Digiworld vừa kết hợp cùng Xiaomi Việt Nam xây dựng gian hàng trên Shopee và Lazada.
>>DOANH NGHIỆP CUỐI TUẦN: Digiworld định triển khai chiến lược Gulliver?
Tuy đây là những sàn lớn bậc nhất Việt Nam, nhưng có lẽ Digiworld không đặt nặng vấn đề doanh số trên sàn này mà sẽ nhằm vào mục đích khác.
Cuối tháng 4 vừa qua, Xiaomi Việt Nam cùng Digiworld ủy quyền ra mắt gian hàng mở bán sản phẩm Xiaomi chính hãng trên nền tảng Shopee và Lazada. Gian hàng trên Shopee có tên gọi chính thức là Xiaomi Official Store, còn trên Lazada là Xiaomi. Cả hai đều có biểu trưng Xiaomi màu cam đặc trưng.
Sách lược “lạ”
Có thể nói, động thái này của Digiworld này khá kỳ lạ. Bởi vì bản thân Digiworld không quá chuyên về bán lẻ, trong khi Shopee và Lazada là sàn bán lẻ. Mặc dù đang vận hành hệ thống bán Xiaomi Việt Nam online, nhưng Digiworld vẫn thiên về bán buôn nhiều hơn.
Không chỉ vậy, bản thân Digiworld lẫn Xiaomi đều là thương hiệu lớn mà từ trước đến nay, các thương hiệu lớn, đặc biệt là những công ty có hệ thống bán lẻ trực tuyến riêng, thường không bán trên sàn. Có bốn nguyên nhân chính để lý giải cho xu hướng này.
Thứ nhất, nếu lên sàn thương mại điện tử (TMĐT), các thương hiệu mất đi tính chủ động, phải chơi theo luật của sàn, không còn được tự quyết việc bán hàng của mình.
Thứ hai, họ phải chia sẻ lợi nhuận, doanh thu với sàn. Trong khi đó, họ vẫn phải duy trì hệ thống của riêng mình, các chi phí nhân sự, vận hành vẫn như vậy, không hề được giảm bớt.
>>Xiaomi "chơi lớn"
Thứ ba, họ bị mất mối liên hệ trực tiếp với khách hàng. Bởi vì thông tin mua hàng thực tế của khách hàng sẽ nằm trong tay của sàn TMĐT. Trong khi đó dữ liệu người tiêu dùng luôn là mục tiêu hướng đến hàng đầu của các thương hiệu bán lẻ.
Thứ tư, việc lên sàn sẽ làm suy yếu hệ thống bán hàng trực tuyến của chính các thương hiệu. Khi đó, họ lại “vô tình” tặng không sức mạnh cho sàn TMĐT để sàn quay trở lại cạnh tranh với hệ thống bán trực tuyến của các thương hiệu.
Vậy nên, việc tạo gian hàng trên các sàn TMĐT thường chỉ thích hợp với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Còn các ông lớn thì hệ thống bán lẻ trực tuyến riêng vẫn là lựa chọn số một. Bởi vì họ có đủ nguồn lực và danh tiếng để vận hành hệ thống, đồng thời điều này cũng giúp họ chủ động trong buôn bán và nắm toàn bộ thông tin khách hàng.
Trên thực tế, các thương hiệu lớn trên thế giới cũng không chơi với sàn TMĐT. Chẳng hạn Apple không hề bán trên sàn nào. Nike rút hoàn toàn khỏi Amazon từ vài năm nay. Hoặc Samsung tuy có gian hàng chính thức nhưng lại do Shopee hay Lazada vận hành.
Tránh "vàng thau lẫn lộn"
Xiaomi bây giờ không chỉ có điện thoại. Xiaomi là cả một đế chế hàng tiêu dùng, bán đủ mọi thứ, từ đồ công nghệ như điện thoại, robot, đèn thông minh, v.v. cho đến những thứ bé như đầu vòi nước. Chính vì vậy, đối tượng khách hàng của Xiaomi rất đa dạng, hàng hóa mang danh Xiaomi bán tràn lan trên khắp các sàn TMĐT, không biết thật giả, gây ảnh hưởng tới uy tín của Xiaomi.
Vậy nên việc Digiworld và Xiaomi phối hợp mở một gian hàng chính hãng trên sàn TMĐT nhằm bảo vệ uy tín của thương hiệu Xiaomi trong một rừng hàng “vàng thau lẫn lộn” kia. Doanh số có thể không phải là mục tiêu hàng đầu của Digiworld, bởi những món đồ này khách hàng vẫn có thể tìm thấy dễ dàng trên chính website của Xiaomi Việt Nam hoặc Thế Giới Di Động (TGDĐ) hay FPT Shop.
Trước Digiworld, TGDĐ cũng đã đưa hai chuỗi TGDĐ và Điện Máy Xanh (ĐMX) lên sàn Shopee và Tiki vào tháng 8/2021. TGDĐ có khoảng 1.200 sản phẩm trên sàn, từ điện thoại, đồng hồ, tai nghe cho đến laptop. Còn ĐMX có 121 sản phẩm.
Vào thời điểm đó, hành động của TGDĐ cũng gây bất ngờ. Bởi bản thân TGDĐ đã có chuỗi bán lẻ trực tuyến lẫn thực địa rất mạnh. Đăc biệt, mảng trực tuyến của TGDĐ phát triển thần tốc. Xét tổng thể thì cả 3 website của TGDĐ (gồm TGDĐ, ĐMX và BHX) đều nằm trong top 10 sàn TMĐT có lượt truy cập cao nhất quý 2/2021 tại Việt Nam.
Ngoài ra, bản thân cái tên TGDĐ đủ mạnh, hệ thống cửa hàng thực địa phủ đủ rộng để người tiêu dùng Việt Nam, nếu cần mua, có thể lên thẳng website hoặc ra thẳng cửa hàng của họ.
Thành thử, việc TGDĐ mở gian hàng trên TMĐT là để giữ thương hiệu trên sàn, tránh đơn vị khác mạo danh. Điều này cũng tương tự việc mua vây tên miền của các doanh nghiệp. Đồng thời, TGDĐ cũng có thể tận dụng cơ hội để quảng bá sản phẩm đến lượng khách hàng lớn trên Shopee và Tiki. Khi khách hàng tìm sản phẩm, nếu thấy và biết TGDĐ có sản phẩm đó, thì danh tiếng của TGDĐ đủ lớn để kéo người dùng sang website TGDĐ để mua đồ.
Bằng chứng là sau gần một năm, thì món hàng bán chạy nhất của TGDĐ trên Shopee cũng chỉ đạt doanh số vài chục chiếc- một con số quá nhỏ so với tầm cỡ như TGDĐ.
Từ đó có thể thấy rằng việc Digiworld hay TGDĐ lên sàn TMĐT chủ yếu nhằm marketing, bảo vệ uy tín, chứ không đặt nặng vấn đề doanh thu.
Có thể bạn quan tâm