Trong giai đoạn hiện tại và các năm tới, các doanh nghiệp FATS vẫn đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa nền kinh tế Việt Nam và thế giới.
Theo đó, với nguồn lực khá bền vững, ổn định, các doanh nghiệp có trên 50% vốn góp của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FATS) luôn duy trì, phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và toàn bộ nền kinh tế.
Đây là một trong những kết quả được Tổng Cục Thống kê đưa ra mới đây trong khuôn khổ báo cáo “Khái quá về các chi nhánh, công ty con nước ngoài có trên 50% vốn góp thuộc nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam qua 5 năm”.
Báo cáo chỉ ra, trong bối cảnh toàn cầu hóa, cách thức tiếp cận thị trường như vậy của các doanh nghiệp đa quốc gia được WTO gọi là “Hiện diện thương mại- Phương thức 3”. Hiện nay, phương thức này ngày càng phát triển và đóng vai trò quan trọng trong thương mại quốc tế, kết quả hoạt động của các doanh nghiệp FATS được các tổ chức và nhiều nước quan tâm. Ngoài ra, những thông tin về doanh nghiệp FATS phản ánh toàn diện kết quả hoạt động của các công ty đa quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện diện thương mại giúp cho các doanh nghiệp đa quốc gia tiếp cận thị trường nước khác một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tại thời điểm 31/12/2016 có 14.002 doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam, thu hút 4,15 triệu lao động, trong đó, có 12.972 doanh nghiệp FATS, thu hút 4,05 triệu lao động. Doanh nghiệp FATS chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp FDI, bình quân 1 năm giai đoạn 2012-2016, số lượng doanh nghiệp FATS chiếm 90,5%, lao động chiếm 96,8%, doanh thu thuần chiếm 93,6% và tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa (không kể dầu thô) chiếm 99,1%.
Theo đó, trong năm 2016, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số doanh nghiệp FATS lớn so với cả nước gồm: Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu cả nước về số doanh nghiệp FATS với 3.752 doanh nghiệp, chiếm 28,9%. Theo sau đó là Hà Nội với 2.165 doanh nghiệp, chiếm 16,7%. Địa phương xếp thứ 3 là Bình Dương, với 1.857 doanh nghiệp, chiếm 14,3%. Ngoài ra, Đồng Nai có 974 doanh nghiệp, chiếm 7,5%; Bắc Ninh xếp thứ 5 với 643 doanh nghiệp chiếm 5%, giai đoạn 2012-2016, Bắc Ninh là địa phương có tốc độ tăngvề số lượng doanh nghiệp FATS cao nhất với 46,7%/năm.
Cũng theo thông tin từ Tổng Cục Thống kê, trong số các doanh nghiệp FATS, số lượng doanh nghiệp FATS hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2012-2016 chiếm tỷ trọng bình quân 58,4%, số lượng doanh nghiệp này vẫn duy trì tăng trưởng hàng năm với tốc độ tăng bình quân năm 10,8%.
Theo đó, xét theo khu vực kinh tế, lao động của các doanh nghiệp FATS thuộc khu vực công nghiệp, xây dựng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 92,5%, trung bình mỗi năm khu vực này thu hút khoảng 3,1 triệu lao động. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lao động chiếm tỷ lệ cao nhất với 91,6%. Số lượng lao động của doanh nghiệp FATS thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ lệ nhỏ nhất với 0,3%, trung bình mỗi năm là có khoảng 10 nghìn lao động. Lao động trong các doanh nghiệp FATS khu vực dịch vụ chiếm 7,2%, trung bình hàng năm có 240 nghìn lao động.
Doanh nghiệp FATS hầu hết đến từ các tập đoàn, công ty đa quốc gia với tiềm lực kinh tế mạnh và bền vững, trình độ quản lý và khả năng kết nối chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm tốt nên kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh khá ổn định.
Vốn và tài sản cố định của các doanh nghiệp FATS hoạt động trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng lớn và tăng dần qua các năm. Tỷ trọng vốn của doanh nghiệp FATS ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng từ 51,1% năm 2012 tới 63,7 % năm 2016; tài sản cố định tăng từ 69,2% năm 2012 tới 76,3% năm 2016.
Ngoài ra, vốn góp của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các doanh nghiệp FATS chủ yếu đến từ các nước phát triển thuộc khu vực châu Á
Cụ thể, tính đến thời điểm 31/12/2016, số doanh nghiệp FATS do các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài góp vốn nhiều nhất lần lượt là Hàn Quốc, với 3.447 doanh nghiệp, Nhật Bản với 2.340 doanh nghiệp, Đài Loan với 1.921 doanh nghiệp, khối ASEAN với 1.475 doanh nghiệp và các nước khối EU với 1.119 doanh nghiệp.
Ngoài ra, số lao động của doanh nghiệp FATS thu hút nhiều nhất là doanh nghiệp Hàn Quốc, tiếp đến là Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore và các nước khối EU. Nguồn vốn của doanh nghiệp lớn nhất thuộc về các doanh nghiệp thuộc khối ASEAN, tiếp theo làcác doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loanvà khối EU.
Về hiệu suất sinh lời trên vốn, (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng vốn) của các doanh nghiệp FATS cao nhất trong các loại hình doanh nghiệp và có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 4,4% năm 2012 lên 6,5% vào năm 2016. Năm 2016, hiệu suất sinh lời trên vốn của doanh nghiệp nhà nước là 2,5%, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,3% và doanh nghiệp FDI là 6,4%. Điều này phản ánh doanh nghiệp FATS và FDI đầu tư đem lại hiệu quả cao hơn so với các loại hình doanh nghiệp khác.
Hiệu suất sinh lời trên doanh thu (tính bằng tổng lợi nhuận trước thuế/tổng doanh thu) của các doanh nghiệp FATS cũng có xu hướng tăng dần qua các năm, từ 4,6% năm 2012 lên 6,5% năm 2016. Năm 2016, hiệu suất sinh lời trên doanh thu của doanh nghiệp nhà nước là 6,6%, doanh nghiệp ngoài nhà nước là 1,9% và doanh nghiệp FDI là 6,7%. Điều này phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FATS cao hơn so với các doanh nghiệp khác.
Giai đoạn hiện tại và các năm tới, các doanh nghiệp FATS vẫn đóng vai trò quan trọng là cầu nối giữa nền kinh tế Việt Nam và thế giới, với nguồn lực khá bền vững và ổn định từ các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FATS luôn duy trì và phát triển ổn định, giải quyết việc làm cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương và toàn bộ nền kinh tế.
Kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FATS đóng góp vào tăng trưởng xuất khẩu, cải thiện cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam và tăng trưởng GDP của toàn nền kinh tế. Các doanh nghiệp Việt Nam chưa tham gia nhiều vào các ngành công nghiệp phụ trợ do trình độ sản xuất thấp, thiếu cạnh tranh và đặc biệt là chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu để tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất toàn cầu nói chung và cung cấp cho doanh nghiệp công nghiệp FATS nói riêng, đây cũng là cơ hội và thách thức không nhỏ cần phải cải thiện trong những năm tới.