Làm thiện nguyện từ năm 17 tuổi, tính đến nay anh Hoàng Hoa Trung đã cùng với các thành viên trong nhóm của mình xây dựng được 25 điểm trường và mang hàng chục ngàn bữa ăn cho các em nhỏ vùng cao.
“Tôi là người hay là những việc “trái khoáy”. Nhiều người nói con trai phải cắt tóc, phải mặc đồ nghiêm chỉnh; phải lobby tiền cho xã để làm dự án này, dự án kia, tôi không làm. Tôi chỉ làm những điều mình cho là đúng”.
Đó là chia sẻ của anh Hoàng Hoa Trung (SN 1990, Thanh Xuân, Hà Nội) - Trưởng nhóm Tình nguyện niềm tin, người đã giúp thay đổi cái nhìn của cộng đồng về việc làm tình nguyện.
Từ những điểm trường khang trang...
Coi thiện nguyện là một phần tất yếu của cuộc sống, chàng trai trẻ Hoàng Hoa Trung bảo rằng: “Ai cũng có sẵn trong mình những đam mê. Người khác có thể mê đàn, mê hát, mê công nghệ… còn mình thì mê làm từ thiện. Niềm đam mê ấy không chỉ thỏa mãn mình mà còn có ích cho nhiều người khác thì không có lý do gì mà mình không theo đuổi”.
Được bạn bè gọi đùa là Trung “đồng nát” bởi tư duy sáng tạo nhìn đâu cũng có thể ra tiền để phục vụ mục đích xã hội.
Trung chia sẻ: “Ví dụ như khi thấy những tấm bạt cũ, hỏng đã vứt đi, tôi nghĩ tại sao không xin nó, thu gom lại mang mang lên che chắn các điểm trường vùng cao.
Thậm chí là có lần tôi và các bạn đã vào khu ký túc xá gõ cửa để xin đồng nát ve chai. Số ve chai xin được ở mỗi ký túc xá tôi bán được 1 triệu đồng. Đi 10 ký túc xá là tôi có 10 triệu. Số tiền đó có thể mua được hơn 180 con gà và đc 4 con lợn tặng cho những gia đình có HIV ở trên Sóc Sơn”.
Nhiều năm qua, nhà Trung luôn như một cái kho, chứa các loại quần áo, sách vở mới cũ. Quá quen với việc Trung hoạt động thiện nguyện nên bạn bè, người quen hễ ai có thứ gì không dùng tới lại mang đến cho chàng trai 9x này. Những thứ này sẽ được Trung đem bán cho những người nghèo với giá rẻ như cho.
Trung nhớ lại: “Có lần mình được cho cả xe tải quần áo cũ. Số quần áo này mình và các thành viên trong nhóm quyết định sẽ không mang lên vùng cao để phát vì chi phí vận chuyển cao và hơn nữa do đặc thù văn hóa nên nhiều người vùng cao họ không mặc quần áo của người miền xuôi. Chúng mình quyết định sẽ mang số quần áo đó đi bán cho người nghèo với giá chỉ 1.000 đồng/ chiếc. Lần đó nhóm của mình bán được gần 3 triệu đồng”.
Năm 17 tuổi, dự án đầu tiên Trung thực hiện mang tên “Thiệp nhân ái” giúp những trẻ em khuyết tật, mồ côi tự tay làm thiệp bán để có thêm thu nhập. Cũng từ hoạt động đó, chàng trai trẻ quyết định tham gia vào câu lạc bộ Tình nguyện niềm tin và gắn bó tới tận bây giờ.
Ban đầu khi gia nhập Nhóm thiện nguyện Niềm Tin, Trung cùng nhiều thành viên khác chủ yếu hoạt động ở thành phố. Sau này địa bàn hoạt động của nhóm ngày được mở rộng ra và họ tìm đường lên núi. Địa điểm khảo sát đầu tiên của nhóm là tỉnh Yên Bái.
Mục đích ban đầu của nhóm khi lên núi cũng chỉ là giúp người dân nơi đây có thêm nhu yếu phẩm. Nhưng chính những chuyến đi thực tế ấy khiến Trung và các thành viên trong nhóm hiểu rằng “chỉ có đem lại kiến thức cho những đứa trẻ thì mới mong một tương lai tươi sáng hơn”. Xuất phát từ suy nghĩ ấy Nhóm tình nguyện Niềm Tin đã đặt ra mục tiêu xây điểm trường cho những học sinh vùng cao.
Điểm trường đầu tiên Nhóm Niềm Tin xây tặng trẻ em vùng cao là ở Sơn La. Số tiền dự kiến để hoàn thành điểm trường này là 160 triệu đồng, nhóm may mắn được một trường mầm non quốc tế ủng hộ 100 triệu. 60 triệu còn lại Trung và bạn bè phải tự xoay. Thế là chiến dịch “góp gạch xây trường” được mở ra, mỗi viên gạch tương đương với 20.000 đồng. Cuối cùng điểm trường đầu tiên cũng đã được hoàn thành trong niềm vui sướng vô bờ của các thành viên Nhóm Niềm Tin.
Tuy nhiên cũng sau lần kêu gọi quyên góp này Trung nhận ra rằng, việc kêu gọi ủng hộ bằng tiền mặt nhiều khi sẽ gây sự khó chịu đối với người quyên góp. Từ đây Trung và các thành viên trong nhóm quyết định sẽ kêu gọi bằng hiện vật.
“Khoảng thời gian đầu khó khăn nhất vẫn là tài chính. Không phải ai cũng dễ dàng bỏ một số tiền ra khi không biết tôi là ai, dự án như thế nào. Vì thế thay vì đi xin quyên góp, ủng hộ, tôi tập trung phát triển, xây dựng cho dự án của mình. Tôi thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về dự án như quyên góp được bao nhiêu, số tiền đó được chi tiêu vào đâu, ai là người nhận,... Không ngờ điều đó mang lại sự tin tưởng tuyệt đối và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng”.
Là một trong những người đầu tiên lên bản Nậm Vì (Điện Biên) khảo sát để xây dựng điểm trường mới, Trung thực sự bị ám ảnh bởi những khó khăn và thiếu thốn mà cô và trò nơi đây đang phải đối mặt.
“Lúc đó, điều kiện phòng học ở đây còn rất nhiều khó khăn và thiếu thốn. Những lớp học tuềnh toàng, xiêu vẹo, thủng lỗ chỗ, các em học sinh có thể thò đầu từ bên ngoài vào để xem bên trong các thầy cô dạy chữ. Còn bàn ghế thì được chế từ những thân gỗ gồ ghề, cái cao cái thấp. Cứ hết kỳ nghỉ hè, các thầy cô giáo của Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Chung Chải lại lấy tre nứa và bạt để gia cố lại lớp học. Có năm mùa mưa bão, thầy trò vừa chạy ra khỏi lớp học thì trường sập” - Trung nhớ lại.
Sau những khảo sát Trung và Nhóm thiện nguyện Niềm Tin đã xây dựng dự án Ánh sáng núi rừng. Mục tiêu của dự án là cố gắng mỗi năm xây dựng từ 1 đến 2 điểm trường.
Trong năm 2019, Trung và nhóm tình nguyện Niềm tin đã huy động thành công số tiền gần 20 tỉ đồng, xây dựng được 15 ngôi trường cho trẻ em vùng cao, nâng tổng số trường đã xây dựng cho học sinh vùng cao là 25 trường trên cả nước.
Với những điểm chưa xây được trường mới, anh thực hiện dự án Dũng Sĩ Bạt cung cấp bạt miễn phí để quây điểm trường, tạo 'lớp học kín gió' cho các em.
...Đến những bữa "cơm có thịt"
Tuy nhiên, có dịp quay lại những điểm trường mà nhóm đã xây dựng Hoàng Hoa Trung phát hiện ngôi trường mới dù khang trang, chắc chắn và tiện nghi hơn hẳn, thế nhưng nhiều học sinh vẫn bỏ học giữa chừng. Bỏ thời gian sống cùng với dân bản, chàng trai 9X này phát hiện có tới khoảng 70% người dân nơi đây chịu cảnh đói ăn. Việc học sinh phải bỏ học để vào rừng đào măng về luộc ăn trừ bữa không hề hiếm. Đói ăn chính là lý do khiến nhiều em học sinh không thể tiếp tục đến trường.
Sau gần 1 tháng “ba cùng” với đồng bào Trung đã kêu gọi mọi người quyên góp tiền để nuôi “bữa trưa có thịt” cho 27 học sinh của một điểm trường ở Mường Nhé. Sau 2 tháng, một cô giáo cắm bản của điểm trường này đã vui mừng gọi điện thông báo cho Trung rằng “các con bây giờ nhìn đều có da có thịt, hơn nữa nhờ “bữa trưa có thịt” đã lôi kéo được thêm 7 em nữa đến trường”. Nhận được tin ấy Trung cảm thấy rất hạnh phúc. Đó cũng chính là động lực để Trung cùng nhóm thiện nguyện của mình tiếp tục cố gắng.
“Bữa trưa có thịt” nằm trong dự án “Nuôi em” hay còn gọi là “Bữa cơm níu trẻ em đến trường” được khởi xướng từ năm 2013 đã mang lại hàng chục ngàn bữa ăn cho trẻ em vùng cao. Với ý nghĩa nhân văn, dự án ngày càng được mở rộng với lượng người tham gia lên đến 12.000 nhà hảo tâm trên cả nước. Nhờ có bữa trưa ngon và miễn phí mà tỉ lệ bỏ học buổi chiều cũng được giảm đáng kể từ 80% xuống 5%.
Suốt 13 năm cống hiến sức trẻ cho đam mê tình nguyện, đến nay, chàng trai sinh năm 1990 Hoàng Hoa Trung đã làm nên những con số kỷ lục khi kết nối hàng nghìn nhà hảo tâm trên khắp cả nước và quyên góp số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Để vận động được các nhà hảo tâm và các Mạnh thường quân cho dự án “Nuôi em” Trung và các thành viên trong nhóm đã khảo sát và lên danh sách kèm hình ảnh cụ thể của từng em. Mỗi một em sẽ có một mã số riêng và có đầy đủ thông tin về bố mẹ, thầy cô thậm chí là già làng, trưởng bản để cho người nhận nuôi dễ dàng chủ động liên hệ. Ngoài ra, nếu các nhà hảo tâm muốn đến thăm trực tiếp học sinh mà mình nhận nuôi thì nhóm sẽ giúp họ kết nối. Mỗi bữa cơm trưa được nhóm xây dựng với mức kinh phí 8.500 đồng/em/bữa.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 09/03/2020
14:06, 05/03/2020
14:21, 04/03/2020
11:12, 03/03/2020
16:26, 02/03/2020
11:00, 27/02/2020
Từ khi có dự án “Nuôi em”, các thầy cô cắm bản ngoài việc dạy học sẽ kiêm thêm nhiệm vụ làm đầu bếp vào tất cả các buổi trưa để nấu ăn cho học sinh của mình. Đầu mối cung cấp thực phẩm để phân phát cho các điểm trường của dự án “Nuôi em” chính là ở các phòng giáo dục. Thực phẩm này luôn phải được đảm bảo là thực phẩm sạch và an toàn. Thức ăn cũng sẽ được thay đổi phong phú theo từng bữa để học sinh không bị nhàm chán.
Không chỉ níu được học sinh đến trường mà Trung và Nhóm Niềm tin còn kêu gọi gây quỹ cộng đồng để tặng mỗi điểm trường chưa có điện một máy năng lượng gió mặt trời. Mỗi chiếc máy này có thể phát điện và cắm pin sạc.
Với quan niệm “thiện nguyện là một phần của cuộc sống”, Hoàng Hoa Trung cùng các thành viên trong nhóm của mình đã có những đóng góp tích cực cho xã hội. Chàng trai 9x này tâm sự rằng “Nếu chúng ta biết tận dụng sức mạnh của tình yêu thương thì sức mạnh ấy sẽ rất lớn và có thể lập nên kỳ tích”.
Với những đóng góp trong hoạt động thiện nguyện, Hoàng Hoa Trung được vinh danh Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2019. Mới đây, Trung lại tiếp tục được đề cử trở thành Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu về lĩnh vực hoạt động xã hội và được Forbes VietNam đưa vào danh sách ứng viên 30 gương mặt dưới 30 tuổi nổi bật nhất Việt Nam (30 Under 30 năm 2020).
|