Hội đồng quán trị Công ty CP Diêm Thống Nhất (UPCoM: DTN) vừa quyết định ngừng sản xuất diêm trên diện rộng và chuyển hướng mạnh sang bật lửa.
Không những thế, doanh nghiệp này còn quyết định hủy niêm yết cổ phiếu DTN trên sàn UPCoM.
Ngừng sản xuất diêm đại trà
Trao đổi với DDĐN, ông Nguyễn Hưng - Chủ tịch HĐQT Diêm Thống Nhất, cho biết doanh nghiệp này chỉ dừng sản xuất diêm trên quy mô lớn, chứ không “khai tử” hoạt động này. Năm 2020, Công ty dự kiến sản xuất khoảng 60 triệu bao diêm.
Có thể bạn quan tâm
16:00, 10/12/2019
00:00, 28/10/2019
09:55, 04/04/2019
12:00, 17/10/2017
Trong cơ cấu chi phí sản xuất của Diêm Thống Nhất, chi phí nguyên vật liệu chiếm 60% và chi phí nhân công chiếm 22%. Còn lại là các loại chi phí như khấu hao, công cụ dụng cụ, mua ngoài... Nguyên vật liệu đầu vào sử dụng trong sản xuất của Diêm Thống Nhất chủ yếu là gỗ (chiếm tới gần 50%); giấy (khoảng 70%) và các hóa chất, phụ liệu khác. Trong đó, các hóa chất, phụ liệu khác chủ yếu được nhập khẩu, nên chịu ảnh hưởng rất lớn của giá cả nguyên vật liệu trên thế giới. Do vậy, nếu tiếp tục sản xuất diêm đại trà, doanh nghiệp này sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ nặng.
Theo báo cáo của doanh nghiệp này, trong 6 tháng đầu năm nay, doanh thu ước đạt 53,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế chỉ đạt khoảng 500 triệu đồng, chỉ bằng 20% kế hoạch năm.
500 triệu đồng là lợi nhuận trước thuế ước tính 6 tháng đầu năm 2019 của Diêm Thống Nhất, chỉ bằng 20% kế hoạch năm.
“Thổi bùng” bật lửa
Để giải bài toán tăng trưởng, Diêm Thống Nhất đã mở rộng đầu tư kinh doanh sang một số lĩnh vực khác, trong đó đẩy mạnh sản xuất, phân phối bật lửa.
Bật lửa an toàn mang thương hiệu Thống Nhất được Công ty cho ra đời để thay thế dần sản phẩm diêm được đánh giá là bước chuyển tiếp phù hợp trên cơ sở phát huy giá trị thương hiệu truyền thống Diêm Thống Nhất vốn thành công trong quá khứ. Cụ thể, năm 2014 Diêm Thống Nhất ra mắt sản phẩm bật lửa An toàn Thống Nhất và đạt sản lượng tiêu thụ là 1,65 triệu chiếc. Tiếp đó liên tục 2 năm 2015 và 2016, doanh số đạt lần lượt 5,2 triệu chiếc và 8,5 triệu chiếc. Riêng năm 2017, Diêm Thống Nhất tiêu thụ được gần 10 triệu bật lửa, và năm 2018 lượng tiêu thụ tiếp tục tăng hơn 30% so với cùng kỳ 2017.
Ông Nguyễn Hưng cho biết, việc chuyển hướng sang kinh doanh bật lửa của Diêm Thống Nhất là bước đi hợp lý khi mà sản phẩm diêm khó tiêu thụ. Kết quả kinh doanh tích cực trong những năm gần của Công ty có sự đóng góp lớn từ sản phẩm bật lửa. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm mới chỉ tiêu thụ chủ yếu ở một số thành phố lớn miền Bắc và miền Trung. “Trong năm 2020, ngoài bật lửa, Công ty sẽ mở rộng thêm hoạt động kinh doanh thương mại như kinh doanh nguyên liệu giấy sản xuất bao bì”, ông Hưng cho biết.
“Cái khó bó cái khôn”
Dù doanh số bán bật lửa của Diêm Thống Nhất tăng trưởng đều đặn trong những năm qua, nhưng doanh nghiệp này gặp không ít thách thức.
Theo Ban lãnh đạo Diêm Thống Nhất, thị phần tiêu thụ sản phẩm bật lửa của Công ty mới chỉ chiếm mức thấp nhất trong tổng thị phần toàn thị trường so với một số thương hiệu khác và các mặt hàng nhập khẩu. Trong khi đó, các sản phẩm bật lửa Cricket được nhập khẩu từ Malaysia có giá bán cao gấp 3 lần so với các sản phẩm thông thường (khoảng 7.000 đồng một sản phẩm) có sức tiêu thụ vẫn còn yếu do với quy mô chung.
Ngoài ra, do đã vận hành khoảng 60 năm nay, nhưng máy móc thiết bị sản xuất của Diêm Thống Nhất đã lâu không được đầu tư nâng cấp, nên đã ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động, cũng như kế hoạch mở rộng thị trường của doanh nghiệp này.
Mặc dù đạt mức doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm, nhưng phần chi phí nguyên vật liệu, chi phí sản xuất ở mức khá cao khiến lợi nhuận của doanh nghiệp này khá thấp, chỉ chiếm khoảng 1- 2% doanh thu. Do vậy, việc đầu tư nâng cấp hệ thống máy móc vẫn đang nằm ngoài tầm với của Diêm Thống Nhất.
Một chuyên gia quản trị cho rằng, việc chuyển hướng chiến lược của Diêm Thống Nhất là thiết yếu. Tuy nhiên, để tồn tại được, thì Diêm Thống Nhất đa dạng hóa ngành nghề sản xuất, kinh doanh hơn nữa, đồng thời chấp nhận vay nợ để đầu tư nâng cấp dây chuyền máy móc nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, “cái khó bó cái khôn”, vì với dây chuyền máy móc cũ kỹ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả, thì việc sử dụng đòn bẩy tài chính lúc này cũng rất khó khăn.
Áp lực cạnh tranh lớn
Trên thị trường bật lửa Việt Nam, mẫu mã và giá cả rất đa dạng. Bật lửa Thống Nhất có giá 4.000 đồng/cái, bật lửa Thống Nhất – Cricket (giá 6.800 đồng/cái), bật lửa của Công ty TNHH Hoa Việt và Công ty TNHH MTV Sản xuất và Thương mại Minh Hương có giá bình dân hơn, dao động từ 2.000 – 3.000 đồng/chiếc. Còn bật lửa nhập ngoại như Trung Quốc và Thái Lan có giá còn hấp dẫn hơn.
Trong khi đó, trên thị trường cũng xuất hiện nhiều loại bật lửa đẳng cấp dành cho giới trẻ, như Zippo, Dupont…Dù các loại bật lửa này có giá thành cao hơn nhiều so với các loại bật lửa được sản xuất tại Việt Nam, nhưng được giới trẻ rất ưa chuộng. Trong khi đó, đây là đối tượng có nhu cầu sử dụng bật lửa nhiều. Đây sẽ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất bật lửa Việt Nam như Diêm Thống Nhất...
Theo các chuyên gia, để cạnh tranh và trụ vững trên thị trường bật lửa, các doanh nghiệp trong ngành không những phải nỗ lực nâng cao chất lượng, mà còn tìm cách hạ giá thành sản phẩm xuống thấp hơn để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của phân khúc thị trường bình dân và có thể cạnh tranh được với hàng nhập ngoại từ Thái Lan, Trung Quốc…, thậm chí là hàng giả, hàng nhái.