Phát triển bền vững (PTBV) sẽ giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và vươn ra toàn cầu. Thế nhưng, các doanh nghiệp gia đình (DNGĐ) dường như chưa sắn sàng với mục tiêu này.
PTBV luôn là mục tiêu tối thượng của doanh nghiệp. Bởi vì, chỉ khi hội đủ các yếu tố bảo đảm PTBV, thì các doanh nghiệp mới duy trì và tăng trưởng được lợi nhuận.
Tăng khả năng cạnh tranh và sinh tồn
Với các DNGĐ tại Việt Nam, vấn đề PTBV dường như vẫn đang là mục tiêu xa vời. Bởi hầu hết các doanh nghiệp này đều mới chỉ tập trung chú trọng đến doanh thu và lợi nhuận trước mắt, mà chưa có định hướng phát triển trong dài hạn.
Liên quan đến vấn đề này, Chương trình CEO- Chìa khóa thành công trên VTV1 đã đưa lên sóng chủ đề “DNGĐ– Chiến lược nhân sự”. Cùng với đó là những băn khoăn và thắc mắc về việc có nên đi theo định hướng PTBV hay không của Vinesta, một DNGĐ chuyên sản xuất và kinh doanh nông sản, thực phẩm, thuộc sở hữu 100% của các thành viên trong gia đình. Sau 20 năm phát triển ổn định, Vinesta đã có những bước tiến khá ngoạn mục. Trước áp lực cạnh tranh của thị trường, đặc biệt là của các doanh nghiệp nước ngoài và các Cty đại chúng, doanh nghiệp này nhận thấy cần tăng nguồn lực về vốn, nhân sự… nhằm tăng khả năng cạnh tranh và sinh tồn. Bởi vậy, doanh nghiệp đã tiến hành IPO. Sau khi IPO, doanh nghiệp cũng đã niêm yết thành công nhưng các thành viên chủ chốt của gia đình vẫn giữ quyền điều hành, chi phối.
Có thể bạn quan tâm |
Quan điểm trái chiều
CEO là một người có tầm nhìn dài hạn, nên đã đề xuất với HĐQT căn cứ vào tốc độ tăng trưởng cũng như kỳ vọng của nhiều cổ đông và nhà đầu tư tiềm năng, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, cần xây dựng và tích hợp các mục tiêu PTBV nhằm gây dựng thương hiệu và hình ảnh Vinesta là một doanh nghiệp PTBV hàng đầu Việt Nam.
Tuy nhiên, đề xuất này của CEO đã gặp phải sự phản đối từ HĐQT. Bởi họ cho rằng doanh nghiệp đã mất quá nhiều công sức, tiền bạc sau tiến trình IPO. Giờ lại thêm chiến lược PTBV, thì chắc chắn doanh nghiệp không có đủ sức bền để đi đường dài. Còn nếu cứ cố làm, thì rất có thể sẽ “xôi hỏng bỏng không”. Bởi vậy, mọi việc cứ nên tạm dừng lại, khi thấy đủ lực thì sẽ tính tiếp.
Trong vai trò CEO tham gia giải quyết vấn đề trên, ông Vũ Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT CTCP Dịch vụ Đại lý Thuế và Tư vấn Đào tạo Tâm Việt đã đưa ra các lý lẽ phản biện vững chắc để bảo vệ quan điểm của mình. Ý kiến của CEO cũng nhận được sự đồng tình của nhiều khán giả theo dõi trên Fanpage CEO - Chìa khóa thành công. Trong đó, Bạn Lâm Minh cho rằng: “Muốn đi xa, phải làm cho tới. IPO và lên sàn thành công thì mới chỉ là bước đầu. Doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư thêm vào các mục tiêu PTBV và tích hợp trong chiến lược phát triển của mình. Có như vậy mới đi được xa và bền vững”.
Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng: “Doanh nghiệp muốn đi xa cần phải cân đối sức và khả năng của mình. Khi chưa thực sự an tâm về tiềm lực mà đã ra gió thì doanh nghiệp sẽ “đổ”.