4 đoạn tuyến cao tốc vốn đầu tư lớn vừa được đề xuất điều chỉnh lộ trình đầu tư trước năm 2030 do đã có nhà đầu tư quan tâm.
Theo tờ trình của Bộ GTVT gửi Chính phủ về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh tiến trình đầu tư của 4 đoạn tuyến cao tốc từ sau 2030 về trước năm 2030 do đã có nhà đầu tư quan tâm, các địa phương đang huy động nguồn lực để thực hiện đầu tư.
Trong đó, 4 đoạn tuyến cao tốc được đề xuất lộ trình đầu tư trước năm 2030, gồm: Trà Lĩnh – Đồng Đăng; Sóc Trăng – Cần Thơ – Châu Đốc; Ninh Bình – Hải Phòng – Quảng Ninh; Hà Tiên – Rạch Giá – Cà Mau.
Tuyến Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc dài 247 km, tổng mức đầu tư 35.554 tỷ đồng. Theo Bộ GTVT, hiện tứ giác Long Xuyên chưa có cao tốc trục ngang kết nối, trong khi tập trung sản xuất lúa gạo, thủy hải sản lớn nhất cả nước. Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long đã đề nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ các tuyến kết nối, trong đó có cao tốc này.
Cao tốc sẽ kết nối với các trục dọc như quốc lộ 1A, tuyến N1... Việc đầu tư tuyến đường này được xác định hết sức cần thiết, nhằm từng bước hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, tăng cường giao thương về kinh tế, giao lưu văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng của các tỉnh Tây Nam Bộ; đồng thời kết nối với Campuchia và các nước ở Đông Nam Á.
Mặt khác, xét về nhu cầu vận tải, tại thời điểm hiện nay lưu lượng xe trên trục QL91 kết nối về khu vực khoảng 11.500 xe/ngày đêm, dự kiến đến năm 2030 vào khoảng 25.355 xe/ngày đêm, trong khi QL91 với quy mô đường cấp 3, hai làn xe dự kiến sẽ mãn tải vào năm 2025. “Việc đẩy tiến độ đầu tư đoạn Sóc Trăng - Cần Thơ - Châu Đốc về trước 2030 là rất cần thiết”, Bộ GTVT cho biết.
Tuyến Hà Tiên - Rạch Giá - Cà Mau dài 225 km, tổng mức đầu tư dự kiến là 35.828 tỷ đồng. Đây là tuyến đường hành lang giao thông chiến lược sẽ được phát triển để đẩy mạnh giao thương xuyên biên giới và hỗ trợ phát triển kinh tế các nước thuộc Tiểu vùng Mê kông, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách, rút ngắn thời gian đi lại, tạo bàn đạp xúc tiến các hoạt động kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch cho các địa phương, thúc đẩy sự phát triển kinh tế thương mại giữa Việt Nam với các nước lân cận trong tiểu vùng sông Mê kông. Vì vậy Bộ GTVT yêu cầu cần điều chỉnh tiến độ đầu tư toàn tuyến về trước năm 2030.
Tuyến cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh có tổng mức đầu tư 17.373 tỷ đồng. Tổng chiều dài của đoạn tuyến cao tốc theo thiết kế là 133km.
Tuyến cao tốc Trà Lĩnh - Đồng Đăng có tổng mức đầu tư là 23.726 tỷ đồng, chiều dài 149km. Theo kiến nghị của Bộ GTVT, để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của các địa phương, Chính phủ cần điều chỉnh lộ trình đầu tư 2 dự án cao tốc này.