Khi "3 tại chỗ" có nhiều bất cập trong quá trình thực hiện, nhiều doanh nghiệp đề xuất thí điểm chương trình cho người lao động đi làm từ nhà.
Sau quá trình duy trì "3 tại chỗ" với hàng loạt bất cập như thiếu cơ sở hạ tầng, chi phí gia tăng, chưa có quy định, hướng dẫn chưa cụ thể, đồng bộ - điều này dẫn đến nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng do không thể tiếp tục phương án này. Bất cập trên đòi hỏi cần có mô hình sản xuất thay thế phù hợp hơn.
Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) đề xuất cho Công ty Intel Products Việt Nam và Công ty Datalogic Việt Nam thí điểm "hai tại chỗ" trong 14 ngày.
Kế hoạch cụ thể để thí điểm mô hình "2 tại chỗ" (ăn uống và làm việc tại chỗ) vừa được đề xuất với Ban quản lý và Hiệp hội Các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP HCM (HBA).
Lý do theo Chi hội doanh nghiệp Khu công nghệ cao (SBA) là, hiện nay có những người lao động đang ở nhà có thể tham gia vào lực lượng sản xuất và các doanh nghiệp cũng rất cần những người lao động có tay nghề cao đến công ty.
Theo đề xuất, thời gian thí điểm sẽ từ ngày 16/8 đến 30/8. Nhóm lao động áp dụng là người có tay nghề cao và vị trí cốt cán trong sản xuất và đều đã được tiêm vaccine mũi 1.
Đặc biệt, để kiểm soát chặt, người lao động sẽ cài App stores của Khu công nghệ cao TP HCM chỉ định trong lúc đi và về để doanh nghiệp và lãnh đạo ban có thể kiểm tra lộ trình đi lại.
Đồng thời, người lao động thuộc nhóm thí điểm sẽ ký cam kết chỉ di chuyển giữa nơi làm việc và nơi ở, tuân thủ 5k cũng như các yêu cầu phòng dịch của địa phương. Trong trường hợp có người sống chung, người lao động phải ký cam kết những người này không được rời khỏi nơi cư trú và họ cũng sẽ được làm xét nghiệm tại nhà và doanh nghiệp chi trả chi phí này.
Phía doanh nghiệp cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch trong đưa đón người lao động; duy trì việc xét nghiệm hai lần trong năm ngày đầu và hai lần trong 7 ngày của tuần tiếp theo. Nhóm này sẽ có khu vực làm việc riêng 2 tuần đầu.
Trong trường hợp phát hiện có ca dương tính, doanh nghiệp vẫn tiếp tục được duy trì sản xuất với điều kiện tỷ lệ phải thấp hơn 10% tổng số người lao động làm thí điểm.
Mô hình thí điểm này trước mắt sẽ thực hiện với quy mô khoảng 300 người. Thời gian đầu sẽ thử nghiệm với nhóm nhỏ 20-30 người và tối đa 100 người.
Được biết, mô hình "2 tại chỗ" kết hợp với test nhanh cho người lao động cũng được bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Da giày, túi xách Việt Nam (Lefaso) đề xuất.
Có nghĩa người lao động sẽ ăn uống và làm việc tại chỗ, và tạo một cung đường, cho phép họ được về nhà trên cơ sở đảm bảo tuyệt đối kiểm soát dịch bệnh.
Doanh nghiệp sàng lọc bằng cách tăng tần suất test nhanh cho người lao động và cam kết với chính quyền, còn người lao động cam kết với doanh nghiệp về di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Hôm qua, tại họp báo Chính phủ, ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Công Thương cho biết, mô hình sản xuất "3 tại chỗ" trong sản xuất công nghiệp vẫn là mô hình tốt trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng việc áp dụng phương án này tại các doanh nghiệp phía Nam, nhất là tại TP HCM và các tỉnh, thành đang giãn cách xã hội lộ bất cập. Ông Hải cho hay, đã đề xuất Bộ Y tế điều chỉnh mô hình sản xuất này và hai cơ quan sẽ thống nhất sửa đổi, đảm bảo chống dịch, sản xuất an toàn.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp kêu khó trong lưu thông hàng hoá, Bộ GTVT và Công Thương nói gì?
20:00, 11/08/2021
Giảm phí lưu container, lưu kho gỡ khó cho doanh nghiệp
14:59, 11/08/2021
Bộ Công Thương: Đề nghị các hiệp hội giảm phí lưu container, lưu kho, lưu bãi
18:39, 10/08/2021
Kết nối tiêu thụ nông, thủy sản cho Nam Bộ và Tây Nguyên
20:29, 06/08/2021