Bất động sản khu công nghiệp dự báo sẽ tiếp tục duy trì vị thế "ngôi sao" dẫn đường cho thị trường bất động sản trong năm 2024.
Mới đây, CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) công bố báo cáo cập nhật ngành bất động sản khu công nghiệp với chủ đề "Điểm sáng mới từ chuyển đổi đất trồng cây cao su sang khu công nghiệp".
Theo đó, riêng vùng Đông Nam Bộ sẽ có thêm gần 19.000 ha đất công nghiệp chuyển đổi từ đất trồng cao su. SSI Research cho hay, việc chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp sẽ giúp cung cấp nguồn cung mới trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các KCN phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đạt trên 93%.
Còn theo báo cáo của Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Jones Lang Lasalle (JLL), đến cuối năm 2024, tổng nguồn cung bất động sản công nghiệp trọng điểm dự kiến đạt 1,4 triệu m², gấp 1,3 lần nguồn cung năm 2023.
Dự kiến, miền Bắc sẽ chào đón nguồn cung bất động sản công nghiệp và hậu cần mới lên tới 322.000m².
Thực tế, bất động sản công nghiệp trong năm vừa qua đã tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng khi Việt Nam tiếp tục là cứ điểm sản xuất kinh doanh mới của các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao. Năm 2023, cả nước có thêm 7 khu công nghiệp đi vào hoạt động và 13 khu công nghiệp trong quá trình xây dựng.
Về hoạt động kinh doanh, kết quả hoạt động dựa trên báo cáo của các đơn vị niêm yết cho thấy năm qua đều đa số đều có sự tăng trưởng vượt bậc so với cùng kỳ.
Đơn cử như Becamex (HoSE: BCM) kết thúc năm 2023 với 8.072 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.314,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 23% và 34,2% so với năm 2022.
Xếp thứ hai là CTCP Tổng Công ty Tín Nghĩa (Upcom: TID) với 8.691 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp vẫn tăng 84,6% lên 262,9 tỷ đồng.
Có doanh thu nổi bật tiếp theo là “ông lớn” CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Cao su Việt Nam (UPCoM: VRG) tăng 327,4%; CTCP Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa (HoSE: TIP) tăng 287,1%; Tổng Công ty IDICO (HoSE: IDC) tăng 167,2%; CTCP Long Hậu (HoSE: LHG) tăng 102,4%; CTCP Sonadezi Châu Đức (HoSE: SZC) tăng 49,2%.
Theo báo cáo của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, mặc dù có kết quả khá ấn tượng nhưng thị trường vẫn ghi nhận tỷ lệ lấp đầy giảm nhẹ chỉ xảy ra cục bộ tại một vài tỉnh ghi nhận nhiều nguồn cung mới có sẵn. Tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp đang hoạt động đạt trên 70%. Trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 80% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 90%.
Giá thuê khu công nghiệp đang tăng khoảng 20% so với kỳ trước, khu vực miền Bắc chứng kiến mức tăng giá mạnh nhất. Cụ thể, tại miền Bắc, giá thuê trung bình 135 USD/m2/chu kỳ thuê. Tại miền Nam, giá thuê trung bình 188 USD/m2/chu kỳ thuê.
Giá thuê tăng cao, cao hơn các nước khác trong khu vực, rủi ro liên quan đến luật thuế tối thiểu toàn cầu cùng với những “ nút thắt” thể chế, chính sách và những phát sinh trong thực tiễn có thể là trở ngại, làm giảm lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút các nhà đầu tư tới Việt Nam.
Tuy nhiên, các động lực từ việc dòng vốn FDI vẫn tích cực với lợi thế từ chính sách ưu đãi thuế. Hạ tầng giao thông ngày càng đồng bộ, hiện đại với cam kết đầu tư cơ sở hạ tầng thuộc top đầu trong khu vực. Dịch vụ phụ trợ khu công nghiệp ngày càng được cải thiện.
Lực cầu được thúc đẩy cả về chất và lượng với hàng loạt kế hoạch, thỏa thuận đầu tư từ các doanh nghiệp nước ngoài, lựa chọn Việt Nam làm điểm đến trong xu hướng chuyển đổi chuỗi cung ứng và kỳ vọng tăng cường hợp tác từ hoạt động ngoại giao tích cực, đặc biệt là mối quan hệ chiến lược Việt - Mỹ mới được thiết lập gần đây.
Quy hoạch nhiều tỉnh/thành giai đoạn 2021-2030 đã được thông qua sẽ giải quyết phần nào các vướng mắc liên quan tới thủ tục pháp lý cho các khu công nghiệp. Những yếu tố này sẽ giúp bất động sản khu công nghiệp năm 2024 tiếp tục duy trì vị thế và tiếp tục tăng trưởng.
Có thể bạn quan tâm