Huyện Mường Ảng đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) đặt mục tiêu chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản.
Cuối năm 2019, Công ty TNHH Bùi Gia Phát Điện Biên đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư trồng cây ăn quả với các xã Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn. Theo đó, công ty sẽ tiến hành khảo sát, đầu tư dự án trồng cây ăn quả tại bốn xã với diện tích 1.500 ha. Đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích thêm 1.000 ha ở các xã khác. Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.250 tỷ đồng. Hiện đã khảo sát tích tụ đất được 600ha.
Trước đó, Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà đã đầu tư dự án cây ăn trái với quy mô trên 200ha. Đến nay, doanh nghiệp đã thực hiện được 70ha với 2 nhóm cây trồng chính là cam và bưởi da xanh.
Theo ông Từ Quang Hà, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà: Với sự đồng hành của các cấp chính quyền địa phương, dự án đã được triển khai trên quy mô lớn trong thời gian ngắn. Thực tế thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương rất phù hợp với các loại cây có múi nên cây phát triển tốt, một số diện tích đã bắt đầu cho trái. Đây là động lực để công ty đẩy nhanh tiến độ dự án.
Việc các doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp với quy mô lớn trên địa bàn huyện đã mở ra một hướng phát triển mới cho địa phương phương.
Trên thực tế, huyện Mường Ảng có tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 44.000 ha; trong đó, khoảng 90% là đất sản xuất nông nghiệp. Do nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới núi cao, phù hợp để phát triển một số loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả và phát triển nông sản hàng hóa, Mường Ảng xác định phát triển cây ăn quả thành vùng nguyên liệu, thực sự tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao là điều hết sức quan trọng.
Quyết định số 610/QÐ-UBND, ngày 7/7/2017 của UBND tỉnh Điện Biên về việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao đã tạo ra một cú hích lớn đối với địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trên cơ sở đó, huyện đã xây dựng kế hoạch, cơ cấu lại ngành nông nghiệp, kịp thời định hướng nhân dân chuyển đổi diện tích cây trồng, nhất là diện tích cà phê già cỗi, kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả năng suất cao. Với hướng đi phù hợp và nỗ lực triển khai thực hiện, chỉ trong một thời gian ngắn, đến nay, Mường Ảng đã có khoảng 300 ha diện tích cây ăn quả, chủ yếu là bưởi da xanh, xoài Đài Loan, cam và chanh leo.
Cùng với các loại cây ăn trái, huyện Mường Ảng còn có hơn 3.000 ha cà phê đã và đang góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động mang lại thu nhập hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.
Theo định hướng phát triển kinh tế của Mường Ảng, đến năm 2025 phát triển nông nghiệp vẫn mũi nhọn chủ lực. Dù cơ cấu kinh tế của huyện tăng dần tỷ trọng ngành dịch vụ - công nghiệp, giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp nhưng sẽ tập trung theo hướng đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi, phát triển vùng nguyên liệu tập trung, xây dựng thương hiệu để nâng cao giá trị nông sản. Mục tiêu huyện đề ra đến năm 2025 tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 17.000 tấn, giữ vững diện tích cà phê có hiệu quả, phát triển 1.000ha cây ăn quả.
Trước mắt, huyện Mường Ảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 toàn huyện có khoảng 1.500 - 2.000ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả. Định hướng đến năm 2025 có khoảng 2.000 - 2.500ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả. Mục tiêu tập trung phát triển vùng cây ăn quả ở huyện Mường Ảng thành vùng trọng điểm ở tỉnh Điện Biên.
Để làm được điều đó, ông Nguyễn Hữu Hiệp, Chủ tịch UBND huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên cho biết: Trên cơ sở quy hoạch đã có, chúng tôi đang chủ động trong việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả và đất trống đồi trọc để chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong thời gian tới, việc trồng cây ăn quả sẽ được tổ chức theo hướng tập trung, tạo ra những sản phẩm chủ lực có khối lượng lớn, liên kết sản phẩm theo vùng, thúc đẩy liên kết trong sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm.
“Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh thu hút đầu tư, bởi đây chính là “chìa khoá” giúp địa phương thực hiện thành công đề án tái cơ cấu nông nghiệp” - ông Hiệp nói.
Có thể bạn quan tâm