Các yếu tố tác động tiêu cực liên tục ập đến, khiến giá vàng có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn.
Trong tuần này, sau khi mở cửa ở mức 1.291USD/oz, giá vàng đã giảm xuống mức 1.272USD/oz, sau đó tiếp tục điều chỉnh, củng cố trong biên độ hẹp.
Tại thị trường Việt Nam, giá vàng miếng SJC cũng biến động theo xu hướng giá vàng quốc tế khi giảm từ mức 36,32- 36,50 triệu đồng/lượng xuống 36,20- 36,30 triệu đồng/lượng. Hiện tại giá vàng miếng SJC chỉ còn cao hơn giá vàng quốc tế khoảng 160.000đ/lượng. Nhìn chung, giao dịch vàng chững lại do các nhà đầu tư trong nước kỳ vọng giá vàng quốc tế còn tiếp tục giảm sâu hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 14/04/2019
05:01, 07/04/2019
05:01, 04/04/2019
05:01, 31/03/2019
05:01, 28/03/2019
Sở dĩ giá vàng liên tục chịu áp lực điều chỉnh là do một số nguyên nhân: Thứ nhất, USD, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ, chứng khoán Mỹ đều tăng điểm khá tích cực do các số liệu kinh tế Mỹ được công bố khả quan, trong đó đáng chú ý là cán cân thương mại Mỹ tháng 3 chỉ thâm hụt 49,4 tỷ USD, so với mức dự kiến 53,5 tỷ USD và kỳ trước là 51,1 tỷ USD.
Thứ hai, ông Evans, Chủ tịch FED Chicago cho biết ông vẫn kỳ vọng FED sẽ tăng thêm một lần lãi suất nữa vào năm 2020, trong khi ông Rosengren, Chủ tịch FED Boston khẳng định kinh tế Mỹ vẫn đang tích cực.
Thứ ba, các số liệu kinh tế của Trung Quốc được công bố vừa qua rất tích cực khiến các nhà đầu tư bớt lo ngại về bất ổn ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Cụ thể, GDP quý 1/2019 tăng tới 6,4%, vượt xa so với dự báo của nhiều chuyên gia; sản xuất công nghiệp tháng 3 tăng 8,5%, cao hơn nhiều mức khảo sát 5,9% của Reuters; doanh số bán lẻ tăng 8,7%...
Thứ tư, Bloomberg cho biết Venezuela vừa qua đã bán một lượng vàng trị giá khoảng 400 triệu USD, tương đương khoảng gần 9 tấn vàng nhằm xoay xở trong điều kiện bị Mỹ cấm vận và kinh tế đang chìm trong khó khăn.
Thứ năm, một nguồn tin từ ZeroHedge cho biết trong những ngày qua đã có các lệnh bán tháo tất toán khoảng 11.000 hợp đồng giao dịch vàng tương lai.
Thứ sáu, ông Christopher Galbraith, chuyên gia phân tích cao cấp của S&P Global Market Intelligence, cho biết sản lượng vàng thế giới trong năm nay có thể sẽ tiếp tục tăng năm thứ 10 liên tiếp, đạt mức cao kỷ lục mới 109,6 triệu ounces, và tiếp tục tăng ổn định đến năm 2022. Nguồn cung tăng sẽ tác động tiêu cực đến giá vàng.
Ông Colin Cieszynski, Trưởng ban chiến lược của Tập đoàn SIA Wealth Management, cho biết các chỉ số kỹ thuật đang cho thấy giá vàng có thể sẽ tiếp tục giảm trong ngắn hạn. “Giá vàng có thể sẽ tiếp tục giảm xuống mức 1.260- 1.264USD/oz trong ngắn hạn, và không ngoại trừ khả năng là vùng 1.200USD/oz”, ông Colin Cieszynski nhận định.
Theo phân tích kỹ thuật, mô hình đầu vai được hình thành trên biểu đồ ngày từ tháng 3 vẫn còn, nhưng giá vàng đã giảm xuống dưới đường cổ, là một tín hiệu rất tiêu cực. Trong khi đó các chỉ số MACD, ADX, Stochastic… vẫn đang phân kỳ âm, đặc biệt MACD nằm dưới đường zero. Dù Stochastic đã nằm ở vùng vượt bán, nhưng RSI chưa nằm rơi xuống vùng này. Do đó, áp lực điều chỉnh của giá vàng chưa dừng lại. Theo đó, nhiều khả năng giá vàng xuống vùng 1.250- 1.257USD/oz, thậm chí là 1.244USD/oz (MA200 trên biểu đồ tuần). Trong khi đó, 1.288USD/oz đang là mức kháng cự đầu tiên, kế tiếp là vùng 1.304- 1.308USD/oz.