Kinh tế thế giới

Thuế quan có hiệu lực, lo ngại “bóng ma” suy thoái kinh tế

Nam Trần 06/04/2025 04:08

Thuế quan 10% của Mỹ - bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4- đang phủ bóng đen suy thoái lên kinh tế Mỹ và toàn cầu, bất chấp những tuyên bố hùng hồn của ông Trump.

Ngày 5/4, mức thuế 10% cho hàng nhập khẩu bắt đầu có hiệu lực tại thị trường Mỹ (Ảnh: NDTV)

Ngày 5/4, theo giờ Mỹ, thuế đối ứng cơ bản 10% của chính quyền Tổng thống Donald Trump bắt đầu có hiệu lực với tất cả đối tác thương mại của nước này. Động thái này đã vẽ lên một bức tranh phức tạp và đáng lo ngại đối với kinh tế Mỹ cũng như toàn cầu.

Ông Trump lạc quan giữa bi quan của thị trường

Nhưng ông Donald Trump không nghĩ như vậy. Trên nền tảng mạng xã hội của mình, ông Trump liên tục coi nhẹ những lo ngại xoay quanh chiến dịch thuế quan mới công bố hôm 2/4. “Các tập đoàn lớn ở Mỹ không lo ngại về thuế quan và chính sách của tôi sẽ khiến các nhà đầu tư “giàu hơn bao giờ hết!!!”, ông Trump khẳng định.

Bằng những từ ngữ mạnh mẽ, ông cho rằng các tập đoàn đang quan tâm hơn đến khả năng tái ban hành chính sách cắt giảm thuế năm 2017 – điều mà ông cho là sẽ hỗ trợ “siêu tăng trưởng cho nền kinh tế”. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ cũng ca ngợi số liệu việc làm gần đây là “tuyệt vời”, như minh chứng rằng chính sách của ông đã “bắt đầu phát huy tác dụng”.

Thế nhưng, trên thị trường Mỹ, chỉ số S&P 500 vừa trải qua hai ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020 – thời điểm đại dịch bùng phát, bốc hơi khoảng 5.000 tỷ USD khỏi thị trường chứng khoán. Các nhà đầu tư đang rút về vị thế phòng thủ khi mức thuế bổ sung 10% sẽ được áp lên tất cả hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ bắt đầu từ ngày 5 tháng 4 năm 2025.

Nghiêm trọng hơn, chỉ 4 ngày sau đó – ngày 9/4 – thuế suất sẽ được thay đổi theo từng quốc gia dựa trên mức độ mất cân bằng thương mại của họ với Mỹ. Việt Nam là một trong số các nước chịu thuế cao, với 46%. Nhiều chuyên gia quốc tế lưu ý rằng việc tính toán mức thuế cao này có thể nằm trong chiến lược "mở cửa" cho đàm phán song phương mà ông Trump thường sử dụng.

Thực tế cho thấy, ông Donald Trump đã bày tỏ sự lạc quan về triển vọng đàm phán thương mại với Việt Nam, cho rằng sau cuộc điện đàm với Tổng Bí thư Tô Lâm, Việt Nam sẵn sàng giảm thuế về “mức 0” nếu đạt được thỏa thuận với Mỹ. Tương tự, chính phủ Campuchia hôm qua cũng đã gửi bức thư đề xuất đàm phán để tránh mức thuế 49% từ Mỹ.

Gió ngược với kinh tế Mỹ hiển hiện

Vẫn chưa ngã ngũ các cuộc đàm phán giữa Mỹ và các đối tác thương mại, nhưng viễn cảnh kinh tế Mỹ và thế giới đang trở nên u ám sau chính sách thuế mới của ông Trump.

JPMorgan Chase & Co. dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ “rơi vào suy thoái trong năm 2025 do tác động từ thuế quan”. Các định chế tài chính lớn khác như Barclays, Citi và UBS cũng hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ, trong đó UBS cảnh báo về một “điều chỉnh vĩ mô đáng kể”.

Theo tính toán, việc triển khai thuế cơ bản 10% lên hầu hết hàng nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế cao hơn với một số quốc gia được dự báo sẽ dẫn đến “làn sóng tăng giá bất ngờ” cho các mặt hàng thiết yếu.

Tác động thực tế có thể lan đến nhiều loại hàng tiêu dùng – từ kính Ray-Ban sản xuất tại Italia, viên nén cà phê Nespresso của Thụy Sĩ, đến tóc giả, lông mi và đồ chơi phần lớn nhập từ Trung Quốc, theo Bloomberg.

Ngay cả các sản phẩm y tế như Botox từ Ireland hay giường bệnh từ Cộng hòa Séc cũng có thể tăng giá, ảnh hưởng đến cả người tiêu dùng lẫn hệ thống y tế Mỹ. Công ty giày dép Birkenstock cũng ám chỉ khả năng tăng giá tại Mỹ, dù cho biết có thể sẽ phân bổ điều chỉnh giá trên toàn cầu.

Thị trường Mỹ và thế giới chứng kiến tác động mạnh mẽ với lo ngại suy thoái toàn cầu gia tăng (Ảnh: Los Angeles Daily News)
Thị trường Mỹ và thế giới dự báo khả năng suy thoái đang gia tăng (Ảnh: Los Angeles Daily News)

Triển vọng tiêu cực thậm chí còn chưa tính toán tới các biện pháp đáp trả đối với thuế quan của ông Trump. Trung Quốc mới đây đã phản ứng mạnh mẽ, tuyên bố áp thuế trả đũa “tương ứng lên tất cả hàng hóa từ Mỹ” – tức 34% - bắt đầu từ ngày 10/4.

Đây là một bước leo thang rõ rệt trong cuộc đối đầu thương mại, kèm theo hàng loạt biện pháp khác như hạn chế xuất khẩu “7 loại đất hiếm” quan trọng cho công nghệ, điều tra doanh nghiệp Mỹ, và dừng nhập khẩu nông sản.

Các đòn thuế "ăn miếng trả miếng" tiềm tàng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chiến thương mại quy mô lớn hơn, có thể leo thang và đẩy nền kinh tế toàn cầu vào bờ vực suy thoái.

Trong khi Mỹ đã tăng thuế lên gần như tất cả hàng hóa Trung Quốc ở mức tối thiểu 54%, mức thuế trung bình Trung Quốc áp lên hàng Mỹ – ngay cả sau khi tăng – vẫn thấp hơn đáng kể - cho thấy nguy cơ leo thang từ Bắc Kinh vẫn còn.

EU và nhiều quốc gia khác đang cân nhắc phản ứng trước chính sách thuế của ông Trump - cao nhất trong hơn một thế kỷ và có thể phá vỡ hệ thống thương mại quốc tế suốt nhiều thập kỷ. Ngày 3/4, người phát ngôn chính phủ Pháp Sophie Primas cho biết, EU sẽ áp đặt thuế quan trả đũa đối với tất cả hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ Mỹ vào cuối tháng 4, đồng thời sẵn sàng cho một cuộc chiến thương mại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thuế quan có hiệu lực, lo ngại “bóng ma” suy thoái kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO