Chuyên đề

Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến lược đầu tư tối ưu

Diễm Ngọc 27/04/2025 04:45

Nhiều tổ chức tài chính lớn đã gia tăng cảnh báo về nguy cơ suy thoái toàn cầu, nhà đầu tư cần điều chỉnh chiến lược thận trọng và theo dõi sát các chỉ số kinh tế vĩ mô để bảo vệ danh mục đầu tư.

Khi ông Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng với nhiệm kỳ mới, kỳ vọng ban đầu từ thị trường và người dân Mỹ về một nền kinh tế phục hồi nhanh chóng dường như đã không thành hiện thực.

Ảnh màn hình 2025-04-26 lúc 16.58.04
Các tổ chức tài chính lớn đồng loạt chỉ ra những dấu hiệu không mấy tích cực như tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái tại Mỹ tăng cao (Ảnh: Reuters)

Các báo cáo mới nhất từ những tổ chức hàng đầu thế giới như Oxford Economics, IMF, Goldman Sachs, HSBC và JP Morgan đồng loạt chỉ ra những dấu hiệu không mấy tích cực như tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, nguy cơ suy thoái tại Mỹ tăng cao và những hệ lụy không nhỏ đối với các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ngay từ những ngày đầu sau khi ông Trump đắc cử, Oxford Economics từng đánh giá rằng chiến thắng của ông sẽ mang lại triển vọng sáng sủa cho kinh tế Mỹ nhờ kinh nghiệm điều hành kinh tế từ thời kỳ 1.0. Tuy nhiên, chỉ sau 100 ngày, viễn cảnh ấy đã sớm thay đổi. Theo Oxford Economics, nền kinh tế toàn cầu đang trên đà suy giảm và kỳ vọng tăng trưởng ban đầu đã bị điều chỉnh mạnh mẽ.

Trong báo cáo gần đây, IMF cũng đã hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu từ 3,3% xuống 2,8%, tương đương mức sụt giảm 15% về tỷ trọng. Đặc biệt, Mỹ - quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bị hạ từ mức tăng trưởng 2,8% xuống chỉ còn 1,8%, tức giảm 35% về tỷ trọng. Tương tự với Trung Quốc giảm từ 5% về 4% tương đương 20% tỷ trọng... Các con số này cho thấy sự dịch chuyển kỳ vọng mạnh mẽ trong bối cảnh chiến tranh thương mại, chính sách thuế quan và những bất ổn về chính sách.

Không dừng lại ở đó, Goldman Sachs và HSBC cùng đưa ra góc nhìn bi quan hơn với mức sụt giảm mạnh hơn và nhấn mạnh về việc rủi ro thuế quan đang đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu.

Ở góc nhìn khác, JP Morgan ghi nhận rằng xác suất Mỹ rơi vào suy thoái trong nửa đầu năm 2025 đã tăng từ 15% (trước khi ông Trump đắc cử) lên 60% chỉ sau 100 ngày. Đây là sự nhảy vọt đáng báo động, phản ánh lo ngại sâu sắc từ giới tài chính toàn cầu.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital bình luận tất cả những đánh giá này cho thấy hai điểm then chốt: Một là, rủi ro suy thoái đang gia tăng mạnh mẽ, với Mỹ chịu tác động lớn nhất, tiếp theo là châu Âu và Trung Quốc. Hai là, sự phân hóa giữa các khu vực sẽ dẫn đến những biến động lớn về dòng vốn, lãi suất, tỷ giá và giá các tài sản trú ẩn.

Vậy trong bối cảnh như vậy, các ngân hàng đầu tư lớn trú ẩn vào đâu? Vị chuyên gia phân tích: Dữ liệu lịch sử từ năm 1945 cho thấy mỗi lần suy thoái, thị trường chứng khoán Mỹ giảm trung bình 19%. Tuy nhiên, một số tài sản lại tăng giá mạnh, nổi bật nhất là vàng, đồng yên Nhật và đồng franc Thụy Sĩ - những đồng tiền được coi là “nơi trú ẩn an toàn.”

Ngoài ra, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn dài, đặc biệt là trái phiếu chống lạm phát cũng được ưu tiên. Theo thống kê, mỗi lần suy thoái, dòng tiền sẽ đổ mạnh vào những tài sản này nhằm giảm thiểu rủi ro và bảo vệ giá trị danh mục nhà đầu tư.

Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt để ổn định tỷ giá
Nếu lãi suất toàn cầu hạ sẽ giảm sức ép lên lãi suất nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán hồi phục

Đối với USD, mặc dù đồng bạc xanh từng là nơi trú ẩn truyền thống, nhưng hiện tại, với chính sách thúc đẩy xuất khẩu bằng cách làm yếu USD của Trump, đồng tiền này có dấu hiệu giảm sức hấp dẫn. Thực tế gần đây, chỉ số DXY đã thủng mốc 99 điểm nhưng tỷ giá USD/VND vẫn lập đỉnh, phản ánh nhu cầu nội địa về USD ở Việt Nam tăng cao do một số vấn đề bao gồm cả hạn chế nguồn cung ngoại tệ.

“Ngoài ra, nếu kinh tế Mỹ suy thoái và Trung Quốc đình đốn, tỷ giá của Việt Nam sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn, buộc Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách tiền tệ linh hoạt, ưu tiên ổn định vĩ mô hơn là giữ tỷ giá bằng mọi giá.

Tuy nhiên, trong nguy có cơ. Lãi suất toàn cầu hạ sẽ giảm sức ép lên lãi suất nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường chứng khoán hồi phục. Câu chuyện “lãi suất thấp, kỳ vọng dòng tiền rẻ” luôn là chất xúc tác mạnh mẽ cho thị trường tài sản tài chính, đặc biệt là cổ phiếu và bất động sản”, ông Tuấn cho biết.

Trong bối cảnh như vậy, vị chuyên gia cũng đưa ra một số khuyến nghị cho nhà đầu tư trong nước như:

Thứ nhất, cần cơ cấu lại danh mục đầu tư, giảm tỷ trọng cổ phiếu rủi ro cao và gia tăng nắm giữ tài sản trú ẩn.

Thứ hai, nếu đầu tư cổ phiếu, cần lựa chọn những doanh nghiệp có nền tảng tài chính vững mạnh, ít nợ vay, hoạt động trong các ngành thiết yếu như hàng tiêu dùng, dược phẩm, công nghệ,... những ngành có khả năng chống chịu tốt trong suy thoái.

Thứ ba, cần đặc biệt theo dõi các chỉ số kinh tế vĩ mô bao gồm lạm phát, tỷ lệ thất nghiệp, tỷ giá và tốc độ tăng trưởng GDP để điều chỉnh chiến lược kịp thời.

Thứ tư, nhà đầu tư cũng cần linh hoạt, không nên bám quá chặt vào chiến lược cũ khi thị trường biến động. Trong suy thoái, yếu tố quan trọng nhất không phải là lợi nhuận cao mà là bảo toàn vốn.

Thứ năm, cần duy trì tâm lý vững vàng và góc nhìn dài hạn. Đầu tư không phải là tìm kiếm lợi nhuận ngay lập tức mà là hành trình xây dựng sự giàu có bền vững dựa trên kỷ luật và hiểu biết.

Sự biến động dữ dội của 100 ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ Trump 2.0 mới chỉ là khởi đầu. Các nhà đầu tư Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng, không chỉ để vượt qua giai đoạn nhiều rủi ro phía trước mà còn để nắm bắt những cơ hội lớn khi thị trường thiết lập lại trật tự mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu và chiến lược đầu tư tối ưu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO