Để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường Tết Nhâm Dần, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đang bước vào giai đoạn chạy nước rút.
Mặc dù được dự báo là thị trường có nhiều khó khăn hơn các năm trước, song các doanh nghiệp tỉnh Đồng Tháp vẫn nỗ lực và quyết tâm vượt khó đảm bảo nguồn cung hàng hóa đa dạng và chất lượng cho người tiêu dùng.
Khi chuỗi cung ứng hàng hóa được nối lại sau thời gian bị đứt gãy do ảnh hưởng dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp bắt đầu lên phương án chạy nước rút để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho thị trường.
Nhiều phương án như: khai thác đa kênh, đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến, tăng cường nguồn nhân lực, phát triển thêm các dòng sản phẩm mới... nhằm phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng đang được các doanh nghiệp đẩy mạnh.
Về hoạt động sản xuất cuối năm của đơn vị, ông Huỳnh Văn Bé - chủ Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến, huyện Thanh Bình chia sẻ: “Cũng giống như nhiều doanh nghiệp và cơ sở sản xuất khác, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, Cơ sở Muối sấy Ngọc Yến gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và kinh doanh. Song, ngay sau khi được trở lại sản xuất thì cơ sở đã có sự bắt nhịp khá thuận lợi. So với cùng kỳ những năm trước, số lượng đơn đặt hàng trong những tháng cuối năm này có sự tăng vọt về số lượng. Ước tính so với cùng kỳ năm 2020, sản lượng của cơ sở chúng tôi tăng từ 10 - 15%.
Bên cạnh niềm vui vì được người tiêu dùng ủng hộ thì cơ sở cũng không khỏi trăn trở bởi tăng quy mô sản xuất trong bối cảnh đặc biệt như hiện nay không phải là chuyện dễ dàng, khi hầu hết các chi phí đầu vào đều tăng vọt.
Do đó, hiện tại bên cạnh việc đẩy mạnh áp dụng máy móc hiện đại nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí thì hoạt động chăm lo cho đời sống vật chất và tinh thần của người lao động luôn được cơ sở quan tâm. Bởi chúng tôi hiểu rằng, chỉ khi người lao động an tâm và khỏe mạnh thì hoạt động sản xuất của đơn vị mới có thể bền vững”.
Có thể nói năm 2021, với nhiều biến động từ thị trường, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, để có thể trụ vững và vượt qua khó khăn thì các doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đồng Tháp đã có nhiều nỗ lực và quyết tâm.
Ông Ngô Khánh Huy - Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất - thương mại - dịch vụ Khánh Thu, huyện Tháp Mười cho biết: “So với những doanh nghiệp lớn thì các doanh nghiệp khởi nghiệp có nhiều hạn chế về nguồn nhân lực cũng như tài chính. Do đó, hơn 1 năm qua, dưới những tác động tiêu cực của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã rơi vào tình cảnh vô cùng khó khăn. Chuỗi cung ứng hàng hóa bị tác động nghiêm trọng đã dẫn đến giá nhiều nguyên vật liệu, phụ liệu đều tăng giá mạnh. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tái sản xuất của các doanh nghiệp khởi nghiệp dịp cuối năm. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng Công ty Khánh Thu vẫn cố gắng nỗ lực, bởi khi người tiêu dùng còn tin tưởng và ủng hộ sản phẩm của doanh nghiệp Đồng Tháp thì các doanh nghiệp khởi nghiệp vẫn còn cơ hội để vươn mình”.
Khi đối mặt với hoàn cảnh khó khăn càng thấy được sự nỗ lực và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp ở Đồng Tháp. Song song với việc tìm kiếm giải pháp để khắc phục tổn thất thì giải pháp không ngừng mở rộng thị trường cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh.
Trong đó, thúc đẩy phát triển kênh thương mại điện tử, mở rộng thị trường xuất khẩu cũng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Về sự vượt khó của Công ty TNHH MTV Nam Huy Đồng Tháp (huyện Châu Thành) thời gian qua, ông Huỳnh Văn Hiệp - Giám đốc công ty cho biết: “Dưới những tác động của dịch COVID-19, các kênh phân phối truyền thống của doanh nghiệp gần như đều bị tê liệt. Để vượt qua khó khăn, doanh nghiệp chúng tôi đẩy mạnh phát triển kênh thương mại điện tử cũng như tìm kiếm thêm nhiều đối tác nước ngoài để xuất khẩu. Từ đó, sản phẩm của doanh nghiệp được thị trường biết đến nhiều hơn, nhiều đối tác lớn cũng tìm đến và kết nối với doanh nghiệp chúng tôi. Nhờ mở rộng các kênh phân phối mới mà doanh thu của doanh nghiệp trong năm 2021 tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2020”.
So với những năm trước, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp trong năm nay phải đối mặt với nhiều thách thức, nhưng với sự quyết tâm và tinh thần vượt khó, cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp đã có nhiều giải pháp linh động để vượt qua khó khăn, thích ứng với tình hình mới.
Có thể bạn quan tâm