Bế tắc đầu ra, bất cập trong cách tính thuế khiến các doanh nghiệp đá gặp khó khăn và ngành thuế cũng “đau đầu” trong việc thu hồi khoản nợ tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
Theo thống kê, tổng số tiền cấp quyền khai thác đá ở thị xã Kỳ Anh và huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) lên tới 113 tỷ đồng, trong đó thị xã Kỳ Anh 74 tỷ đồng và huyện Kỳ Anh 39 tỷ đồng.
Đau đầu thu nợ thuế
Trên địa bàn Kỳ Anh hiện có 26 mỏ khai thác khoáng sản, trong đó có 25 mỏ đá và 1 mỏ đất. Tuy nhiên chỉ còn 5 mỏ còn hoạt động cầm chừng. Nhiều lần cán bộ thuế đến các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác khoáng sản để thu hồi nợ thuế nhưng đều về “tay trắng”.
Ông Trịnh Duy Phú, Chi cục trưởng Chi cục thuế thị xã Kỳ Anh cho biết: “Giai đoạn này, thị trường đầu ra không có, buộc các doanh nghiệp tìm cách xuất khẩu, nhưng thị trường xuất khẩu hạn hẹp, chi phí cao nên rất khó tiêu thụ. Nhiều doanh nghiệp kinh doanh mỏ đá đã phải ngừng hoạt động. Điều này gây khó khăn trong việc thu hồi nợ của ngành thuế, trong đó cơ bản là nợ cấp quyền khai thác khoáng sản”.
Theo quy trình thu hồi thuế, đầu tiên sẽ có thông báo đến doanh nghiệp. Trường hợp các doanh nghiệp nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sau thời hạn quy định ghi trên thông báo của cơ quan thuế thì ngoài số tiền phải nộp theo thông báo, tổ chức, cá nhân còn phải thanh toán tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế với mức 0,3%/ngày. Tất cả những trường hợp trên 90 ngày sẽ bị phong tỏa tài khoản. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là những biện pháp bất đắc dĩ.
Dù UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quy định điều chỉnh giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh xuống 100.000đ/m3, nhưng vẫn còn cao hơn nhiều so với nhiều tỉnh khác.
“Dù đã thực hiện nhiều biện pháp thu hồi nợ như phong tỏa tài khoản, cưỡng chế hóa đơn… nhưng doanh nghiệp không có phát sinh mua bán nên ngành thuế cũng đành “bó tay”. Để đòi được khoản nợ này, không chỉ ngành thuế mà cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của các ngành khác có liên quan”, ông Phú chia sẻ.
Vướng mắc trong cơ chế
Qua tìm hiểu, việc doanh nghiệp chây ì nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản không chỉ do bế tắc đầu ra, mà còn ở cách tính thuế khai thác khoáng sản. Hầu hết các doanh nghiệp đều cho rằng cách tính này quá cao so với các tỉnh lân cận.
Tại quyết định số 59/2014/QĐ-UBND ngày 3/9/2014 của UBND tỉnh Hà Tĩnh về việc quy định giá tính thuế tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh thì đơn giá đá hộc là 120.000 đồng/m3, trong khi đơn giá xuất bán thực tế từ 80.000 - 90.000 đồng/m3. Mức giá này cao hơn từ 1,5 - 2,4 lần so với các tỉnh lân cận như Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình… Từ vấn đề bất cập về đơn giá tính thuế như vậy dẫn đến các doanh nghiệp khai thác đá trên địa bàn gặp không ít khó khăn, tạo tâm lý bức xúc cho doanh nghiệp.
Ông Phan Xuân Hồng, Chủ tịch Hiệp hội khai thác và chế biến đá thị xã Kỳ Anh cho biết: “Vừa qua, Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị cơ quan chức năng điều chỉnh đơn giá tính thuế phí và tiền cấp quyền khai thác khoáng sản phù hợp với đơn giá xuất bán thực tế. Trước đây, khi chưa có quyết định của UBND tỉnh, cách tính thuế cấp quyền khai thác khoáng sản được căn cứ vào giá tạm tính của Sở Tài nguyên & Môi trường. Một số doanh nghiệp đã nộp đầy đủ, nhưng cũng có doanh nghiệp còn nợ thuế. Tuy nhiên, sau khi có quyết định của UBND tỉnh, thuế phí này lại cao hơn nhiều”.
Sau nhiều văn bản kiến nghị của Hiệp hội, thì mức giá được điều chỉnh xuống còn 100.000 đồng/m3 nhưng vẫn cao hơn so với các tỉnh khác (khoảng 80.000 đồng/m3). Đến nay vẫn chưa có mức điều chỉnh giá phù hợp như mong muốn của các doanh nghiệp đá. Bế tắc đầu ra, vướng mắc trong cơ chế đang đẩy các doanh nghiệp đá vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.
KỲ III: “Lối thoát” cho doanh nghiệp