Để phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới, Điện Biên cần làm rõ lợi thế cạnh tranh và những “nút thắt” cần tháo gỡ.
Ngày 17/3/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững”.
Làm rõ lợi thế cạnh tranh
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các đại biểu cần đưa ra những ý kiến, đề xuất định hướng, giải pháp, nhiệm vụ phát triển du lịch Điện Biên có tính chìa khóa, tạo ra sự đột phá. Cùng với đó là sản phẩm chiến lược để thu hút du khách. Đi vào cụ thể Điện Biên có tiềm năng gì, làm thế nào để tài nguyên ấy phát huy giá trị, tạo được sự kết nối, tìm được nhà đầu tư, nhà thiết kế tạo ra sự hấp dẫn lớn hơn. Đồng thời làm sao quảng bá nhanh nhất, hiệu quả nhất, tận dụng chuyển đổi số, quảng bá số, hệ thống quảng bá thực và ảo để hình ảnh Điện Biên được lan tỏa rộng rãi trong nước và quốc tế.
Phó Thủ tướng lưu ý, với đặc thù miền núi, Điện Biên cần tư duy phát triển song song với bảo tồn, gắn với tôn trọng giá trị tự nhiên, thân thiện, hài hòa. Đặc biệt cần giúp đồng bào các dân tộc nhận thức rõ ý nghĩa, lợi ích kinh tế của việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch cộng đồng, sao cho vừa gìn giữ truyền thống vừa tiếp cận với văn minh thế giới. Đây là mô hình du lịch nên ưu tiên nhưng phải có sự định hướng, hỗ trợ để không bị méo mó, lợi dụng.
Theo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng: Mỗi địa phương phải có sản phẩm đặc sắc, tiêu biểu, phát triển phải đồng đều, chú trọng về liên kết. Vì vậy trong khuôn khổ Năm Du lịch quốc gia Điện Biên, Hội thảo được tổ chức là dịp lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, của những người hoạt động thực tiễn để đóng góp thiết thực vào phát triển du lịch của cả nước nói chung, Điện Biên nói riêng. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng phát triển du lịch Điện Biên trong những năm qua để định hướng phát triển du lịch Điện Biên bền vững, làm rõ lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo, khác biệt; áp dụng khoa học công nghệ chuyển đổi số trong phát triển du lịch, cải thiện chất lượng dịch vụ. Có như vậy du lịch Điện Biên mới cất cánh, định vị lại Điện Biên trong bản đồ du lịch Việt Nam và thế giới...
Gỡ nút thắt
Bí thư Tỉnh ủy Trần Quốc Cường cho biết, Điện Biên có nhiều tiềm năng, lợi thế, với di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ, nền văn hóa đa dân tộc, phong phú, cảnh sắc hùng vĩ... Năm 2023, tỉnh lần đầu tiên vượt mốc 01 triệu lượt du khách, tăng gần 25% so với cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2022; số ngày lưu trú bình quân của du khách cũng tăng lên ước đạt gần 03 ngày/người; là kết quả của nhiều hoạt động quảng bá vào những tháng cuối năm 2023 như: Tuần Văn hóa - Du lịch vùng Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh tại tỉnh Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào); Tuần văn hóa, du lịch Điện Biên tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Thanh Hóa…
Tuy vậy, các kết quả đạt được nêu trên vẫn còn rất khiêm tốn; quy mô hoạt động du lịch hiện vẫn còn nhỏ, lượng khách đến tỉnh chưa cao, thời gian lưu trú ngắn và mức chi tiêu bình quân/khách du lịch còn thấp; sản phẩm du lịch vẫn chưa thật sự phong phú, đa dạng; sức hấp dẫn, tính cạnh tranh thấp…; tính kết nối du lịch các địa phương khu vực Tây Bắc và với nước ngoài còn hạn chế.
Tỉnh Điện Biên rất mong chờ và hy vọng sẽ được nghe các ý kiến tham luận, tư vấn, gợi mở, hiến kế của các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học,… và đặc biệt là những ý kiến trao đổi, kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội Du lịch Việt Nam và của cộng đồng các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch. Thông qua các tham luận, tỉnh Điện Biên sẽ có thêm nhiều thông tin, cách làm mới về du lịch, góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 08-NQ/TU, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chỉ thị số 08/CT-TTg, ngày 23/02/2024 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững trong thời gian tới.
>>Cơ hội phát triển du lịch Việt Nam và du lịch Điện Biên nhanh, toàn diện, bền vững
>>Show diễn thực cảnh "Huyền tích UVA" tại Điện Biên có gì đặc sắc?
Hội thảo khoa học quốc gia “Điện Biên phát huy tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững” được tổ chức là diễn đàn để các nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia trong ngành du lịch phân tích, đánh giá tiềm năng du lịch, hiệu quả những nguồn lực phát triển du lịch trong tổng thể bức tranh kinh tế - xã hội của tỉnh Điện Biên; đánh giá những kết quả đạt được, làm rõ những “điểm nghẽn”, những “nút thắt” trong phát triển du lịch Điện Biên; dự báo những yếu tố tác động, trên cơ sở đó tìm ra các giải pháp phát huy và khai thác một cách hiệu quả những giá trị cốt lõi của Điện Biên để phát triển du lịch, thu hút và làm hài lòng khách du lịch, định hướng phát triển du lịch Điện Biên toàn diện, nhanh và bền vững.
Hơn 80 bài tham luận của các nhà quản lý, các nhà khoa học, chuyên gia từ các cơ quan, ban, ngành, các công ty, đơn vị lữ hành ở Trung ương và địa phương cùng các ý kiến thảo luận, trao đổi trực tiếp tại Hội thảo đã làm sáng rõ hơn những nội dung chính:
Một là, khẳng định và làm sâu sắc hơn cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển du lịch bền vững của Việt Nam và tỉnh Điện Biên, trong đó nhấn mạnh mục đích chính của phát triển du lịch bền vững là thực hiện ba trụ cột: Môi trường, văn hóa - xã hội và kinh tế để phát triển một cách đồng đều và hài hòa.
Hai là, phân tích, đánh giá sát, đúng thực trạng phát triển du lịch; tiềm năng, các điều kiện phát triển du lịch; các yếu tố tác động; những vấn đề đặt ra đối với phát triển du lịch bền vững của tỉnh Điện Biên.
Ba là, thảo luận, đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch tỉnh Điện Biên theo hướng nhanh, bền vững từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phấn đấu đến năm 2025, nâng tỷ trọng giá trị gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh; đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân đạt 15%/năm và tổng thu từ hoạt động du lịch tăng bình quân trên 14%/năm, như chỉ tiêu Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 07/5/2021 của Tỉnh ủy Điện Biên về phát triển du lịch tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra.
Có thể bạn quan tâm