Do đâu hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời phát sai công suất?

LINH NGA 17/07/2020 05:30

Nhiều nhà máy điện gió và mặt trời công suất công bố có độ sai số lớn, lên tới trên 50% so với công suất phát thực tế.

Thống kê của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia đã chỉ ra công suất thực tế của nhiều nhà máy điện gió, điện mặt trời có sự chênh lệch lớn so với công suất công bố.

Bình quân sai số dự báo công suất phát của các nhà máy là 30%. Có 5 nhà máy có sai lệch lớn nhất là Gió Trung Nam (59%), Thuận Nam Đức Long (48%), Gió Đầm Nại (47%), Hacom Solar (43%) và Gió Tuy Phong (38%). Các dự án điện mặt trời Phước Hữu, Bim, Vĩnh Hảo cũng có mức sai số trên 30%.

Cho rằng mức sai số giữa công bố của nhà máy và thực tế phát điện trên 30% là không thể chấp nhận được, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đề nghị Cục Điều tiết điện lực (ERAV) đưa ra các quy định xử phạt nghiêm khắc hơn về việc công bố này cũng như các chủ đầu tư có giải pháp để số liệu công bố có tính chính xác cao hơn.

Hiện trong Hợp đồng mẫu mua bán điện theo Thông tư 16/2017/TT-BCT đã có quy định vấn đề công bố số liệu nhưng chưa cụ thể. Do vậy, cần được bổ sung các quy định cụ thể hơn khi thực tế phát sinh tình huống này để vận hành hệ thống điện quốc gia điều hành không bị động.

Đánh giá tình trạng này, một số chuyên gia cũng cho rằng, do sự bùng nổ của nhiều nhà máy điện mặt trời trong 6 tháng đầu năm 2019 khi lưới truyền tải chưa được đầu tư kịp thời, đã dẫn tới tình trạng buộc phải cắt giảm công suất của các nhà máy. Vì vậy, nhiều nhà máy có thể đã cố công bố công suất lớn hơn thực tế để đến khi bị cắt giảm thì vẫn được huy động lớn. 

Giới chuyên gia đánh giá, Việt Nam có hệ thống truyền tải điện khá tốt nhưng chưa “khỏe” do khâu truyền tải còn nhiều bất ổn. Điều đó thể hiện khi thời gian qua phải giảm phát một số hệ thống năng lượng tái tạo do thiếu trạm truyền tải để dẫn lên hệ thống lưới điện quốc gia. Tất cả điều này khiến cho việc xã hội hóa trong đầu tư hạ tầng truyền tải điện là tất yếu.`

Doanh nhân Nguyễn Hoài Bắc, Việt kiều Canada - Giám đốc Công ty Sunseap Links cho rằng, với kiến nghị của Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ về việc xã hội hóa đường truyền tải điện, nhiều nhà đầu tư cho rằng, nếu chúng ta cho phép tư nhân tham gia vào khâu truyền tải điện, ngân sách nhà nước sẽ đỡ rất nhiều. Cái được lớn nhất khi tư nhân đầu tư vào đây là sẽ dựa trên lợi ích chung của toàn xã hội, doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Cục trưởng Cục điện lực và năng lượng tái tạo, để đầu tư tư nhân vào lưới điện truyền tải, cần tạo lập một khung pháp lý rõ ràng. Sắp tới thực hiện theo tinh thần Nghị quyết 55, Bộ Công Thương cũng nghiên cứu sửa đổi Luật Điện lực. Như vậy mới có cơ sở tách bạch rõ ràng phạm vi đầu tư, phạm vi nào do tư nhân, phạm vi nào do các doanh nghiệp Nhà nước được giao nhiệm vụ đầu tư, quản lý, vận hành.

Trên cơ sở đó, trong quá trình sửa đổi Luật Điện lực cũng thúc đẩy các vấn đề khác như thị trường điện để bảo đảm phát triển thị trường điện, có tín hiệu về giá điện sát với thị trường, khuyến khích nhà đầu tư tư nhân…

Được biết, trước năm 2019, chỉ có 2 nhà máy điện tái tạo đấu nối lưới điện 110kV trở lên (Phong Điền, Krongpa). Trong 6 tháng đầu năm 2019, 89 nhà máy điện tái tạo với tổng CS 4439 MW đã được thử nghiệm, đóng điện và hòa lưới điện Quốc gia. 

Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 99 nhà máy điện mặt trời nối lưới đang hoạt động với tổng công suất đặt là 5.053 MW, cùng với 11 nhà máy điện gió đang hoạt động với tổng công suất là 429 MW, chiếm khoảng 9,5% tổng công suất của hệ thống điện Việt Nam.

Quy định yêu cầu các nhà máy có dự báo và gửi cho A0 để phục vụ phương thức vận hành. Việc có sai số lớn về công suất sẽ làm sai lệch quá trình vận hành của hệ thống điện và ảnh hưởng không nhỏ tới các nhà máy trong cùng khu vực. 

Có thể bạn quan tâm

  • Hạ tầng truyền tải không theo kịp dự án năng lượng tái tạo

    Hạ tầng truyền tải không theo kịp dự án năng lượng tái tạo

    21:34, 09/07/2020

  • Tập đoàn Sơn Hà tiến sâu vào ngành năng lượng tái tạo

    Tập đoàn Sơn Hà tiến sâu vào ngành năng lượng tái tạo

    13:54, 27/06/2020

  • Bùng nổ năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á

    Bùng nổ năng lượng tái tạo tại Đông Nam Á

    05:30, 22/06/2020

  • Phát triển năng lượng tái tạo: Cần đột phá trong thu hút đầu tư truyền tải điện

    Phát triển năng lượng tái tạo: Cần đột phá trong thu hút đầu tư truyền tải điện

    05:00, 19/06/2020

  • Phát triển năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp thừa năng lực nhưng vẫn phải nhập khẩu điện

    Phát triển năng lượng tái tạo: Doanh nghiệp thừa năng lực nhưng vẫn phải nhập khẩu điện

    05:00, 18/06/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Do đâu hàng chục nhà máy điện gió, điện mặt trời phát sai công suất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO