Phát biểu khai mạc Hội thảo "Tham vấn, thúc đẩy sáng kiến liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam: Từ nhận thức tới hành động", TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khẳng định điều mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang kỳ vọng ở thời điểm hiện tại chính là hành động.
Báo cáo đánh giá “Thúc đẩy Hành động Liêm chính giữa Doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam là kết quả nỗ lực hợp tác nghiên cứu và được thực hiện bởi Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững của VCCI và nhóm chuyên gia bao gồm cả ông Brook Horowitz, Tổng giám đốc IBIF Global.
Thực trạng môi trường kinh doanh Việt Nam
“Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương diễn ra ngày 28/12/2017, Thủ tướng chính phủ đã xác định phương châm hành động năm 2018 là Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”. Hôm qua tại hội thảo Kinh tế Việt Nam với chủ đề “Cơ hội đột phá tăng trưởng kinh doanh” do VCCI tổ chức, VCCI lấy ý kiến 400 doanh nghiệp, trong đó có đến 50% doanh nghiệp trả lời điều mà doanh nghiệp cần là hành động, nhưng thách thức nhất đối với chính phủ là liêm chính”, TS Vũ Tiến Lộc chia sẻ.
Theo quan điểm của TS Vũ Tiến Lộc, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào việc cải thiện chỉ số tham nhũng và cải thiện tình trạng tham nhũng.
“Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam tùy thuộc nhiều vào việc khắc phục và cải thiện 2 yếu tố này. Chính vì vậy mà phòng chống tham nhũng và thực hiện liêm chính là vô cùng quan trọng”, TS Vũ Tiến Lộc nói.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, trong công cuộc phòng chống tham nhũng thì doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân. Vì vậy, việc xây dựng liêm chính trong doanh nghiệp trở thành một trong những nhu cầu quan trọng nhất trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, để doanh nghiệp hướng tới chuỗi giá trị toàn cầu. “Tôi còn nhớ trong diễn đàn chào mừng chuyến thăm của Thủ tướng Anh Thủ tướng Anh David Cameron tới Việt Nam vào năm 2015, thì diễn đàn này không bàn về cơ hội hợp tác đầu tư, không bàn về thuận lợi, khó khăn, thách thức mà lại bàn về vấn đề liêm chính. Điều này, khẳng định vai trò quan trọng của việc thúc đẩy liêm chính”, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Theo báo cáo chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh Việt Nam được VCCI đưa ra, tỷ lệ các công ty trả khoản phí không chính thức tăng từ 50% năm 2013 lên 64% năm 2014 và không thay đổi ở mức 66% năm 2015 và năm 2016.
Ngoài ra, theo một điều tra của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017, rủi ro tham nhũng cao ở Việt Nam đã đặt ra những thách thức lớn đối với các công ty đa quốc gia. Các công ty này hiện đang chịu điều chỉnh chặt chẽ của Luật Chống hối lộ quan chức nước ngoài ở nước đặt trụ sở chính của họ.
Cũng theo một nghiên cứu khác của Trung tâm Nghiên cứu Quản trị xã hội, sự tin tưởng của các công ty vào khả năng phát hiện và xử phạt tham nhũng tại Việt Nam rất hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia tiểu dự án “Hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa phòng ngừa tham những năm 2016 – 2017 của VCCI cho rằng, tham nhũng là một vấn đề nghiêm trọng phá hoại môi trường kinh doanh và một khi bắt đầu thì không bao giờ dừng lại.
Tham nhũng đang là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển kinh tế của Việt Nam so với các nước Đông Nam Á khác. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 81 về đạo đức và tham nhũng, xếp thứ 109 về các khoản chi không chính thức và hối lộ trong tổng số 137 nước và tham nhũng được coi là vấn đề gây khó khăn thứ 3 trong kinh doanh ở Việt Nam theo dữ liệu của Diền đàn Kinh tế Thế giới. Trong chỉ số nhận thức tham nhũng năm 2017 của Tổ chức minh bạch quốc tế, Việt Nam chỉ đứng ở vị trí 107 trong 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Chia sẻ rõ hơn về những chỉ báo của môi trường kinh doanh Việt Nam, Ngài đại sứ Anh tại Việt Nam, Giles Lever cho biết: “Những chỉ báo, chỉ số và dữ liệu cho thấy mặc dù môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện, nhưng vẫn còn những tồn tại. Nhưng điều đó không có nghĩa vấn đề tham nhũng của Việt Nam tệ hơn so với các nước có thu nhập trung bình khác. Việc thực hiện phòng chống tham nhũng của Việt Nam làm được nhiều hơn so với nói”.
Cũng theo Ngài đại sứ, bên cạnh Chính phủ, VCCI, doanh nghiệp thì các đối tác quốc tế có thể cùng chung tay vào phòng chống tham nhũng, liêm chính của Việt Nam. Và sắp tới đây, khi Luật Phòng chống tham nhũng được thông qua, sẽ có nhiều quy tắc ứng xử tốt hơn và đây là nền tảng tốt để các bên liên quan thúc đẩy quá trình này một cách tốt hơn.
Bộ công cụ hướng dẫn doanh nghiệp phòng chống tham nhũng
Theo bà Nguyễn Thị Kim Liên, chuyên gia liêm chính cao cấp cho rằng, hối lộ, các khoản chi phí “bôi trơn”, tặng quả hơn mức thông thường, ưu đãi trong ký hợp đồng, mâu thuẫn lợi ích là những hành vi tham nhũng trong kinh doanh đang tồn tại.
Theo khuyến nghị từ "Sáng kiến liêm chính doanh nghiệp tại Việt Nam: Từ nhận thức tới hành động", về phía Chính phủ, để nâng cao thứ hạng của Việt Nam trên các chỉ số toàn cầu, công tác phòng chống tham nhũng cần được ưu tiên hơn nữa. Về phía doanh nghiệp, việc tăng cường thể chế hoá và thực thi các quy định của công ước OECD về chống hối lộ ở các nước như Luật Chống hối lộ của Vương quốc Anh và các bộ luật tương tự ở các nước khác đang tạo áp lực với doanh nghiệp Việt Nam phải nghiêm túc thực hiện các chương trình tuân thủ của công ty mẹ. Theo đó, các đối tác kinh doanh là công ty Việt Nam cũng phải đáp ứng yêu cầu về phòng chống hối lộ tuỳ vào mức độ tham gia trong các giao dịch kinh doanh.
Chính vì vậy, trong giai đoạn 2012 – 2017, VCCI đã triển khai đề án 12 với 24 hội thảo, tập huấn bộ quy tắc ứng xử, chống hối lộ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Ngoài ra, VCCI cũng đã xây dựng bộ công cụ chống hối lộ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa do nhóm các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc nhóm các nền kinh tế lớn (G20) xây dựng, đồng thời tiến hành đào tạo trực tiếp, xây dựng bộ công cụ trực tuyến và khuyến nghị chính sách lên Thủ tướng Chính phủ về thành lập Sáng kiến tăng cường hợp tác liêm chính giữa doanh nghiệp và Chính phủ nhằm huy động sức mạnh tập thể, phòng chống tham nhũng, hối lộ trong khu vực nhà nước và khu vực doanh nghiệp tại Việt Nam.