Chỉ sau hơn một tuần dịch COVID-19 tái bùng phát, hàng nghìn tour du lịch bị hủy, nhiều khách sạn lại rơi vào cảnh "điêu đứng".
Cụ thể, theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, việc phát hiện những ca nhiễm COVID-19 mới trong cộng đồng những ngày vừa qua đã khiến hàng loạt doanh nghiệp du lịch lữ hành gặp khó. Đơn cử như Vietravel với gần 21.000 tour với doanh thu dự kiến 88,6 tỷ đồng đã bị hủy chỉ trong 2 ngày 26, 27/7; Saigontourist với hơn 10.000 tour bị hủy; các doanh nghiệp như BenThanh, Lữ hành Fiditour, Hòa Bình, Đất Việt, TST cũng bị hủy từ 5.000 tour trở lên.
Sở Du lịch TP.HCM cũng cho biết, các tour du lịch bị hủy không chỉ là các chuyến đến Đà Nẵng, Hội An mà còn cả nhiều chương trình đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt cũng bị hủy. Bên cạnh đó, các chuyến đi bị hủy này thường thường là các chuyến sát ngày, đơn vị du lịch lữ hành đã thanh toán 100% tiền cho các đối tác, việc hủy tour đã khiến nhiều doanh nghiệp khó khăn trong việc xoay xở hoàn tiền cho khách hàng.
Ông Nguyễn Đức Hiệp, Tổng giám đốc Viettourist cho biết, hầu như từ ngày 25/7 khách hàng tìm đến công ty chỉ để hủy tour, mặc dù doanh nghiệp đã cố gắng thương lượng dời lịch hoặc đổi địa điểm nhưng với tâm lý lo ngại dịch bệnh, khách hàng chỉ nhất quyết hủy mặc cho nhiều rủi ro không thể hoàn toàn bộ số tiền đã thanh toán.
Trong khi đó, theo thống kê mới nhất của Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng, tình trạng hủy phòng khách sạn ngày một tăng, mặc dù số ca phát hiện COVID-19 ở tỉnh này không nhiều và chưa thực hiện giãn cách.
Cụ thể, trước đó lượng khách đặt phòng cho tháng 8 gần như "kín" hết tất cả các khách sạn từ bình dân đến cao cấp, tuy nhiên, ghi nhận đến hết ngày 31/7, có tới 16.000 phòng bị hủy, ước tính thiệt hại lên tới 19 tỷ đồng cho thị trường khách sạn nơi đây.
"Sau thời gian giãn cách lần 1, lượng khách đến Đà Lạt, Lâm Đồng đang dần phục hồi, chỉ trong 20 ngày đầu tháng 7 đã đạt 140 nghìn lượt khách đến. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch COVID-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng" - Đại diện Sở này cho biết.
Theo một số chuyên gia, việc hủy tour làm tâm lý "hiệu ứng domino" của người dân dẫn đến các điểm đến không nằm trong vùng dịch. "Việc hoãn, hủy tour trong giai đoạn này là cần thiết để đảm bảo an toàn sức khỏe cộng đồng và hỗ trợ nhà nước kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, doanh nghiệp du lịch, lữ hành đã có nửa đầu năm "đen tối", việc khách vội vàng hủy tour đợt này sẽ đẩy nhiều doanh nghiệp du lịch đến "vực thẳm"" - Vị chuyên gia nhận định.
Với các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính thì có thể bằng nhiều cách xử lý khủng hoảng, nhưng với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ thì là một thách thức.
“Khách thì không hiểu các khoản cọc với đối tác. Ví dụ như phía khách sạn thì phương án họ đề nghị là bảo lưu để ổn định có đoàn cấn trừ thời gian tới. Mỗi ngày hoàn tiền tour cả tỷ đồng, đoàn ít cũng vài chục triệu, đoàn lớn thì vài trăm triệu đồng. Thật sự rất căng, ai không đủ tiềm lực hay chuẩn bị không tốt về tài chính thì phá sản như chơi”, ông Trần Thanh Vũ, đại diện đơn vị VinaGroup tâm sự.
Trước tình hình này, mới đây Hiệp hội Du lịch TP.HCM đã có văn bản gửi Tổng cục Du lịch cùng khoảng 20 địa phương trên cả nước kiến nghị có chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đàm phán hoãn hủy tour, đề nghị các đơn vị cung ứng chia sẻ tổn thất với đơn vị lữ hành.
Bên cạnh đó, mới đây Sở Du lịch TP.HCM cũng đã có một số kiến nghị tới UBND TP về công tác hỗ trợ tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp. Đồng thời, nhanh chóng nghiên cứu, chuẩn bị kịch bản kịp thời để khôi phục du lịch sau khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Có thể bạn quan tâm