Theo TS. Lê Thị Thuỳ Vân, Việt Nam có thể lưu ý lý thuyết kinh tế trọng cung, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường và hội nhập, ứng phó với nguy cơ suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
>>Nhóm ngành nào ảnh hưởng từ câu chuyện tỷ giá và lãi suất?
Theo TS. Lê Thị Thùy Vân, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính), việc các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tăng lãi suất là một trong những nỗ lực nhằm kiềm chế lạm phát, nhưng sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát đình đốn, là vấn đề mà kinh tế thị trường đang phải đối mặt.
Ngoài ra, với kỳ vọng của Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong những lần tới, làm cho suy giảm niềm tin trong kinh doanh, cũng như niềm tin của người tiêu dùng. Đó là yếu tố có thể dẫn đến suy thoái kinh tế.
Ngoài vấn đề về lãi suất, lạm phát, nguyên nhân khiến cho nền kinh tế thế giới có thể suy thoái đó là những phát sinh từ biến chủng phụ của Omicron, luôn có thể dẫn đến các hệ lụy khác mà hiện nay chúng ta chưa lường trước được; cùng với các vấn đề khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng... từ cuộc xung đột Nga – Ukraine.
Một số chuyên gia nhận định, tình trạng kinh tế toàn cầu hiện nay khá giống với suy thoái kinh tế năm 1970, vấn đề đặt ra là liệu thế giới có thể học hỏi được kinh nghiệm gì để thoát khỏi tình trạng đáng lo ngại hiện nay? Trả lời cho câu hỏi này, TS. Lê Thị Thuỳ Vân phân tích, giữa 2 thời kỳ có điểm chung là lạm phát tăng cao nhưng tốc độ tăng trưởng bị hạn chế. Vì thế, có thể nói lạm phát đình đốn giai đoạn 1970 và hiện nay giống nhau; những nỗ lực của các ngân hàng trung ương ở cả 2 thời kỳ cũng đều cố gắng tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát và ổn định tăng trưởng.
“Năm 1970, chúng ta sử dụng lý thuyết kinh tế “trọng cung”, thời điểm đó thế giới tập trung vào các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, để vừa khuyến khích tăng trưởng nhưng không làm cho lạm phát tăng. Tác động từ phía cung thời kỳ đó giúp cho nền kinh tế không rơi vào suy thoái dài, đó chính là bài học mà chúng ta có thể rút ra hiện nay.
Bên cạnh các chính sách giảm thuế, phí đang sử dụng thì cần quan tâm nhiều hơn đến các giải pháp nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao năng suất lao động, tập trung giúp đảm bảo được tính độc lập, tự chủ của từng nền kinh tế trong một thế giới biến động.
Tôi thấy chính sách trọng cung này đã được Bộ trưởng Tài chính Mỹ nhắc đến trong hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới đầu tháng 1/2022. Đó có thể là chính sách mà nước Mỹ sẽ theo đuổi và nhiều nước khác cũng rút ra định hướng nền kinh tế theo hướng mới này”, TS. Vân cho biết.
Dưới góc nhìn từ một tổ chức quốc tế, ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, Việt Nam đã kiểm soát thành công lạm phát trong năm nay, trước áp lực lớn từ việc giá năng lượng và giá hàng hóa toàn cầu tăng cao. Chính sách tiền tệ được Chính phủ kiên trì thực hiện đã góp phần lớn giúp kiểm soát nguồn cung tiền và đảm bảo nguồn cung tín dụng, giải quyết áp lực lạm phát, ổn định tỷ giá hối đoái; đồng thời cung cấp hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp.
“Tôi đánh giá cao chính sách điều hành cân bằng kinh tế và những nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Tới đây, Việt Nam cần tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và theo sát kinh tế toàn cầu. Đặc biệt, sự ổn định của đồng nội tệ là rất quan trọng để hỗ trợ thương mại và kiềm chế lạm phát. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước nhập khẩu nhiều hàng hóa trung gian để lắp ráp, hoàn thiện và tái xuất. Vì vậy, sự ổn định của đồng nội tệ là chìa khóa để duy trì mức giá đầu vào hợp lý cho những mặt hàng xuất khẩu quan trọng”, vị đại diện ADB phân tích.
>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hai “đỉnh” lãi suất
Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 9 tháng đầu năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam đã đạt được mức 8,83%. TS. Lê Thị Thuỳ Vân đánh giá, đây là mức bình quân 9 tháng cao nhất trong 10 năm qua. Như vậy, bên cạnh nỗ lực kiểm soát lạm phát dưới 4% thì tăng trưởng của Việt Nam cũng được đảm bảo, thậm chí còn là một trong những nước ở châu Á tăng trưởng mạnh nhất.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động, các nền kinh tế lớn đối mặt với nguy cơ suy thoái, thì những rủi ro mà Việt Nam vẫn phải lường trước đó là:
Thứ nhất, vấn đề nhập khẩu lạm phát vẫn phải kiểm soát. Thứ hai, là trong bối cảnh Mỹ và châu Âu vẫn có khả năng điều chỉnh tăng lãi suất sẽ tác động đến thị trường tài chính của thế giới, qua đó Việt Nam cũng sẽ bị ảnh hưởng, nhất là liên quan tới biến động tỷ giá của đồng đô la Mỹ. Trong thời gian qua, NHNN đã phải can thiệp rất nhiều vào thị trường ngoại hối mới đảm bảo ổn định tỷ giá, nhưng dự trữ ngoại hối của chúng ta, cùng với việc can thiệp quá nhiều nên cũng đang mỏng dần.
Về vấn đề tăng lãi suất của NHNN, nhìn theo hướng tích cực, việc tăng lãi suất là để đảm bảo lãi suất thực dương và thu hẹp được khoảng cách giữa VND với USD qua đó ổn định tỷ giá. Ngoài ra, còn giúp đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, như một tín hiệu của thị trường rằng “chúng ta không thể đi ngoài xu hướng của thị trường thế giới”.
Song hành với những tác động tích cực, thì cũng có rủi ro thách thức đến nền kinh tế mà chúng ta phải lường trước như: Từ góc độ các ngân hàng thương mại, khi lãi suất đầu vào tăng thì bắt buộc lãi suất đầu ra của họ sẽ có sự thay đổi mặc dù Chính phủ vẫn khuyến nghị phải ổn định lãi suất cho vay. Để làm được điều đó, các ngân hàng thương mại phải cắt giảm chi phí đầu vào, thực hiện các biện pháp về số hóa, hoặc các biện pháp khác,... đây cũng là một thách thức lớn.
Đáng nói nữa là nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hệ số NIM (biên lãi ròng) của các ngân hàng thương mại, bởi vì khi chi phí tăng lên, hay lãi suất đầu vào tăng thì NIM của ngân hàng sẽ giảm. Quan trọng hơn cả là khi chi phí đầu vào của các doanh nghiệp tăng, thì nhu cầu vay để mở rộng sản xuất kinh doanh sẽ bị giảm đi, ảnh hưởng đến tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Đưa ra các giải pháp cho nền kinh tế, TS. Lê Thị Thuỳ Vân khuyến nghi: Một là, Việt Nam cần tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, cũng như đẩy nhanh triển khai thực hiện các giải pháp trong chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. đây là một trong những động lực cho tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2022 – 2023.
Trong chương trình này, có điểm cần quan tâm là gói hỗ trợ lãi suất 2% phải được tháo gỡ vướng mắc, đi vào cuộc sống. Đồng thời, việc triển khai thực hiện Nghị định 31 của Chính phủ cần được đẩy mạnh, để chúng ta sớm đưa nguồn vốn đến với doanh nghiệp.
Hai là, về phía chính sách tiền tệ, vẫn phải thực hiện theo hướng thận trọng, chủ động, linh hoạt; nhưng những khía cạnh đó làm sao phải hướng đến đảm bảo ổn định lãi suất, hỗ trợ nền kinh tế cũng như ổn định tỷ giá.
Ba là, với chính sách tài khóa, ưu tiên mở rộng theo hướng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách thuế, phí cần được giám sát để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp trong phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bốn là, các giải pháp để quản lý giá cả cũng như kiểm soát lạm phát, làm sao đảm bảo lạm phát ở mức mục tiêu dưới 4%.
“Các giải pháp tôi vừa đề cập cũng như các giải pháp từ phía tài khóa, tiền tệ thì nó phải hướng đến bám sát Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 6/9 về ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như tăng cường thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đến lý thuyết kinh tế trọng cung, nhằm xây dựng nền kinh tế độc lập tự cường và hội nhập, đồng thời nâng cao năng lực sản xuất để không bị phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài nhiều; hạn chế giảm thiểu những thiệt hại do đứt gãy nguồn cung trên thế giới và từ chính sách zero Covid của Trung Quốc gây ra”, TS. Lê Thị Thuỳ Vân lưu ý.
Có thể bạn quan tâm
12:00, 07/08/2022
04:30, 02/08/2022
05:10, 26/06/2022
05:01, 11/05/2022