Điều kiện kinh doanh xây dựng như... "mê cung"

Huyền Trang 29/03/2018 14:30

Nhiều chuyên gia cho rằng, các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng phức tạp, rườm khó và như "mê cung" làm lạc lối nhà đầu tư.

Liên quan đến những hoạt động đầu tư xây dựng, riêng Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo, theo dõi thực hiện 4 luật: Luật quy hoạch, Luật xây dựng, Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản. Còn Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo và chỉ đạo Luật đấu thầu, Luật đầu tư, Luật đầu tư công; Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo Luật đất đai, Luật bảo vệ môi trường; Bộ Công an về Phòng cháy chữa cháy…

Vẫn còn tư duy “xin - cho”

Hoạt động đầu tư xây dựng hiện nay đang đóng góp 11% cho sự tăng trưởng GDP nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng thì thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng còn quá phức tạp, rườm rà... như làm khó nhà đầu tư.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh: GPI.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam. Ảnh: GPI.

“Sự chồng chéo của pháp luật có thể nói là rào cản lớn nhất trong cải tiến thủ tục của công tác đầu tư xây dựng. Tiếp xúc với nhà đầu tư nước ngoài, nhiều người nói với tôi rằng họ như lạc vào mê hồn trận khi có khoảng một chục luật đang chi phối hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản, nhưng thiếu nhất quán, chồng chéo nhau”, ông Hiệp than thở.

Với thực tế kinh doanh, ông Hiệp dẫn ví dụ để thẩm định 1 dự án đầu tư xây dựng chắc chắn phải làm việc với Bộ xây dựng, nhưng nếu có đất đai thì lại phải làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường, với Bộ Công an về phòng cháy chữa cháy, chưa kể chiều cao tĩnh không phải qua Bộ Quốc phòng.

“Như vậy, chủ đầu tư phải làm việc với 4 nơi một cách độc lập, việc này tương tự như việc phải xin đến tận 4 chiếc giấy phép con vậy”, ông Hiệp than thở.

Hội thảo thu hút rất đông doanh nghiệp tham dự.

Hội thảo thu hút rất đông doanh nghiệp tham dự.

Không dừng lại ở đó, khi nói về khó khăn của các doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhiều chuyên gia khẳng định, doanh nghiệp ngại “đầu tư” vào lĩnh vực xây dựng một phần là bởi tư duy “xin-cho”.

“Trên thực tế, cơ chế “xin – cho” trong lĩnh vực xây dựng vẫn đang được níu kéo. Đặc biệt chính là việc ban hành thông tư phần nhiều do các cục, vụ soạn thảo và họ vẫn thường hay "cài" các điều kiện buộc các chủ thể liên quan phải đến "xin" để họ "cho"” ông TS Trần Chủng, Trưởng ban chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam thẳng thắn .

Trước những “phàn nàn” của doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đã thẳng thắn đặt vấn đề: Trong lĩnh vực xây dựng, chúng ta đã có nhiều văn bản ban hành nhưng vì sao doanh nghiệp vấn vướng? Phải chăng, thể chế là chưa đủ hay cái chính nằm ở người thực thi.

Bộ sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp

Trên thực tế, thời gian qua rất nhiều quy định vướng mắc của thực tiễn đã được Bộ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và sửa đổi, bãi bỏ kịp thời. Bộ Xây dựng đã bãi bỏ quy định bán nhà phải qua sàn giao dịch bất động sản; miễn giấy phép xây dựng đối với một số công trình nhỏ hoặc đã có quy hoạch chi tiết; mở rộng quyền cho thuê, cho thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai; cho phép người nước ngoài mua, sở hữu nhà tại Việt Nam…

“Trên thực tế lĩnh vực xây dựng có nhiều vướng mắc đã được giải quyết nhưng ngay cả Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cũng không hài lòng”, TS Vũ Tiến Lộc nói.

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện tại vẫn còn rất nhiều

TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, hiện tại vẫn còn rất nhiều

Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết Bộ Xây dựng đang dự thảo một luật sửa 4 luật Xây dựng, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Quy hoạch đô thị, Bộ trưởng Hà nói ông rất muốn lắng nghe ý kiến về các vấn đề liên quan đến 4 luật này. Ông Hà nhấn thêm rằng muốn lắng nghe những ý kiến từ thực  tiễn, những bức xúc cần phải xử lý.

“Đối thoại cũng không chỉ dừng ở đây mà còn tiếp tục ở một số hội nghị nữa, chúng tôi sẽ làm thường xuyên liên tục và muốn nghe các vị nói thẳng nói thật nói hết, cả ý kiến gay gắt cũng muốn lắng nghe” Bộ trưởng Hà nói.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà.

Dù vậy, song Bộ trưởng Hà cũng lưu ý rằng, đầu tư xây dựng chính là một trong những lĩnh vực với những đặc thù riêng nên việc sửa đổi cũng cần chú ý đến những vấn đề nhất định: “Chính phủ đang đẩy mạnh việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm nhưng với lĩnh vực xây dựng thì hoàn toàn khác, vấn đề chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm không đơn giản như vậy.

Về vấn đề sửa đổi, chúng tôi cho rằng phải đảm bảo quản lý nhà nước nhưng đảm bảo có môi trường thông thoáng thuận lợi cho doanh nghiệp”, ông Hà nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều kiện kinh doanh xây dựng như... "mê cung"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO