GS Đặng Hùng Võ - Nguyên thứ trưởng Bộ TN&MT bày tỏ quan điểm: Chỉ giải cứu thị trường bất động sản khi nợ xấu của các dự án bất động sản gây hại cho thị trường tín dụng và thị trường chứng khoán.
>>Cần chính sách đặc thù cho thị trường bất động sản
Trong chia sẻ mới đây, GS Đặng Hùng Võ cho biết trên thế giới, không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu các doanh nghiệp bất động sản vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác.
Nếu khó khăn của thị trường bất động sản xảy ra ở mức độ cao hơn, làm cho thị trường tín dụng bị ảnh hưởng do nợ xấu, do làm mất niềm tin của người mua trái phiếu, cổ phiếu, thì tùy tức mức độ mà Nhà nước đưa ra các giải pháp giải cứu.
“Chúng ta không nên quan niệm giải cứu các dự án bất động sản mà là giải cứu thị trường tài chính, thị trường tiền tệ. Bởi đây là 2 thị trường rất nhạy cảm với khủng hoảng kinh tế” – ông Võ chia sẻ.
Nguyên Thứ trưởng Bộ TM&MT cũng cho biết, trên thế giới, không quốc gia nào đặt vấn đề giải cứu các doanh nghiệp bất động sản vì thị trường bất động sản cũng được coi như một trong các loại thị trường hàng hóa khác.
Điều này cũng tương tự như ở Trung Quốc, các vấn đề của thị trường bất động sản đã được đề cập lâu nay và tháng 10 vừa qua, cơ quan quản lý thông báo 16 biện pháp đồng bộ để phát triển thị trường chứ không đơn thuần như chúng ta vẫn thường dùng chữ "giải cứu".
>>Thị trường bất động sản cần 2 năm để phục hồi
Trở lại với thị trường bất động sản Việt Nam, ông Võ cho biết đã xuất hiện hiện tượng nhiều nhà đầu tư dự án bất động sản phải bán hạ giá hàng hóa để thực hiện trách nhiệm trả nợ vốn vay đầu tư, điều này là bình thường trong cơ chế thị trường.
Thực tế là trong lịch sử, thị trường bất động sản giai đoạn 2008 – 2013 rơi vào khủng hoảng, đóng băng. Nhờ Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2013 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu và Gói vay 30 nghìn tỷ mà chúng ta vực dậy được thị trường từ năm 2014.
“Quay lại lịch sử đó vì chúng ta thấy năm 2014 cả hệ thống tài chính đã "hoa mắt" để giải quyết tình trạng nợ xấu đang tồn tại tại các tổ chức tín dụng. Cũng từ đó cho đến 2018 chúng ta mới xử lý tạm xong” – ông Võ nói.
Hơn nữa, hiện Thủ tướng đã thành lập Tổ công tác về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản cho các địa phương, doanh nghiệp.
Cũng theo ông Võ, vừa qua Ngân hàng Nhà nước quản lý khá tốt thị trường tín dụng, nhất là những quy định chặt chẽ đối với tín dụng bất động sản. Khả năng nợ xấu của doanh nghiệp bất động sản tác động tiêu cực lên thị trường tín dụng là khó xảy ra.
Ông Võ đưa ra lời khuyên các nhà đầu tư bất động sản nên tự tìm các giải pháp cứu mình. Vị chuyên gia cho biết có thể nợ xấu gắn với trái phiếu doanh nghiệp bất động sản có thể tăng lên, cũng cần có sự can thiệp để giữ cân đối vĩ mô chứ không phải giải cứu nhà đầu tư bất động sản.
Có thể bạn quan tâm