Đề xuất tăng cơ sở đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo hơn từ nhiều phương diện trong bối cảnh doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
>>Đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội: Các chuyên gia nói gì?
Đây là quan điểm của bà Trần Thị Lan Anh – Tổng thư ký VCCI, Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động VCCI khi trao đổi với DĐDN.
- Thưa bà, cụ thể hai phương án này sẽ tác động như thế nào tới chi phí đóng BHXH của doanh nghiệp?
Trong thời gian vừa qua, theo ước tính, chi phí lao động (bao gồm cả bảo BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn) chiếm khoảng 25% tổng chi phí sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tỷ trọng chi phí đóng BHXH, BHYT, BHTN và kinh phí công đoàn có xu hướng tăng do gắn với mức lương tối thiếu. Như vậy, có thể thấy chi phí lao động trong các doanh nghiệp Việt Nam tăng trong tổng chi phí của doanh nghiệp. Sự gia tăng về chi phí lao động nói chung của doanh nghiệp Việt Nam xuất phát từ đặc thù là các doanh nghiệp thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, có thể ghi nhận là trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, tính tuân thủ pháp luật về lao động của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ngày càng tăng.
Chính vì vậy, bất kỳ sự thay đổi nào trong căn cứ đóng BHXH luôn được doanh nghiệp quan tâm. Với hai phương án được đề xuất quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cho người lao động trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), tôi cho rằng nếu phương án 2 được lựa chọn sẽ làm gia tăng chi phí lao động của doanh nghiệp và như vậy sẽ tạo thêm phần khó khăn cho doanh nghiệp. Như tôi đã đề cập ở trên chi phí lao động chiếm một tỷ trọng không nhỏ trong chi phí sản suất kinh doanh nói chung của doanh nghiệp. Điều này sẽ tiếp tục tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm và là một trong những yếu tố làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường.
- Việc đóng quỹ BHXH đảm bảo cho vấn đề an sinh người lao động, tuy nhiên bản thân người lao động cũng mong muốn có nguồn thu đảm bảo đời sống hiện tại. Đặc biệt doanh nghiệp cũng đang trong giai đoạn rất khó khăn, vậy việc tăng cơ sở đóng BHXH đồng nghĩa tăng chi phí đóng BHXH có phù hợp trong thời điểm hiện tại, thưa bà?
Đóng BHXH cho người lao động là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Tham gia vào việc đảm bảo an sinh cho người lao động thông qua việc đóng BHXH cần được người xác định đó không chỉ là nghĩa vụ phải tuân thủ pháp luật mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của người sử dụng lao động, góp phần giữ chân người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp ổn định lực lượng lao động, phát triển sản xuất.
>>Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
>>Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi): Cần ưu tiên đảm bảo an sinh xã hội lâu dài
>>Giải pháp để người lao động không ồ ạt rút bảo hiểm xã hội
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt trước những biến động khó lường của nền kinh tế thế giới với những thiệt hại nặng nề từ đại dịch covid-19 còn chưa thể khắc phục được và những ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn, xung đột chính trị, doanh nghiệp Việt Nam cũng đang hứng chịu nhiều thách thức mới, trong đó có khó khăn do việc bị cắt giảm đơn hàng, phải thu hẹp quy mô sản xuất… Vì vậy, chúng tôi cho rằng đề xuất tăng cơ sở đóng BHXH cần được nghiên cứu, xem xét một cách thấu đáo hơn từ nhiều phương diện.
- Vậy phương án nào là đảm bảo hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp và người lao động, thưa bà?
Để đảm bảo hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và người lao động, nên chăng, với quy định về tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc cần được giữ nguyên như quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành. Bên cạnh đó, chúng tôi cho rằng, việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này đã bổ sung thêm quyền của người sử dụng lao động khoản “Được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất theo quy định của Luật này” (khoản 3 Điều 23 của Dự thảo) là phù hợp. Tuy nhiên, quy định này cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn thi hành.
- Xin cảm ơn bà!
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất hai phương án tiền lương làm căn cứ tính đóng BHXH hàng tháng, áp dụng với lao động khu vực doanh nghiệp: Phương án một, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản bổ sung khác xác định được mức tiền cụ thể cùng với mức lương thỏa thuận trong hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật lao động. Theo phương án này, mức lương, phụ cấp và các khoản bổ sung khác đều đã xác định từ trước, như phụ cấp chức vụ vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Những khoản biến động trong quá trình làm việc của lao động chưa được tính đóng. Phương án hai, tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là tiền lương tháng bao gồm mức lương và phụ cấp lương, các khoản khác theo quy định của pháp luật lao động. Theo phương án này, tiền được tính đóng bao gồm cả khoản xác định được trước lẫn biến động trong quá trình làm việc của lao động. Như vậy, nền tiền lương đóng BHXH của người lao động sẽ được nâng lên để hưởng lương hưu cao hơn. |
Có thể bạn quan tâm
04:45, 15/03/2023
03:40, 07/03/2023
23:06, 27/12/2022
04:00, 18/12/2022