Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024 10,5%, ngay từ đầu năm tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo, thực hiện quyết liệt, linh hoạt, đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn...
Theo ông Lê Thành Đô, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên cho biết: Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy mạnh thực hiện và phấn đấu hoàn thành mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết số 186/NQ-HĐND ngày 09/12/2020 của HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Gam màu sáng trong bức tranh kinh tế Tây Bắc
Với sự lãnh đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy; sự phối hợp chặt chẽ của HĐND tỉnh, Ủy ban MTTQ và tổ chức chính trị - xã hội và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ngay từ đầu năm 2024, UBND tỉnh đã tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt đồng bộ 07 nhiệm vụ trọng tâm và 09 nhóm giải pháp chủ yếu đề ra trong chương trình giải pháp chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh năm 2024 tại Quyết định số 22/QĐ-UBND ngày 08/01/2023 của UBND tỉnh.
Theo đó, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) Quý I/2024, theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 3.088,72 tỷ đồng, tăng 6,07% so với cùng kỳ năm trước (xếp thứ 2/8 tỉnh khu vực Tây Bắc (Phú Thọ 6,56%), xếp thứ 4/14 tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, xếp thứ 25/63 tỉnh thành).
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 306,55 tỷ đồng, tăng 2,74%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 660,08 tỷ đồng, tăng 9,66%; khu vực dịch vụ đạt 1.957,99 tỷ đồng, tăng 5,46% so với cùng kỳ năm trước; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm ước đạt 164,1 tỷ đồng, tăng 5,95% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I lượng khách du lịch tăng khá cao so với cùng kỳ, ước đạt 440.600 lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 33,89% so với kế hoạch năm, trong đó khách quốc tế đạt 3.285 lượt, tăng 13,86% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 777 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 35% kế hoạch năm.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ quý I đạt 39,74 triệu USD, tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước, đạt 30,57% kế hoạch. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 17,18 triệu USD, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, đạt 40,9% so với kế hoạch.
Đáng chú ý, tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trên địa bàn; tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp NVV, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn 2021 - 2025.
Riêng quý I tỉnh có 37 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 195 tỷ đồng, đạt 30,8% so với kế hoạch; 21 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký, thông báo hoạt động. Lũy kế toàn tỉnh hiện có 1.294 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký 32.222 tỷ đồng và 671 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký hoạt động tại địa phương.
Có 6 HTX thành lập mới với tổng vốn điều lệ trên 14,75 tỷ đồng, đạt 33,64% so với kế hoạch năm. Toàn tỉnh hiện có 304 HTX với tổng số vốn 863,75 tỷ đồng. Có 281 hộ kinh doanh thành lập mới với tổng số vốn trên 29,52 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 20.800 hộ kinh doanh với tổng số vốn 1.847 tỷ đồng. Các chính sách hỗ trợ phát triển DNVVN, hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể tiếp tục được quan tâm, triển khai.
“Tiếp tục tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; chỉ đạo quyết liệt khắc phục hạn chế, yếu kém” ông Lê Thành Đô nhấn mạnh.
Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên chia sẻ: Hiện tỉnh đang tiếp tục vận động xúc tiến, tạo điều kiện để các tập đoàn lớn như Danco, Tập đoàn TNG, Công ty CP đầu tư Đại An, Công ty CP Tập đoàn đầu tư Agroup, Công ty CP Tập đoàn Đại Nam Sơn và một số Tập đoàn và công ty lớn trong nước và nước ngoài đến tìm hiểu nghiên cứu, khảo sát, đề xuất đầu tư một số dự án lớn của tỉnh.
Đồng thời tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp nhất là trong bước thực hiện dự án đầu tư, chỉ đạo các sở ngành tăng cường công tác phối hợp trong giải quyết các thủ tục hành chính, đất đai, hỗ trợ GPMB.
Cũng theo ông Sông, trong quý I, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 05 dự án về lĩnh vực kinh doanh, du lịch nghỉ dưỡng, nông nghiệp và khai thác khoáng sản với tổng vốn đầu tư đăng ký thực hiện là 1.344,13 tỷ đồng, tăng 52,46% so với cùng kỳ năm trước.
“Lũy kế có 217 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng số vốn đăng ký 50.819,515 tỷ đồng (không bao gồm các dự án bị thu hồi). Trong đó có 119 dự án đã hoàn thành đi vào hoạt động; 98 dự án đang triển khai thực hiện với tổng số vốn đăng ký thực hiện là 37.258,89 tỷ đồng” ông Sông dẫn chứng.
“Gạn đục khơi trong”
Tuy tốc độ tăng trưởng GRDP quý I/2024 của Điện Biên khá ấn tượng so với các tỉnh trong khu vực và cả nước, nhưng Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô cho rằng: Tốc độ tăng trưởng kinh tế quý I/2024 chưa đạt kế hoạch, thấp hơn kịch bản đã dự kiến 3,9% (đã phê duyệt 9,97%).
Cùng với đó, tỷ lệ giải ngân quý I cũng chậm so với kế hoạch (đạt 18,58%); tiến độ triển khai công tác chuẩn bị đầu tư của một số dự án, chương trình mục tiêu quốc gia của một số đơn vị chủ đầu tư còn chậm, dẫn đến một số dự án không đủ điều kiện phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2024 theo đúng thời gian quy định, đã ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của tỉnh.
Công tác đền bù, GPMB, đặc biệt tại các dự án có quy mô lớn còn nhiều vướng mắc, đến nay vẫn chưa được tháo gỡ triệt để làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thi công của một số dự án.
Tiến độ thực hiện một số dự án ngoài đầu tư công của các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư còn chậm; đặc biệt là các dự án trồng cây Mắc ca. Tiến độ giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp rất chậm chưa đáp ứng được yêu cầu kế hoạch.
Ngoài nguyên nhận khách quan, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô thẳng thắn nhìn nhận: Chất lượng lập kế hoạch và công tác chuẩn bị đầu tư, thủ tục đầu tư cho các dự án tại một số đơn vị còn chưa tốt, thiếu chủ động, hiệu quả, dẫn tới một số dự án chậm được phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2024.
Năng lực thực hiện dự án, nhất là năng lực tài chính của một số nhà đầu tư có dấu hiệu giảm sút không huy động đủ vốn theo tiến độ cam kết để thực hiện dự án... Một số dự án đầu tư xây dựng vướng mắc liên quan đến đất rừng, báo cáo đánh giá tác động môi trường,... làm chậm triển khai dự án và giải ngân vốn được giao.
Sự phối hợp giữa các đơn vị được giao chủ đầu tư với các cơ quan quản lý nhà nước và các địa phương có dự án đầu tư trên địa bàn có nơi, có lúc còn chưa được nhịp nhàng, hiệu quả. Công tác phối hợp giữa một số sở, ngành, đơn vị thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên nhất là trong việc hoàn thiện các thủ tục hồ sơ dự án, phối hợp GPMB; công tác đôn đốc nhà thầu triển khai thi công chưa thật sự quyết liệt...
Trước những thách thức trên, để đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên, Lê Thành Đô khẳng định: Cùng với việc tập trung hoàn thiện hồ sơ các phương án tích hợp vào quy hoạch tỉnh Điện Biên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 109/QĐ-TTg ngày 27/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ...Tỉnh sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng hoàn thành quy hoạch chung TP.Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đến năm 2045.
Mặt khác, tỉnh khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư để đủ điều kiện phân bổ chi tiết 100% vốn đầu tư công. Kịp thời rà soát, xem xét điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm đối với các chương trình, dự án nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư. Tập trung chỉ đạo đảm bảo giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024.
“Có chế tài xử lý nghiêm khắc theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, tiêu cực, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực trong quản lý đầu tư công” Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô kiên quyết.
Bên cạnh đó, tỉnh đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, trong đó tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ lập dự án đầu tư, sớm triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp hỗn hợp huyện Mường Ảng...Tạo điều kiện để các nhà đầu tư lớn có tiềm năng khảo sát, nghiên cứu phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh như: Điện gió, Điện sinh khối, thủy điện,.... Hoàn thiện danh mục chi tiết các dự án phát triển nguồn điện, lưới điện trong kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai thực hiện.
Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc CMCN 4.0 vào sản xuất công nghiệp. Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong quản trị, điều hành sản xuất để công nghệ hóa phương thức sản xuất, kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm...Triển khai các giải pháp hỗ trợ giải quyết khó khăn về thị trường đối với doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh của tỉnh như: chè, cà phê, gạo Điện Biên, xi măng, Mắc ca và các sản phẩm có chất lượng khác....đến với người tiêu dùng để tìm kiếm, duy trì và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất, đổi mới quản lý để tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình liên kết hợp tác, phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố; hỗ trợ, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư, tập đoàn lớn triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí,... trên địa bàn. Tăng cường ứng dụng CNTT, đa dạng hóa các hình thức xúc tiến, quảng bá các điểm đến du lịch của tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh chú trọng đầu tư phát triển toàn diện kinh tế cửa khẩu, gắn phát triển công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ... với phát triển cửa khẩu với các tỉnh Bắc Lào, huyện Giang Thành tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) để cùng khai thác có hiệu quả các cửa khẩu, lối mở, lợi thế thương mại trên địa bàn...
Tiếp tục tập trung thực hiện tốt kế hoạch hành động nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tập trung rà soát đơn giản hóa các TTHC trong quá trình giải quyết thủ tục đầu tư, giao đất, cho thuê đất; rà soát, điều chỉnh bổ sung danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư cho phù hợp với thực tế với những cơ chế thông thoáng, tạo điều kiện tối đa nhất để thu hút các nhà đầu tư, đặc biệt là các tập đoàn lớn đầu tư vào địa bàn.
Thường xuyên rà soát, đánh giá lại tiến độ các dự án, đồng hành cùng với nhà đầu tư tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển hạ tầng đô thị; các dự án tạo nguồn thu nhằm tạo nguồn lực để triển khai thực hiện các chương trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Thực thi có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp theo chủ trương của Chính phủ. Tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh minh bạch, thông thoáng, thuận lợi để phát triển doanh nghiệp và thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển kinh tế, xã hội. Khuyến khích, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho các hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp. Phát hiện và nhân rộng các mô hình HTX điển hình, kiểu mới...
“Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ CCHC; đẩy mạnh phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tăng cường các ứng dụng, dịch vụ trong hoạt động của cơ quan Nhà nước: Văn bản điện tử chữ ký số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hội nghị trực tuyến,...” Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô quả quyết.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 16/04/2024
02:00, 15/04/2024
03:30, 13/04/2024
08:53, 22/03/2024
13:56, 17/03/2024