Gián đoạn chuỗi cung ứng, dấu chân carbon, chi phí tuân thủ, thay đổi tuyến vận chuyển... là những rào cản doanh nghiệp logistics phải đối mặt khi tuân thủ CBAM.
Theo ông Margaritis Schinas, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), Việt Nam là một ví dụ điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác này.
Liên minh châu Âu (EU) là một trong những đối tác đầu tư lớn của Việt Nam với số vốn FDI hơn 28 tỷ USD vào năm ngoái. Tuy nhiên, với những biến động trên thế giới, Việt Nam và EU đứng trước nhiều thách thức trong đó có chuyển đổi xanh. Đồng thời, ông Margaritis Schinas cho rằng đến năm 2050, châu Âu nỗ lực cùng Việt Nam trở thành khu vực trung hòa carbon.
Ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam hiện là điểm đến lý tưởng cho chuỗi cung ứng bền vững. Để tham gia vào chuỗi cung ứng này, các công ty cần tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng cao, mặc dù điều này có thể yêu cầu thời gian và chi phí ban đầu lớn hơn.
Một trong những tiêu chuẩn được doanh nghiệp quan tâm tới nhiều thời gian gần đây liên quan thị trường EU là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) do EU khởi xướng, được thiết kế để giảm lượng khí thải carbon liên quan đến hàng hóa nhập khẩu. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với ngành logistics và xuất khẩu của Việt Nam khi nhu cầu toàn cầu về các dịch vụ logistics thân thiện với môi trường tăng lên, đặc biệt là khi EU là một trong những đối tác thương mại chính của Việt Nam. Doanh nghiệp theo đó phải nhanh chóng điều chỉnh hoạt động của mình theo các tiêu chuẩn bắt buộc này để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Từ góc độ doanh nghiệp logistics, góp phần vận hành chuỗi cung ứng các ngành hàng, ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhận định, cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) của Liên minh châu Âu (EU) được thiết kế để giảm lượng khí thải carbon bằng cách áp đặt chi phí nhập khẩu hàng hóa dựa trên hàm lượng carbon của chúng. Đối với các nhà xuất khẩu Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng ví dụ như thép, nhôm, xi măng và phân bón, CBAM có thể có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng tiếp cận thị trường EU của họ.
Theo đó, tác động có thể kể đến xuất khẩu của Việt Nam sang EU là chi phí tăng thêm. CBAM có thể sẽ làm tăng chi phí xuất khẩu hàng hóa sang EU, đặc biệt là đối với các công ty dựa vào phương pháp sản xuất nhiều carbon. Vì CBAM được thiết kế để cân bằng “sân chơi" giữa các nhà sản xuất EU (những người đã trả tiền cho lượng khí thải carbon) và các nhà sản xuất nước ngoài, các công ty Việt Nam có thể thấy sản phẩm của họ kém cạnh tranh hơn về giá nếu họ không giảm được lượng khí thải carbon.
Bên cạnh đó, nhu cầu về hàng hóa ít carbon cũng sẽ khiến các nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ phải đối mặt với áp lực áp dụng các công nghệ và quy trình xanh hơn, tiết kiệm năng lượng hơn để giảm thiểu lượng khí thải carbon của hàng hóa. “Các nhà xuất khẩu không chuyển sang các hoạt động bền vững hơn có thể thấy nhu cầu đối với sản phẩm của họ giảm từ những người mua EU ưu tiên các nhà cung cấp ít carbon”, Chủ tịch VLA nhận định.
Đồng thời cho rằng, một số ngành công nghiệp của Việt Nam (đặc biệt là sản xuất và nông nghiệp) có thể cần điều chỉnh cơ cấu sản xuất để tập trung vào các sản phẩm bền vững hơn. Người mua EU có thể ngày càng thích các sản phẩm có lượng khí thải carbon thấp hơn và việc không thích ứng có thể dẫn đến thu hẹp thị phần tại EU.
Đặc biệt nhận định về tác động của CBAM đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chủ tịch VLA cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tại Việt Nam có thể không có đủ nguồn lực tài chính hoặc kỹ thuật để tuân thủ CBAM có thể gây ảnh hưởng sức cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng hoá.
Từ những tác động của các nhà xuất khẩu – chủ hàng của hàng hoá lĩnh vực logistics, ông Đào Trọng Khoa cũng đưa ra những nhận định, rào cản cụ thể với doanh nghiệp logistics khi đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ CBAM.
Cụ thể, khi các doanh nghiệp Việt xuất khẩu sang EU sẽ cần cung cấp thông tin chi tiết về cường độ carbon của sản phẩm của họ. Điều này có thể liên quan đến các tính toán phức tạp trên toàn bộ chuỗi cung ứng, đòi hỏi sự phối hợp về logistics để thu thập dữ liệu về nguyên liệu thô, quy trình sản xuất và nguồn năng lượng cũng như hoạt động logistics xuyên suốt.
“Việc thu thập dữ liệu chính xác trên toàn bộ chuỗi cung ứng để đo lường và báo cáo dấu chân carbon có thể là thách thức đối với các công ty chưa từng theo dõi các số liệu này”, Chủ tịch VLA chỉ ra thách thức.
Đồng thời nhận định, cơ sở hạ tầng logistics của Việt Nam có thể cần phải thích ứng để hỗ trợ vận chuyển hàng hóa carbon thấp. “Hiệu quả năng lượng trong kho bãi, vận chuyển và hoạt động cảng có thể trở nên quan trọng hơn khi CBAM có hiệu lực đầy đủ. Các hoạt động hậu cần xanh, chẳng hạn như sử dụng năng lượng tái tạo tại các cảng hoặc phương pháp vận chuyển điện khí hóa, có thể cần thiết để đảm bảo rằng lượng khí thải carbon của hàng hóa vẫn ở mức thấp”, ông Đào Trọng Khoa nhận định, đồng thời cho rằng điều này đặt ra yêu cầu về nâng cấp cơ sở hạ tầng.
Để tuân thủ CBAM, nhiều công ty Việt Nam sẽ cần xem xét lại hoạt động tìm nguồn cung ứng của mình, chuyển sang các nhà cung cấp xanh hơn hoặc những nhà cung cấp sử dụng năng lượng tái tạo, điều này có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng khi các công ty loại bỏ một số nhà cung cấp hoặc vật liệu được coi là có quá nhiều carbon.
Chủ tịch VLA cũng cho rằng, các doanh nghiệp sẽ gặp thách thức về chi phí chứng nhận tuân thủ. Khi đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể phải đối mặt với chi phí logistics bổ sung trong việc xin chứng nhận hoặc bằng chứng về việc giảm phát thải carbon, vốn là yêu cầu bắt buộc để đáp ứng các tiêu chuẩn CBAM. Việc kiểm toán, xác minh và duy trì các chứng nhận này sẽ liên quan đến cả thời gian và chi phí. Quá trình này có thể làm chậm dòng chảy thương mại, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ không quen thuộc với các yêu cầu tuân thủ mới này.
Với việc CBAM tạo ra áp lực mới để giảm phát thải, các công ty có thể cần đánh giá lại phương thức vận chuyển của mình. Điều này dẫn tới doanh nghiệp có thể lựa chọn các phương thức vận chuyển bền vững hơn ví dụ: vận chuyển bằng đường hàng không hoặc tìm kiếm các tuyến đường mới giúp giảm thiểu lượng khí thải carbon, có khả năng dẫn đến thời gian vận chuyển dài hơn và chi phí hậu cần cao hơn. Đây chính là rào càn thay đổi tuyến vận chuyển của các doanh nghiệp logistics.
Từ thực tế này, đề xuất giải pháp cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, ông Đào Trọng Khoa cho rằng, doanh nghiệp nên đầu tư vào nguồn năng lượng tái tạo hoặc đầu tư vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng trong sản xuất để giảm lượng khí thải carbon.
Bên cạnh đó, quan tâm hợp tác trong chuỗi cung ứng. Các doanh nghiệp có thể hợp tác với các đối tác trong chuỗi cung ứng để chuẩn hóa báo cáo phát thải carbon và cùng nhau đầu tư vào các hoạt động bền vững.
Đặc biệt nhắc tới giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ, Chủ tịch VLA đề xuất Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp các doanh nghiệp tuân thủ CBAM thông qua cơ chế hỗ trợ, ưu đãi thuế cho đầu tư xanh và các chương trình đào tạo để cải thiện việc hạch toán carbon.
Ông Đào Trọng Khoa đặc biệt nhấn mạnh: “Trong khi CBAM đặt ra những thách thức đáng kể cho các nhà xuất khẩu Việt Nam sang EU, nó cũng mang đến cơ hội cho các doanh nghiệp đổi mới và áp dụng các hoạt động bền vững. Các rào cản logistics chính xoay quanh việc tuân thủ, báo cáo, thay đổi cơ sở hạ tầng và gián đoạn chuỗi cung ứng tiềm ẩn, tất cả đều cần có kế hoạch chiến lược và đầu tư để giải quyết”.
Theo đó, các sáng kiến để giải quyết những rào cản, thách thức này tập trung vào việc tăng cường hoàn thiện cơ sở hạ tầng, áp dụng các hoạt động logistics xanh và thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp các ngành để thúc đẩy tính bền vững và khả năng cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.
Chia sẻ thêm về những thích ứng nhanh chóng của doanh nghiệp logistics, Chủ tịch VLA cho biết, nhiều quan hệ đối tác và sáng kiến khác nhau trong lĩnh vực này đang giúp các nhà xuất khẩu đáp ứng các yêu cầu CBAM của EU như giải pháp đo lường carbon, tái trồng rừng để tạo ra tín chỉ carbon, phát triển cảng xanh, thí điểm vận tải xe điện, nhà kho thông minh, logistics chuỗi lạnh sử dụng năng lượng tái tạo, áp dụng công nghệ blockchain để theo dõi carbon và tối ưu hóa các tuyến vận tải bằng đường sắt và đường thủy nội địa,…
“Những ví dụ về quan hệ đối tác và đổi mới trong lĩnh vực logistics này cho thấy sự tập trung ngày càng tăng vào việc giảm phát thải chuỗi cung ứng, những nỗ lực này giúp các nhà xuất khẩu Việt Nam giảm lượng khí thải carbon và tuân thủ các yêu cầu CBAM. Những sáng kiến hợp tác này không chỉ giúp đáp ứng các yêu cầu về quy định mà còn tạo ra các chuỗi cung ứng bền vững và phục hồi hơn, nâng cao khả năng cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường toàn cầu”, ông Đào Trọng Khoa khẳng định.