Ở tuổi 98, lương y Phạm Thọ Tầng hàng chục năm qua vẫn miệt mài chế biến thuốc, bỏ tiền xây phòng trọ và chữa bệnh miễn phí cho dân nghèo. Nhiều người gọi cụ là "ông Tiên".
Trên con đường chạy qua phường Xuân Khanh (thị xã Sơn Tây, Hà Nội) người qua lại dễ nhìn thấy một biển hiệu đề "Chữa bệnh miễn phí cho người nghèo" đã tồn tại hàng chục năm qua. Còn người dân quanh vùng đã quá quen thuộc với hình ảnh một ông già râu tóc bạc phơ ngày ngày đi lấy thuốc hoặc đón bệnh nhân ở các tỉnh xa về.
Ở tuổi bách niên giai lão lẽ ra phải nghỉ ngơi, song Lương y Phạm Thọ Tầng (98 tuổi, TX Sơn Tây, Hà Nội) lại luôn hết lòng với việc chữa bệnh. Được biết, Lương y Phạm Thọ Tầng trước đây là chiến sĩ quân y của Sư đoàn 312, vừa làm nhiệm vụ cứu chữa đồng đội vừa cầm súng chiến đấu. Trở về sau Chiến dịch Điện Biên Phủ, cụ công tác tại Viện Điều dưỡng của Bộ NN&PTNT. Tại đây, cụ đã học được hai bài thuốc quý chữa bệnh đại tràng và dạ dày.
Sau thời gian dài giữ vị trí Viện trưởng Viện Điều dưỡng, năm 1989 khi nghỉ hưu trở về địa phương, hình ảnh những người nghèo không có tiền chữa bệnh, họ chịu đựng đớn đau trong bất lực khiến cụ không thể yên lòng. Sẵn có nghề trong tay, cụ bắt đầu thực hiện tiếp công việc cứu giúp người thiếu may mắn.
Cụ Tầng trải lòng: “Suốt 30 năm làm nghề, tôi từng chữa khỏi cho hàng nghìn người bệnh. Nhìn bệnh nhân trở lại cuộc sống bình thường để lao động với tôi chính là động lực để cống hiến nhiều hơn. Tôi tâm niệm, công việc mình làm không phải công việc làm giàu mà là xuất phát từ tâm của thầy thuốc muốn giúp đỡ, làm việc thiện cho xã hội”.
Có thể bạn quan tâm
15:54, 13/02/2020
11:00, 12/02/2020
15:37, 04/02/2020
00:00, 04/02/2020
12:33, 01/02/2020
11:00, 30/01/2020
08:35, 01/02/2020
Hàng ngày, cụ Tầng lặng lẽ bào chế thuốc trong khu vườn nhà, rồi túc trực ở phòng khám không để bỏ sót bệnh nhân nào đến nhờ cứu chữa. Cụ bảo, sống qua hai thế kỷ mới hiểu được hạnh phúc, sinh ra và lấp đầy khi người ta biết sống vì nhau, biết chia sẻ cho nhau.
Hiện tại, sức khỏe ngày một yếu nên cụ Tầng không thể tự đi xe máy để lấy thuốc và đón bệnh nhân từ xa nên công việc ấy hiện các con, các cháu cụ đảm nhận. Người thân của cụ hỗ trợ cụ trong việc thu hoạch thuốc nam, sau đó cụ tự tay bào chế. Vợ và con trai cụ thì cơi nới thêm căn nhà cấp 4 để có thêm chỗ nghỉ cho bệnh nhân từ xa lặn lội tìm đến.
Với sự thật tâm và gần gũi, mỗi ngày phòng khám của cụ Tầng ngày nào cũng có người tìm đến để được cụ bốc thuốc, chữa bệnh.
Hàng chục năm gắn bó với nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, cụ Tầng luôn thương yêu và coi bệnh nhân như những người thân trong gia đình. "Bệnh nhân đau như ta đau, bệnh nhân khổ như ta khổ, bệnh nhân đói như ta đói”, cụ chia sẻ.
Anh Lê Mạnh Hà - một bệnh nhân được cụ chữa bệnh xúc động: “Chúng tôi mang ơn ông nhiều lắm. Nhiều người bệnh nghèo từ quê ra, ông đã tận tâm chữa khỏi không lấy một đồng xu nào tiền thuốc. Khi về quê, mỗi tháng ông còn gửi và trả cước phí vận tải thuốc đến tận nhà. Chúng tôi luôn xem ông như ông Tiên vậy”.
“Nhiều năm hành nghề, điều khiến tôi cảm thấy hạnh phúc, trân trọng nhất chính là những bức thư, những câu nói cảm ơn của những bệnh nhân được tôi cứu giúp. Những dòng cảm ơn mộc mạc là động lực để tôi tin con đường mình đang theo đuổi là đúng đắn”, cụ trải lòng.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ mong muốn những việc làm của mình sẽ được con trai tiếp tục duy trì để nghề quý của gia đình tiếp tục được lan tỏa. Hiện Ông Phạm Thọ Lớp (con trai cụ Tầng) đang từng bước nối nghiệp cha mình.
Khi còn khỏe, ngoài công việc ở phòng khám, để giúp nhiều người hơn, cụ Tầng còn tìm đến các bệnh viện ở Hà Nội để làm từ thiện. Có năm cụ còn lặn lội đến tận làng SOS Thái Bình để khám chữa bệnh và giúp đỡ trẻ thiếu may mắn.
Những việc làm xuất phát từ thiện tâm của cụ đã lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng, nhiều năm liền UBND TP Hà Nội và TX Sơn Tây vinh danh cụ là tấm gương "người tốt, việc tốt tiêu biểu". Đặc biệt, cụ Phạm Thọ Tầng từng vinh dự được xướng tên trong chương trình vinh danh trí thức tiêu biểu “Vì sự nghiệp phát triển Thủ đô”.
Để góp phần chung tay xây dựng xã hội của chúng ta ngày càng tốt đẹp, Ban biên tập Báo Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ” mong nhận được những ý kiến, bài viết của quý độc giả, học giả, chuyên gia về vấn đề trên. Bài vở xin gửi về hòm thư nguoiviettute@dddn.com.vn Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |