Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI) vừa có đề xuất mở rộng các công việc được phép cho thuê lại lao động và gia hạn thời gian cho thuê lại lao động.
Liên quan đến Luật Lao động sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, mới đây, các doanh nghiệp đã có những đóng góp về vấn đề cho thuê lại lao động, một dịch vụ phổ biến mà nhiều doanh nghiệp hiện nay đang áp dụng.
Theo điều 23, Nghị định số 55/2013/ND-CP, điều kiện để có thể sử dụng lao động cho thuê lại là trong trường hợp bổ sung cho tình trạng thiếu nhân sự tạm thời hoặc đáp ứng nhu cầu của nguồn nhân lực có chuyên môn cao.
Cụ thể hơn, việc cho thuê lại lao động nhằm đáp ứng tạm thời sự gia tăng đột ngột về nhân lực trong khoảng thời gian nhất định, thay thế người lao động trong thời gian nghỉ thai sản, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc phải thực hiện các nghĩa vụ công dân hoặc giảm bớt thời giờ làm việc. Hoặc doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.
Về nguyên tắc, doanh nghiệp không được phép sử dụng lao động cho thuê lại trong ngành sản xuất, trừ trường hợp “sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông”.
Tuy nhiên, theo kiến nghị mới đây của Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), trong ngành sản xuất nói chung, phạm vi gia tăng sản xuất ngắn hạn đáp ứng biến động về nhu cầu trên thị trường là rất lớn. Có nhiều trường hợp cần gấp số lượng lớn, nếu doanh nghiệp tự mình tuyển dụng nhân viên thì cũng có giới hạn, do đó, nhu cầu rất lớn trong việc sử dụng lao động cho thuê lại là rất cao.
Vì vậy, để đáp ứng nhu cầu gia tăng trong nước và các nơi xuất khẩu, đồng thời để thúc đẩy mở rộng tiêu dùng và xuất khẩu. “Chúng tôi mong muốn áp dụng việc cho thuê lại lao động trong ngành sản xuất nói chung”, ông Koji Ito Chủ tịch JCCI nhấn mạnh.
Ở vai trò “người trong cuộc”, ông Simon Matthews, Tổng giám đốc Công ty TNHH Manpower Việt Nam, đơn vị cung cấp dịch vụ cho thuê lại lao động cũng cho biết, Manpower cũng như nhiều doanh nghiệp khác mong muốn ngành nghề được cấp phép cho thuê lại lao động sẽ tăng lên so với con số 17 hiện tại để tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường.
Thực tế, khảo sát của Manpower tại khu vực Đông Nam Á cũng cho thấy gần ½ số doanh nghiệp tham gia khảo sát (46%) cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng vào năm 2017. Cũng theo dự báo của Tập đoàn Manpower, trung bình vào năm 2020, hơn 1/3 số kỹ năng cốt lõi mà hầu hết các công việc yêu cầu sẽ bao gồm những kỹ năng mà công việc hiện nay chưa xem trọng. Đó là các kỹ năng liên quan tới sáng tạo, trí tuệ cảm xúc và linh hoạt trong nhận thức.
Có thể bạn quan tâm
21:10, 07/12/2018
16:16, 05/12/2018
07:40, 30/11/2018
Phân chia giới hạn thời gian thuê lao động
Trên thực tế, cho thuê lại lao động là dịch vụ phổ biến mà nhiều doanh nghiệp trên thế giới áp dụng. Ở Việt Nam, hoạt động này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp, khu kinh tế, cộng với nhu cầu lao động ngày càng cao đã tạo động lực thúc đẩy hoạt động cho thuê lại lao động phát triển mạnh mẽ.
4 tỉnh có nhiều doanh nghiệp cho thuê lại lao động nhất là TP HCM, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu và Hà Nội, chiếm hơn một nửa số doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong cả nước.
Bên cạnh việc kiến nghị mở rộng về số ngành nghề được thuê lại lao động thuộc lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp cũng kiến nghị xem xét thời hạn cho thuê lại lao động.
Cụ thể, quy định hiện hành giới hạn thời gian cho thuê lại lao động không được quá 12 tháng. Tuy nhiên, theo như doanh nghiệp phản hồi, có những trường hợp cần khoảng 24 tháng khi sử dụng lao động cho thuê lại trong những công việc có chuyên môn như làm việc cho dự án.
“Chúng tôi kiến nghị cần cân nhắc việc phân chia mức giới hạn tối đa của thời gian cho thuê lại lao động trong trường hợp bổ sung cho tình trạng thiếu nhân sự tạm thời và trường hợp cho thuê lại nhân lực có chuyên môn cao”, Chủ tịch JCCI kiến nghị.
Đánh giá của nhiều chuyên gia lao động, thực tế quy định của pháp luật trong dịch vụ cho thuê lại lao động đang nặng về điều kiện cấp phép mà chưa tính đến tác động của hoạt động này đến người lao động như thế nào.
Để dịch vụ cho thuê lại lao động phát triển minh bạch, cơ quan soạn thảo cần phải tháo gỡ những vướng mắc về điều kiện, đồng thời đưa ra những quy định ràng buộc rõ trách nhiệm của doanh nghiệp thuê lại lao động với người lao động. Có như vậy doanh nghiệp cho thuê lại lao động, doanh nghiệp thuê lao động, người lao động mới yên tâm tham gia vào hoạt động này.
17 công việc được thực hiện cho thuê lại lao động gồm: Phiên dịch/ Biên dịch/ Tốc ký; Thư ký/Trợ lý hành chính; Lễ tân; Hướng dẫn du lịch; Hỗ trợ bán hàng; Hỗ trợ dự án; Lập trình hệ thống máy sản xuất; Sản xuất, lắp đặt thiết bị truyền hình, viễn thông; Vận hành/kiểm tra/sửa chữa máy móc xây dựng, hệ thống điện sản xuất; Dọn dẹp vệ sinh toà nhà, nhà máy; Biên tập tài liệu; Vệ sĩ/Bảo vệ; Tiếp thị/Chăm sóc khách hàng qua điện thoại; Xử lý các vấn đề tài chính, thuế; Sửa chữa/Kiểm tra vận hành ô tô; Scan, vẽ kỹ thuật công nghiệp/Trang trí nội thất; Lái xe. |