Doanh nghiệp kiến nghị đổi tên dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”

Công Thương 11/09/2018 17:00

Hiệp hội Bia rượu, nước giải khát Việt Nam (VBA) và các doanh nghiệp trong ngành này kiến nghị đổi tên dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia vì có những điểm chưa phù hợp.

Ngày 11/9, Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) phối hợp với Công ty AB Inbev (trụ sở tỉnh Bình Dương) tổ chức hội thảo góp ý về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (Bản dự thảo 4, trình Thủ tướng Chính phủ ngày 27/8/2018).

Tại hội thảo TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam cho rằng, là đại diện cho các doanh nghiệp rượu, bia tại Việt Nam, Hiệp hội ủng hộ những nỗ lực của Chính phủ nhằm xây dựng và duy trì một môi trường pháp lý minh bạch, cân bằng, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế đồng thời giảm tình trạng sử dụng đồ uống có cồn ở mức độ có hại. Hiệp hội ủng hộ việc ban hành một bộ luật nhằm kiểm soát và giảm thiểu những tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn thông qua những biện pháp phù hợp, hiệu quả và khả thi.

TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam nêu ý kiến tại hội thảo

TS. Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam nêu ý kiến tại hội thảo

Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn còn những ý kiến góp ý về Dự Luật này như tên gọi của luật cần phải thể hiện đúng đối tượng, mục tiêu điều chỉnh của luật và thống nhất với các văn bản mang tính định hướng trước đây về vấn đề này. Hiệp hội kiến nghị dự Luật nên được đổi tên thành “Luật Kiểm soát đồ uống có cồn” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn”.

Theo TS Việt, lý do hiệp hội kiến nghị đổi tên vì một số loại đồ uống khác cũng có cồn những không phải bia rượu. Khái niệm đồ uống có cồn sẽ phù hợp vào bao trùm hơn, có thể kiểm soát được người sản xuất đồng thời kiểm soát tránh tình trang lách luật. Dự thảo luật cũng nêu vấn đề hạn chế quảng cáo và cấm quảng cáo bia, rượu với một số trường hợp cụ thể điều này là chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay khi việc người dân sử dụng rượu, bia không hoàn toàn phụ thuộc vào việc quảng cáo. Tuy nhiên việc quảng cáo sẽ giúp cung cấp các thông tin chính xác về các hãng bia, rượu uy tín tránh việc người dân không tiếp cận được thông tin lại sử dụng các loại bia, rượu không rõ xuất xứ.

Góp ý về dự thảo Luật này, ông Joris Janssen, Giám đốc Tiếp thị khu vực Đông Nam Á, Công ty Bia Anheuser- Busch Inbev Việt Nam cho rằng, dự thảo Luật cần cân nhắc loại trừ các loại bia không cồn (hay bia 0 độ) ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật, do các loại rượu, bia này là một lựa chọn thay thế khi người tiêu dùng muốn sử dụng đồ uống không có cồn. Bên cạnh đó, qui định về cấm quảng cáo rượu, bia vào những khung giờ nhất định như từ 18h00 đến 21h00 cũng nên cần được cân nhắc lại vì những nghiên cứu về kinh nghiệm quốc tế đã cho thấy rằng cấm quảng cáo không làm giảm tiêu thụ rượu, bia. Đồng thời quảng cáo theo hướng giáo dục sẽ giúp người tiêu dùng phân biệt các sản phẩm rượu bia hợp pháp và bất hợp pháp. Bên cạnh đó, dự thảo luật cần quy định cụ thể chế tài thực thi nghiêm khắc để ngăn chặn sự phát triển của đồ uống có cồn bất hợp pháp.

Tại hội thảo, Đại biểu Quốc hội Trương Thị Bích Hạnh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, Ủy viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết quan điểm của Chính phủ, của quốc hội rất rõ ràng khi ban hành các dự luật. Đồng thời luôn lắng nghe các ý kiến đa chiều. Hiện nay dự thảo luật này chưa đươc đưa vào chính thức của Quốc hội.

Về tên gọi của dự thảo luật, một số đại biểu cũng đã nêu ý kiến về vấn đề này khi tên gọi chưa phù hợp, có thể dễ lách luật. Với tư cách Đại biểu Quốc hội, bà Hạnh ghi nhận các ý kiến góp ý của các doanh nghiệp về dự thảo Luật phòng, chống tác hại của bia, rượu để trình bày trước quốc hội hoàn thiện dự thảo luật này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp kiến nghị đổi tên dự thảo “Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO