Doanh nghiệp nông nghiệp khu vực Tây Nguyên đang có những phát triển ổn định nhờ mô hình liên kết trực tiếp với người nông dân.
>>Liên kết chuỗi doanh nghiệp nông dân trong hướng đi bền vững cho cây sắn
Tại tỉnh Kon Tum, địa phương xây dựng được một số chuỗi liên kết sản xuất trong trồng trọt theo tiêu chí cánh đồng lớn đối với các sản phẩm cà phê, dược liệu, mì, mía, liên kết sản xuất với tiêu thụ rau an toàn tại thành phố Kon Tum. Xây dựng 21 mã số vùng trồng đối với sản phẩm trái cây, 34 liên kết trong chăn nuôi và 1 liên kết trong hoạt động nuôi trồng thủy sản.
Nhờ vậy, doanh nghiệp có nguồn cung đầu vào ổn định, không lo sụt giảm sản lượng. Một ví dụ điển hình là Công ty TNHH MTV Tá Tiến liên kết với người nuôi cá theo hình thức công ty đầu tư con giống, thức ăn, hỗ trợ bao tiêu sản phẩm cá thương phẩm. Trung bình hàng năm, Công ty đã thực hiện bao tiêu trên 2.000 tấn cá thịt, mang lại lợi nhuận cho cả người nuôi và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum, liên kết trong sản xuất góp phần thúc đẩy quá trình tích tụ, tập trung ruộng đất, tạo tiền đề phát triển vùng nguyên liệu nông nghiệp đạt chuẩn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Từng bước làm thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp. Hình thành thói quen cho người nông dân, chú trọng phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, thành lập các tổ hợp tác, nhóm hộ nhằm hỗ trợ nhau trong sản xuất. Liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để ứng dụng khoa học công nghệ và tiêu thụ sản phẩm.
Còn tại tỉnh Gia Lai, địa phương đã phát triển được 21 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng cũng như tăng giá trị của nông sản địa phương. Các chuỗi liên kết sản xuất có sự tham gia của 88 hợp tác xã, 72 tổ hợp tác với trên 23.806 hộ nông dân và hơn 61 doanh nghiệp.
>>Doanh nghiệp "bắt tay" xây chuỗi tránh “bể kèo” liên kết với nông dân
Nói về vấn đề này, ông Dương Mah Tiệp – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhận định, “sự hình thành và phát triển các mô hình liên kết chuỗi, liên kết gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu đã góp phần làm thay đổi tập quán sản xuất của người dân, chất lượng sản phẩm hàng hóa được nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý. Các chính sách được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng tham gia, đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của các cơ quan, cộng đồng, người dân."
Trong khi đó, ông Bùi Phú Tôn - Giám đốc Công ty TNHH thương mại xuất nhập khẩu Nghiệp Xuân, xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông, cho biết, với việc hình thành liên kết chuỗi, các sản phẩm của công ty đã có chất lượng cao và đồng nhất, mang lại giá trị cao khi xuất khẩu.
“Thị trường yêu cầu mình phải xuất khẩu chính ngạch. Xuất khẩu chính ngạch thì đòi hỏi phải có mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói theo các tiêu chuẩn nhất định, chứ không thể đi tiểu ngạch như xưa nữa,” ông Tôn cho biết thêm.
Hiện tại, theo ghi nhận các số liệu, Tây Nguyên đang có hàng trăm chuỗi liên kết sản xuất. Điều này vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo chất lượng số lượng hàng xuất khẩu, nâng cao giá trị sản phẩm. Ngoài ra, cũng mang lại tích cực cho nông dân là thay đổi phương thức canh tác, tăng cường áp dụng công nghệ cao, chuyển đổi số vào sản xuất, nông dân không lo đầu ra.
Có thể bạn quan tâm
5 vấn đề cốt lõi để liên kết phát triển du lịch Đông Nam Bộ
00:30, 24/12/2023
Liên kết yếu, doanh nghiệp Việt chưa "bay" cùng "đại bàng"
02:30, 06/12/2023
Nghị quyết số 41-NQ/TW: Liên kết để thúc đẩy đổi mới, sáng tạo
04:05, 10/12/2023
Tăng cường phát triển chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản
01:47, 16/11/2023