Việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào thì rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế...
Hiện nay, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để kinh doanh trong mùa dịch COVID-19. Nhiều doanh nghiệp đã liên hệ tìm các đối tác để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU và nhờ hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các nước thành viên EU liên hệ tìm đối tác
Tuy nhiên, theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, các doanh nghiệp cần lưu ý rằng để xuất khẩu khẩu trang và quần áo bảo hộ y tế vào EU, các doanh nghiệp cần đáp ứng các tiêu chuẩn của EU về mặt hàng này, ví dụ, dán nhãn CE (thích ứng với các quy định của EU) hoặc đáp ứng bộ tiêu chuẩn mà EU đang phối hợp cùng các nước thành viên đưa ra trong trường hợp chưa có nhãn CE – để xuất khẩu vào riêng từng quốc gia (theo địa chỉ liên kết website: https://standards.cen.eu/dyn/www/f?p=CENWEB:5:::NO:::).
“Do vậy, việc sản xuất đại trà khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế mà không theo tiêu chuẩn kỹ thuật nào rất có thể sẽ không xuất khẩu được vào EU và gây dư thừa, thiệt hại về kinh tế nếu không tiêu thụ được ở các thị trường khác”, Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU khuyến cáo.
Trước nhu cầu sử dụng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế gia tăng tại nhiều thị trường lớn trong thời điểm dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, một số doanh nghiệp dệt may trong nước đã chớp thời cơ xuất khẩu được khẩu trang vải kháng khuẩn sang Mỹ, EU, Nhật Bản.
Việc có thêm các đơn hàng xuất khẩu khẩu trang cũng giúp các doanh nghiệp có thể duy trì sản xuất, giữ chân người lao động và bù đắp doanh số do các đối tác Mỹ, EU tạm dừng đặt hàng do ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Chính vì vậy, các doanh nghiệp dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này, nhưng để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng. Đã có một vài doanh nghiệp thông báo nhận được đơn hàng dài hạn về khẩu trang, nhưng con số này còn rất ít.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, một doanh nghiệp lớn trong ngành dệt may đã xuất khẩu hàng triệu khẩu trang đi châu Âu, Dệt kim Đông Xuân xuất khẩu khẩu trang vải sang Nhật Bản, còn May 10 cũng xác nhận vừa ký với đối tác xuất khẩu 400 triệu khẩu trang y tế, thời hạn giao hàng trong tháng 7/2020. Ngoài đơn hàng khẩu trang y tế, May 10 cũng nhận được các đơn hàng từ Đức, Mỹ cho khẩu trang vải kháng khuẩn, tổng cộng hơn 20 triệu chiếc...
Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm
08:30, 20/03/2020
17:30, 16/02/2020
11:23, 13/04/2020
13:31, 12/04/2020
03:31, 12/04/2020
03:00, 09/04/2020
14:10, 08/04/2020
Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhìn nhận, Việt Nam có đủ năng lực để có thể trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố khác...
Bởi lẽ khẩu trang là một sản phẩm đơn giản, nhưng không có nghĩa là đòi hỏi chất lượng thấp. Mà ngược lại, đây là sản phẩm tiếp xúc trực tiếp với đường thở nên đòi hỏi chất lượng phải cao hơn cả sản phẩm dệt may thông thường.
“Các doanh nghiệp cần quan tâm đảm bảo chất lượng trong quá trình lựa chọn nguyên liệu, tổ chức sản xuất và làm thử nghiệm, xin giấy chứng nhận ở các tổ chức đánh giá có uy tín để đảm bảo khẩu trang được người dùng trong và ngoài nước chấp nhận. Đó là yếu tố hàng đầu để cho khẩu trang có thể sản xuất được lâu dài”, ông Hải lưu ý.