Kinh tế

Doanh nghiệp Hải Dương chủ động ứng phó với thuế đối ứng

Bùi Hiền 24/04/2025 00:30

Việc Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp tại Hải Dương tái cơ cấu thị trường, mở rộng sản xuất.

Chủ động ứng phó

Việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam gây ra nhiều hoang mang cho doanh nghiệp sản xuất, nhất là với các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Bởi đây là một mức thuế suất quá cao hơn so với các đối thủ cạnh tranh từ 10-20%, nhiều doanh nghiệp lo lắng khi thuế tăng sẽ kéo theo giá bán cao, làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá của các doanh nghiệp.

kcn-hai-duong.jpeg
Nhiều doanh nghiệp tại Hải Dương chủ động tìm kiếm các thị trường mới để tránh ảnh hưởng từ thuế đối ứng của Mỹ

Ông Đinh Trịnh Dũng - Tổng Giám đốc Công ty CP May II Hải Dương cho biết, doanh nghiệp đã ký các đơn hàng, đủ việc làm đến hết tháng 8/2025. Trong đó, Mỹ là một trong những thị trường truyền thống của doanh nghiệp. Thị trường này chiếm khoảng 30%. Việc Mỹ áp dụng thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam sẽ gây ra những ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

Song, Chính phủ Mỹ hoãn áp thuế đối ứng trong 90 ngày và giảm mức thuế này xuống 10% cũng là thời cơ để các doanh nghiệp chủ động sắp xếp lại hoạt động, sẵn sàng ứng phó với tình hình mới. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã linh hoạt chuyển hướng tìm kiếm các thị trường xuất khẩu mới như Hàn Quốc, thị trường EU, Đông Bắc Á… để tránh chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ chính sách thuế quan này.

“Trước mắt, chúng tôi chủ động tăng cường xuất khẩu vào các thị trường còn lại như Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức… để giảm thiểu những tác động từ thuế đối ứng của Mỹ. Còn về lâu dài, May II Hải Dương sẽ mở rộng thị trường, tiếp cận những thị trường mới để giữ nguyên được tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa ổn định. Tuy nhiên, việc chuyển đổi thị trường cũng phải mất từ 2 - 3 năm. Hiện, doanh nghiệp đã và đang tiến tới thị trường châu Âu, thử sức với những đơn hàng khó”, ông Dũng bày tỏ.

Bên cạnh việc tìm kiếm các thị trường mới, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã đầu tư máy móc, thiết bị chuyên dùng hiện đại để tăng năng suất, giảm chi phí quản lý.

Ông Phạm Đình Họa - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May Tinh Lợi cho biết, trung bình mỗi tháng, công ty sản xuất khoảng 20 triệu sản phẩm. Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn của công ty khi chiếm tỷ trọng 35%. Thời gian qua, doanh nghiệp rất chú trọng đến nguồn gốc nguyên, phụ liệu phục vụ sản xuất. Đặc biệt, việc truy xuất nguồn gốc nguyên, phụ liệu cho sản xuất là việc không khiến chúng tôi quá lo lắng khi hiện nay, việc sản xuất của công ty là chu trình khép kín, nguyên phụ liệu được sản xuất tại Việt Nam chứ không phải nhập ở nước khác. Chính vì vậy, tạm thời chúng tôi cũng chưa chịu quá nhiều biến động trong sản xuất”, ông Họa khẳng định.

Cơ hội để phát triển

Song, thuế đối ứng mới chỉ “hoãn” chứ không “bãi bỏ” hoàn toàn, chính vì vậy, các doanh nghiệp phải tận dụng thời cơ trong vòng 90 ngày để điều chỉnh hướng đi. Việc chủ động xây dựng kịch bản ứng phó linh hoạt, đồng bộ và thực tiễn là yêu cầu cấp thiết đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp tại Hải Dương nói riêng, nhất là các doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Để ứng phó với mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Mỹ nếu vẫn tiếp tục xảy ra, các doanh nghiệp tại Hải Dương cần đa dạng hóa thị trường, sớm tiếp cận các thị trường mới khai thác tối đa lợi thế các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), các hiệp định thương mại song phương, đa phương. Đặc biệt, các doanh nghiệp chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể chuyển dịch mô hình từ “làm theo đơn hàng” sang “thiết kế - sở hữu thương hiệu” để có vị thế đàm phán tốt hơn khi vào thị trường mới. Mặt khác, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao năng lực tiêu chuẩn hóa, tiếp cận nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới và chuỗi logistics đa quốc gia. Thậm chí, đẩy mạnh vào các nhóm ngành thế mạnh của Hải Dương như sản xuất nông sản chế biến, linh kiện cơ khí, giày dép… xuất sang các thị trường châu Phi, Trung Đông, Canada.

may-2.jpg
Việc Mỹ áp thuế đối ứng cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có thể chuyển hướng phát triển tại một số ngành nghề thế mạnh của Hải Dương

Theo đại diện Công ty TNHH Giày Ngọc Hưng (cụm công nghiệp Lương Điền, Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), bên cạnh vấn đề thị trường, để tăng khả năng cạnh tranh, doanh nghiệp cần cơ cấu lại hoạt động sản xuất, hoàn thiện việc tham gia các chuỗi giá trị phù hợp.

Để hàng hóa của các doanh nghiệp ở Hải Dương xuất khẩu bền vững, các doanh nghiệp cần tự chủ động trong việc cập nhật thông tin thị trường. Chuẩn hóa và minh bạch chuỗi cung ứng để chứng minh tính hợp pháp, hợp lệ và xuất xứ nội địa rõ ràng, bảo đảm tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA)...

Tính đến nay, Chính phủ và tỉnh Hải Dương đã liên tục tìm kiếm các phương án, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất trong tình hình đầy biến động.

Đáng chú ý, tỉnh Hải Dương đang ưu tiên hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển sản phẩm có thiết kế riêng, sở hữu trí tuệ, hoặc tích hợp giá trị gia tăng cao (kỹ thuật, sáng tạo, công nghệ). Thúc đẩy mô hình liên kết cụm ngành công nghiệp hỗ trợ, giảm dần nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, hình thành hệ sinh thái sản xuất khép kín nội tỉnh và trong nước. Đồng thời, hỗ trợ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong các ngành mũi nhọn như dệt may, da giày, cơ khí, điện tử nhẹ… đảm bảo kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh vẫn tăng trưởng, hoạt động sản xuất của doanh nghiệp ổn định trong bất cứ hoàn cảnh nào.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp Hải Dương chủ động ứng phó với thuế đối ứng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO