[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] VEC đứng trước nguy cơ "vỡ" kế hoạch

Nguyễn Việt 14/04/2020 03:53

Nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, doanh thu cả năm của VEC ước giảm 553 tỷ đồng với kế hoạch, lỗ khoảng 140 tỷ đồng. 

Theo Tổng công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), lưu lượng xe trên đường bộ kể từ đầu năm giảm mạnh, đặc biệt tại các tuyến Nội Bài - Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

trong tháng 3/2020, lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của VEC giảm mạnh.

Trong tháng 3/2020, lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của VEC giảm mạnh.(Ảnh minh họa)

Tài chính sẽ “vỡ” nếu dịch kéo dài

Trong quý I/2020, doanh thu của VEC ước giảm 15 tỷ đồng. Dự kiến nếu dịch kéo dài đến quý IV/2020, doanh thu cả năm của VEC ước giảm 553 tỷ đồng với kế hoạch, còn chưa đầy 3.700 tỷ đồng, số lỗ ước 140 tỷ đồng.

Chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 là cao tốc Nội Bài - Lào Cai, khi lượng phương tiện qua tuyến trong quý I chỉ bằng 93% cùng kỳ năm ngoái, với 2,86 triệu lượt, doanh thu giảm 14,1%. Phương tiện qua đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình cũng sụt giảm 1,8%, chỉ còn khoảng 4,3 triệu lượt. Đáng chú ý, nếu tháng 1 và 2 doanh thu vẫn ở thế "cầm cự" thì tháng 3 lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của VEC giảm mạnh so cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%, khiến doanh nghiệp này hụt thu 58 tỉ đồng tiền phí.

Có thể bạn quan tâm

  • “Bê bối” cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Bộ GTVT ra “tối hậu thư” với VEC

    “Bê bối” cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi: Bộ GTVT ra “tối hậu thư” với VEC

    00:58, 25/03/2020

  • Vì sao VEC vướng mắc bố trí vốn ngân sách nhà nước?

    Vì sao VEC vướng mắc bố trí vốn ngân sách nhà nước?

    11:00, 15/03/2020

  • Xử lý vướng mắc các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư

    Xử lý vướng mắc các dự án đường cao tốc do VEC làm chủ đầu tư

    00:00, 23/11/2019

Đặc biệt, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai và Cầu Giẽ - Ninh Bình bị thiệt hại lớn nhất khi doanh thu thu phí sụt giảm lần lượt là 28,6% và 15,4%, tiếp đến là cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây cũng mất tới 13,3% doanh thu. Nguyên nhân, là do các hoạt động giao thông vận tải, du lịch, dịch vụ cũng như nhu cầu đi lại của người dân bị hạn chế, nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp.

Trong 4 tuyến cao tốc do VEC quản lý, chỉ có duy nhất cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có sự tăng trưởng về lưu lượng phương tiện, với 527.200 lượt lưu thông nếu so với 514.400 lượt phương tiện trong 3 tháng đầu 2019, nhỉnh hơn 2,5% về lượng. Báo cáo của VEC cũng cho thấy, trong tháng 3/2020, lượng phương tiện cũng như doanh thu thu phí của VEC giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tương đương 15,8% và 16,2%. Điều này khiến VEC thiệt hại 58 tỷ đồng doanh thu thu phí.

Ông Phạm Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ cho biết, nếu tình hình sụt giảm kéo dài từ 1 - 2 tháng nữa, phương án tài chính hoàn vốn cho các dự án BOT cao tốc chắc chắn sẽ cần phải xem xét lại, do các doanh nghiệp hạ tầng giao thông không phải là đối tượng nhận gói ưu đãi lãi suất từ các tổ chức tín dụng.

Theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, việc sụt giảm lưu lượng phương tiện nếu để kéo dài sẽ gây ra những tác động tiêu cực không nhỏ. Trong đó, rõ ràng nhất là nguy cơ phương án tài chính của dự án bị ảnh hưởng nếu doanh thu thu phí liên tục ở mức thấp.

Nếu doanh thu thu phí ở mức thấp trong thời gian dài đương nhiên sẽ không bảo đảm cho công tác hoàn vốn của dự án, từ đó phương án tài chính của dự án hoàn toàn có thể vỡ. Lúc này sẽ phải tính đến việc điều chỉnh mức giá thu phí hoặc thời gian thu phí để bảo đảm dự án hoàn vốn.

“Lúng túng” thủ tục pháp lý

Trước đó, tháng 3/2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ về những vướng mắc trong việc gia hạn hiệp định vay vốn từ Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho dự án tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành do VEC làm chủ đầu tư.

Theo Bộ GTVT, nguồn vốn ADB trong dự án có tổng trị giá ở 2 hiệp định vay là 636 triệu USD. Trong đó, hiệp định vay vốn lần 1 (2730-VIE) trị giá 350 triệu USD, hiệu lực từ tháng 12/2011 và do không được gia hạn nên nhà tài trợ ADB đã đóng khoản vay này vào ngày 30/6/2019.

Còn với hiệp định vay vốn lần 2 (3391-VIE), trị giá 286 triệu USD, sẽ hết hạn vào ngày 30/6/2020 và nhiều nguy cơ không được gia hạn.Hiện cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đạt khoảng 76% khối lượng thi công nhưng đang trong cảnh đình trệ bởi thiếu vốn.

Hiện tại, hiệp định vay vốn lần 1 của nhà tài trợ ADB do kết thúc từ tháng 6/2019 nên không còn nguồn vốn nào đầu tư cho đoạn này, dẫn đến nguy cơ các nhà thầu sẽ khiếu nại, khiếu kiện. Riêng hiệp định vay vốn lần 2, phía nhà tài trợ ADB yêu cầu chủ đầu tư dự án là VEC phải khẩn trương làm việc với các cơ quan trong nước để gia hạn khoản vay lần 2 đến ngày 14/12/2020, cần thiết thì đề xuất gia hạn Hiệp định tài trợ khung cho cả hai khoản vay (MFF).

Đồng thời, Bộ GTVT cũng kiến nghị Bộ Tài chính có công thư đề xuất gia hạn hiệp định vay gửi tới ADB tối thiểu 3 tháng trước ngày đóng khoản vay (tức chậm nhất là ngày 31/3, bởi hiệp định vay kết thúc ngày 30/6/2020). Trường hợp thủ tục gia hạn hiệp định vay vốn lần 2 gửi đến chậm, ADB sẽ không thể thực hiện các thủ tục liên quan.Vẫn theo Bộ GTVT, các thủ tục điều chỉnh dự án đầu tư, hiệp định vay chỉ có thể tiếp tục triển khai sau khi Chính phủ phân rõ trách nhiệm “cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư” của dự án.

Tại dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành, một vướng mắc lớn là hiện chưa xác định được thẩm quyền cơ quan chủ quản, cấp quyết định đầu tư dự án. Vì từ tháng 9/2018, VEC được bàn giao từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, nhưng đến nay chưa xác định được cơ quan nào thực hiện quyền và nhiệm vụ quyết định đầu tư dự án, dẫn tới việc giao kế hoạch vốn đầu tư công, điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay... chưa được giải quyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
[DNNN TRONG “BÃO” COVID-19] VEC đứng trước nguy cơ "vỡ" kế hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO