lời.
Ngoài ra, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, khí hậu ôn hòa, các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng từ Chính phủ, và chi phí sinh hoạt thấp cũng là những lợi thế nổi bật của Việt Nam. Tuy nhiên, để duy trì sức hút, các nhà phát triển cần quan tâm đến những thách thức liên quan đến quy định pháp lý, thủ tục hành chính phức tạp, và áp lực cạnh tranh từ các thị trường khác trong khu vực.