Quy chuẩn 06 chỉ có tuổi thọ 1 năm nên đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng việc hoặc giải thể.
>>Nhiều doanh nghiệp đã được gỡ vướng về quy định PCCC
Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Vũ Xuân Hùng nhấn mạnh tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Ủy ban Quốc phòng - An ninh Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 99 năm 2019 của Quốc hội về PCCC (Nghị quyết 99) với Bộ KH-CN, Bộ GTVT, Bộ NN-PTNT, vừa diễn ra gần đây.
Tại phiên họp, đại diện Bộ KH-CN cho biết, hiện nay cả nước có khoảng 240 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia có liên quan đến lĩnh vực PCCC. Trong đó, các bộ chuyên ngành ban hành 41 quy chuẩn trong lĩnh vực PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Tuy nhiên, một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Cụ thể như Quy chuẩn 06 năm 2022 về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình do Bộ Xây dựng ban hành còn gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Quy chuẩn 06 được ban hành 30/11/2022 và có hiệu lực từ 16/1/2023, hiện đang được Bộ Xây dựng sửa đổi. Theo Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh Vũ Xuân Hùng, Quy chuẩn 06 chỉ có tuổi thọ 1 năm nên đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng việc hoặc giải thể.
"Trách nhiệm của Bộ KH-CN trong việc phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Công an như thế nào để hướng dẫn trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực PCCC?", ông Hùng nêu.
Ông Hùng cũng đề nghị bộ này báo cáo rõ việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tại Quyết định số 630 từ năm 2020, trong đó có việc rà soát các quy chuẩn về PCCC. Một số đại biểu tại cuộc làm việc cũng đề nghị Bộ KH-CN làm rõ trách nhiệm trong tổ chức thẩm định Quy chuẩn 06, cũng như trách nhiệm của các bộ này trong việc xây dựng, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn.
Bình luận về việc các quy định phòng cháy, chữa cháy đang “trói tay” doanh nghiệp, ông Nguyễn Hữu Thập, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết có những quy định tuân thủ PCCC còn bất cập, gây tốn kém, làm khó cho nhà đầu tư, thậm chí cản bước tiến của doanh nghiệp.
Cụ thể, theo mục 5, phụ lục VII của Nghị định số 136/2020 quy định thì nhiều mẫu kết cấu bắt buộc phải thử nghiệm chịu lửa. Khi thử nghiệm chịu lửa thì gần như 100% các kết cấu đều biến dạng cho dù đạt yêu cầu hay không.
“Với các kết cấu có chi phí thấp thì việc thử nghiệm không phải là vấn đề lớn, nhưng một số kết cấu vô cùng đắt đỏ như cửa giếng thang máy có chi phí hàng trăm, thậm chí hàng tỷ đồng. Đây thực sự là sự lãng phí không cần thiết”, ông Thập nói.
Hoặc quy định cửa phòng bệnh 100% phải làm bằng vật liệu ngăn cháy gây tốn kém cho doanh nghiệp rất nhiều chi phí, thậm chí không cần thiết. Nhiều nhà đầu tư đã phải thoái vốn, rút vốn vì không thể đầu tư một cách vô lý. Do đó, Hiệp hội đề nghị Bộ Xây dựng bãi bỏ các quy định không cần thiết và gây lãng phí cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Thu Liên, đại diện Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đưa ra 2 vấn đề gây bất cập cho doanh nghiệp. Thứ nhất, liên quan đến kho hàng, quy chuẩn 06 quy định, kệ hàng có chiều cao từ 5,5m trở lên phải theo phương án riêng và thẩm định riêng.
>>Bất cập quy định PCCC - Cần phân loại nhóm vướng mắc để giải quyết
>>Lo doanh nghiệp “bỏ” nhà máy vì “sợ” quy định PCCC
“Quy định này rất bất cập, bởi hiện nay kho hàng được làm cao tới 40 - 50m, có xe nâng, robot để lấy hàng trên cao. Tại những kho hàng này, số lượng người phục vụ rất ít. Vì vậy, quy định kho hàng cao trên 5,5m phải có phương án riêng và thẩm định riêng là không phù hợp với tính thực tiễn”, bà Liên cho biết.
Thứ hai, do tình hình phát triển kinh tế - xã hội, việc doanh nghiệp thay đổi công năng sản xuất, thay đổi từ loại hình này sang loại hình khác diễn ra rất bình thường. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp thành viên trước đây làm về dệt may, xuất khẩu và chế biến gỗ đã làm các phương án về PCCC và đã được phê duyệt.
“Hiện tại, gỗ không xuất khẩu được, dệt may không có đơn hàng, các doanh nghiệp này chuyển sang xuất khẩu trái cây tươi và trái cây đóng hộp - loại hàng không dễ cháy. Tuy nhiên, cơ quan PCCC tại địa phương yêu cầu thẩm định lại. Điều này là cứng nhắc và không thỏa đáng”, bà Liên bày tỏ.
Còn theo ông Nguyễn Hồng Hải, Ủy viên Ban chấp hàng hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam, theo các danh mục thiết bị phòng cháy, chữa cháy mà các cảng biển phải đầu tư như xe chữa cháy, tàu chữa cháy, nguồn lực chuyên ngành triển khai… ước tính chi phí lên đến cả trăm tỷ đồng cho mỗi cảng biển.
Đó là còn chưa bao gồm chi phí vận hành, duy tu, bảo dưỡng... Điều này sẽ làm tăng chi phí logistics, qua đó làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp logistics Việt Nam. Do đó, ông Hải kiến nghị bãi bỏ quy định về trang bị xe và tàu chữa cháy riêng tại từng doanh nghiệp cảng biển.
Có cùng mối quan tâm về vấn đề này, đại biểu Quốc hội Mai Văn Hải (Thanh Hóa) nhấn mạnh, sau 2 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp đã gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động, việc sản xuất, kinh doanh bị đình trệ. Đến nay, những quy định về phòng cháy, chữa cháy lại đang gây ra nhiều rào cản, khó khăn khiến các doanh nghiệp gặp vướng mắc chưa thể tháo gỡ.
Từ đó, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan tích cực chỉ đạo, tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy. Trong đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác phòng cháy, chữa cháy, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật.
Tiếp tục hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình phòng cháy chữa cháy, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước và năng lực của các tổ chức, cá nhân có liên quan.
“Cần phân loại cụ thể các đối tượng quản lý phòng cháy, chữa cháy theo mức độ, nguy cơ để có biện pháp xử lý phù hợp, có lộ trình để các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt các yêu cầu về phòng cháy, tháo gỡ các vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy để các doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường, nhất là các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ giải trí, đại biểu Mai Văn Hải nói.
Có thể bạn quan tâm
08:15, 21/07/2023
01:00, 21/07/2023
18:54, 20/07/2023