"Tuyên Quang sẽ phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường để tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa".
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Việt – Tỉnh ủy viên, quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Tuyên Quang trong cuộc trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết, sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tăng trưởng khá, giá trị sản xuất nông lâm nghiệp thủy sản bình quân giai đoạn 2013-2017 tăng 4,9%/năm. Giá trị hàng hoá nông sản chủ lực của tỉnh năm 2017 chiếm 55,53% tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản; thu nhập và đời sống của người dân tiếp tục được nâng lên, góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến trình và chất lượng xây dựng nông thôn mới.
Đưa khoa học công nghệ vào sản xuất
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Tuyên Quang đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ sản xuất giống, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Những ứng dụng khoa học và đổi mới công nghệ tập trung vào nghiên cứu nâng cao năng suất, chất lượng các sản phẩm hàng hóa nông nghiệp chủ lực, đặc sản, có lợi thế của tỉnh, nhằm năng cao giá trị sản xuất, tăng sức cạnh tranh của nông sản trên thị trường.
Các dự án, chương trình đã tuyển chọn, trồng một số giống cam mới cho thu hoạch rải vụ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cam; trồng thay thế, thâm canh một số giống chè có năng suất, chất lượng; tuyển chọn và nhân giống cây keo có chu kỳ ngắn, sinh khối lớn, chống chịu bệnh đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến gỗ; nghiên cứu, phục tráng, phát triển giống hồng Xuân Vân; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chăn nuôi lợn và giải pháp quản lý chất thải trong chăn nuôi lợn... Tuyên Quang đã thực hiện mô hình tưới ẩm cho cam, chè, mía theo công nghệ Israel như: mô hình cam tại Yên Lâm, Yên Phú; mô hình mía tại Bình Xa, Hàm Yên, Nhữ Khê, Yên Sơn; mô hình tưới cho chè xã Mỹ Bằng, Yên Sơn...
Liên kết doanh nghiệp với nông dân
Hiện nay, cơ cấu giá trị sản xuất có xu hướng chuyển dịch theo xu hướng tăng tỷ trọng giá trị ngành lâm nghiệp, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, thủy sản. Các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi chủ lực phát triển mạnh và có sự chuyển biến theo xu hướng sản xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt, gắn với nhu cầu thị trường. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 8.800 ha cam; 8.735,5 ha chè; 4.300 ha lạc; trên 10.000 ha mía nguyên liệu… Tuyên Quang đã phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung đã hình thành theo từng vùng như nuôi trâu, lợn đặc sản địa phương tập trung tại các huyện Lâm Bình, Na Hang, Chiêm Hóa, Hàm Yên; chăn nuôi bò, lợn siêu nạc, hướng nạc tập trung tại huyện Yên Sơn, Sơn Dương và một số xã của huyện Hàm Yên. Đặc biệt, diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu hiện có 119.268 ha, trong đó diện tích rừng gỗ lớn 39.720,16 ha, rừng trồng sản xuất được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) trên 17.282 ha, đứng thứ 2 toàn quốc.
Để phát triển Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Tuyên Quang cần phát huy tối đa sản phẩm lợi thế, khắc phục tình trạng manh mún, tập trung phát triển thành vùng hàng hóa lớn theo tiêu chuẩn gắn với liên kết chế biến, tiêu thụ, xây dựng chuỗi giá trị.
Hiện Tuyên Quang có 37 nhãn hiệu nông sản hàng hóa, trong đó có 18 loại nông sản đã dán tem truy xuất nguồn gốc , nhiều nông sản hàng hóa tiếp tục khẳng định thương hiệu và chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu như: cam sành Hàm Yên hàng năm đưa ra thị trường trên 70.000 tấn quả; chè Bát Tiên Mỹ Bằng, mật ong Tuyên Quang được “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu năm 2017”; cá lăng, chè đặc sản Vĩnh Tân được bình chọn danh hiệu “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam 2017”; bưởi Xuân Vân đứng TOP 10 Thương hiệu-Nhãn hiệu nổi tiếng năm 2018… Các sản phẩm chè khô đã xuất khẩu vào các thị trường lớn như Nga, Pakistan, Đài Loan và một số nước Châu Âu…
Không chỉ đầu tư sản xuất nông nghiệp sách theo mô hình VietGAP, GlobalGAP… Tuyên Quang đã hình thành một số chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ hiệu quả. Chẳng hạn, Công ty Cổ phần mía đường Sơn Dương đã hướng dẫn người dân các mô hình nâng cao năng suất mía, sử dụng các giống mía mới, mô hình thâm canh đúng quy trình kỹ thuật.. và thực ổn định giá thu mua mía nguyên liệu tại ruộng 900.000 đồng/tấn. Công ty Cổ phần nguyên liệu giấy An Hoà thực hiện chính sách hỗ trợ toàn bộ cây giống keo lai hom cho các hộ gia đình, cá nhân. Công ty Cổ phần Woodsland Tuyên Quang thực hiện hình thức ký hợp đồng ứng vốn để đầu tư cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và cam kết mua cao hơn giá thị trường từ 15-20%…
Đặc biệt trong 3 năm trở lại đây, Tuyên Quang đã mời gọi thu hút đầu tư 24 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông lâm sản, với tổng số vốn cam kết trên 5.766 tỷ đồng. Trong đó một số nhà đầu tư lớn, như: Công ty cổ phần tập đoàn DABACO Việt Nam, Công ty cổ phần Woodsland, Công ty TNHH Trường Thọ Việt Nam, Công ty cổ phần Hồ Toản, Công ty cổ phần Tập đoàn TH... Đây sẽ là nền tảng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng trong ngành nông nghiệp trong những năm tới.
Vẫn còn khó khăn
Ông Việt chia sẻ, sản xuất nông nghiệp chủ yếu theo thời vụ, có cây trồng, vật nuôi cần chu kỳ đầu tư dài mới cho sản phẩm. Biến động về thị trường, giá cả hàng hóa nông sản trong nước và thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Nhiều nông sản bán thô và phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, đồng thời do giá nhiều nông sản hàng hóa thời gian qua không ổn định, gây thiệt hại cho sản xuất và tâm lý lo ngại cho người dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp.
Trong khi đó, việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, sản xuất gắn với nhu cầu thị trường chưa được nhiều. Số hợp tác xã và doanh nghiệp trực tiếp sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hoặc có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với người dân còn ít. Một số liên kết sản xuất giữa người nông dân với doanh nghiệp và hợp tác xã còn chưa chặt chẽ, thiếu bền vững. Việc sản xuất ở một số nơi chưa gắn chặt với quy hoạch, sản xuất chưa theo tiêu chuẩn quy chuẩn, công tác dự báo thị trường còn hạn chế. Đặc biệt, Tuyên Quang còn thiếu các doanh nghiệp đầu tàu trong chuỗi liên kết với nông dân.
“Chúng tôi cũng xây dựng kế hoạch chi tiết về nội dung thực hiện quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm chủ lực và đặc sản của tỉnh. Hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác đăng ký nhãn hiệu hàng hóa các sản phẩm nông sản mới và tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý gắn với xây dựng các chuỗi giá trị một số sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh trên thị trường…” – ông Việt cho hay.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp Tuyên Quang cũng đề xuất các cơ quan chức năng xem xét điều chỉnh quy định của Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo việc mở rộng hạn điền, tạo điều kiện khuyến khích sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; lập dự án xây dựng khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Tuyên Quang...