Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp đã mở ra cơ hội đầu tư, kinh doanh giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với địa phương, địa phương với địa phương.
>>Hội nghị hợp tác Việt Nam-Pháp: Cơ hội quảng bá hình ảnh du lịch Hà Nội
Tham dự Diễn đàn về phía Việt Nam, có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Chủ tịch VCCI Hoàng Quốc Phòng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, cùng đại biểu Bộ, ban, ngành và địa phương.
Về phía Pháp, có Chủ tịch Ủy ban các vấn đề xã hội và Chủ tịch Nhóm nghị sĩ hữu nghị Pháp-Việt tại Thượng viện Pháp, Đại diện của Chủ tịch Thượng viện Pháp, Trưởng đoàn chính thức các địa phương Pháp Catherine Deroche; Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery.
Củng cố quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước
Diễn đàn doanh nghiệp Việt - Pháp là cơ hội để tăng cường quảng bá, giới thiệu truyền thống văn hoá, tiềm năng và những thành tựu kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội và các địa phương Việt Nam; quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong công tác xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch và hội nhập quốc tế.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết: Hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được đặt nền móng từ năm 1989 với việc thành lập quan hệ đối tác giữa thành phố Hà Nội và vùng Ile-de-France.
Hội nghị hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Pháp được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1996 tại thành phố Lille (Pháp). Hơn 30 năm qua, hình thức hợp tác này liên tục được củng cố, phát triển và đã trở thành kiểu mẫu cho quan hệ hữu nghị, truyền thống, hợp tác giữa các cấp địa phương của hai nước.
“Trong khuôn khổ Diễn đàn, các tỉnh, thành phố của Việt Nam và các địa phương của Pháp giới thiệu về môi trường đầu tư, kinh doanh và định hướng các chính sách thu hút đầu tư. Đây là dịp để các doanh nghiệp tìm hiểu và tham luận các nội dung thực tiễn triển khai các hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, cùng thảo luận và đề xuất mong muốn kết nối, hỗ trợ thông tin hợp tác giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp để mở rộng đầu tư.
Tạo cơ hội cho các bên có thể trao đổi các ý tưởng, sáng kiến, giải pháp nhằm nâng cao sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác, đầu tư, góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, tin cậy; củng cố và tăng cường mối quan hệ sẵn có, đồng thời mở rộng các giao lưu, hợp tác giữa các đối tác mới của các địa phương Việt Nam và Pháp”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Theo Đại sứ Pháp tại Việt Nam Nicolas Warnery, năm 2023 đánh dấu một mốc quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Pháp. Đặc biệt, thời gian qua quan hệ giữa 2 nước đã đi vào chiều sâu với sự hợp tác toàn diện, trên mọi mặt như du lịch, văn hóa, nghệ thuật và đặc biệt là hợp tác kinh tế.
Kinh tế Việt - Pháp còn rất nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác
Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam và Pháp cũng cho thấy sự liên kết với nhau chặt chẽ giữa hai quốc gia; từ đây góp phần thúc đẩy, mở ra cơ hội hợp tác, phát triển kinh tế.
Tại diễn đàn, bà Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã khái lược về môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; các định hướng thu hút đầu tư kinh doanh tình hình đầu tư nước ngoài và đầu tư của các doanh nghiệp Pháp tại Việt Nam…
Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (APAC). Pháp là thành viên chủ chốt của liên minh Châu Âu (EU). Việt Nam và Pháp đều là thành viên của Cộng đồng Pháp ngữ cũng như tham gia Hiệp định FTA Việt Nam - EU (EVFTA). Đây là những nền tảng, khuôn khổ pháp lý quan trọng để hai Bên mở rộng hợp tác, đầu tư với các nền kinh tế tiềm năng thuộc APAC, EU.
Việt Nam khuyến khích và ưu tiên thu hút FDI có chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm gắn với thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để đáp ứng và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong các lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, tài chính - ngân hàng, y tế, đào tạo nhân lực chất lượng cao, hạ tầng, y tế, dược phẩm và môi trường.
Hai nền kinh tế Việt Nam, Pháp có tính bổ trợ lẫn nhau và còn rất nhiều tiềm năng, dư địa hợp tác và phát triển trong tương lai, đồng thời, những lĩnh vực đã nêu ở trên đều là những lĩnh vực mà Pháp có thế mạnh.
Tại diễn đàn, các địa phương và hiệp hội kinh tế đã trao đổi và mời gọi các cơ hội hợp tác đầu tư giữa hai bên.
Có thể bạn quan tâm
16:58, 12/04/2023
11:09, 10/04/2023
01:00, 14/04/2023
00:38, 07/04/2023