Doanh nghiệp Lữ hành tụt giảm doanh thu, đối mặt với nhiều khó khăn khi khách hàng đề phòng, hạn chế đi du lịch vì dịch bệnh chủng virus corona.
Dịch bệnh viêm phổi chủng virus corona có dấu hiệu ủ bệnh không để lại triệu chứng với tốc độ lây lan "chóng mặt" đang hoành hoành tại Vũ Hán, Trung Quốc khiến nhiều người trên thế giới hoang mang, lo sợ. Kéo theo đó là ngành kinh doanh dịch vụ du lịch cũng bị ảnh hưởng trầm trọng, hầu hết các công ty lữ hành trong nước đang phải hoạt động cầm chừng vì lượng khách giảm đột ngột ở hai chiều nội địa và quốc tế.
Lượng khách giảm mạnh
Đầu xuân bên tách trà, chia sẻ cùng phóng viên Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, Ông Nguyễn văn Dũng Giám đốc Công ty CP Du lịch Viet Travel cho biết, Công ty đang lên phương án kinh doanh nhằm đối đầu với nhiều khó khăn trước mắt, do ảnh hưởng từ dịch bệnh corona. Nếu so sánh doanh thu giữa quý I năm 2020 so với cùng kỳ năm 2019, công ty đã nhận được khá nhiều đơn đặt tour du lịch của khách nước ngoài đến Việt Nam vãn cảnh chùa chiền, văn hoá lễ hội... Thế nhưng, năm nay lượng khách "tụt giảm" khá mạnh, không chỉ chiều quốc tế mà chiều nội địa cũng giảm đến 50%. Trong đó, có nhiều tour du lịch đã thanh toán, để đến một số nước Đông Nam Á cũng đã báo huỷ, vì lý do, họ đề phòng không muốn đến nơi đông người, ngại tiếp xúc nhằm hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm dịch corona.
" Nếu là khách hàng đi du lịch,tôi đã gợi ý thuyết phục khách đổi lịch trình sang một số nước khác không bị ảnh hưởng dịch bệnh, với kinh phí tương đương hoặc bằng nhau nhưng khách hàng vẫn không đồng ý và kiên quyết huỷ chuyến, lấy lại tiền. Biết hành động trên của khách hàng là làm khó công ty nhưng chúng tôi đành chấp nhận vì tình trạng bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà vui vẻ trả lại phí cho khách. " - Ông Dũng nói.
Đồng quan điểm, Ông Đào Trọng Tùng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp lữ hành đón khách Trung Quốc tại Khánh Hòa cho biết: Hiệp hội có khoảng hơn hai mươi công ty hội viên hiện nay đang phải hoạt động cầm chừng vì Trung Quốc có lệnh tạm ngưng các tour đưa khách đi du lịch nước ngoài để khống chế dịch từ chủng virus corona gây ra.
"Chúng tôi coi đây như là một khó khăn lớn trong thời gian tới đối với những người làm du lịch, vì Trung Quốc là thị trường khách quốc tế lớn nhất của Khánh Hòa, chiếm hơn 70% lượng khách quốc tế của tỉnh. Qua số liệu thống kê cho thấy năm 2019, Nha Trang - Khánh Hòa đón khoảng 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc. Do vậy với việc tạm ngưng đón khách Trung Quốc vì dịch bệnh do virus corona, du lịch Khánh Hòa sẽ bị ảnh hưởng nặng nề " - Ông Tùng nói.
Tương tự tình trạng trên, nhiều doanh nghiệp lữ hành khác ở TP Hà Nội và TP HCM cũng đã thông báo hủy toàn bộ tour đi Trung Quốc. Vì sự an toàn cho sức khoẻ cộng đồng, các công ty này sẽ chuyển khách qua tour du lịch ở nước khác, hoặc trong nước. Khách muốn hủy chuyến, chuyển tour hay hoàn tiền đều được đáp ứng vì đây là trường hợp bất khả kháng, đại diện một số công ty lữ hành cho biết.
Tầm nhìn dài hạn
Theo đại diện Tổng cục Du lịch, Tổng cục yêu cầu khối doanh nghiệp lữ hành cho biết; hiện nay không tổ chức tour cho khách đến khu vực có nguy cơ lây nhiễm virus corona theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế. Do đó ngành du lịch trong thời gian tới đương nhiên là sẽ khó khăn vì chưa thể xác định chính xác thời điểm khống chế được dịch bệnh. Vậy ngoài các trường hợp cần đi công tác cần thiết thì lượng khách hàng đi du lịch đến các Đông Nam Á chưa biết bao giờ mới khôi phục trở lại như bình thường.
Có thể bạn quan tâm
07:59, 31/01/2020
06:00, 31/01/2020
05:25, 31/01/2020
05:01, 31/01/2020
Trước mắt, doanh nghiệp phải có biện pháp phòng chống dịch cho khách và hướng dẫn thông tin đầy đủ để du khách chủ động đối phó với dịch bệnh, cũng như chuẩn kế hoạch cho công việc.
Với doanh nghiệp đưa khách quốc tế đến Việt Nam, các khách sạn cùng các đơn vị phục vụ du lịch, tổng cục cũng yêu cầu thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo ngay cho cơ quan chức năng khi phát hiện du khách có biểu hiện ốm sốt, đặc biệt là khách đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ đã có bệnh nhân nhiễm virus corona. Các các nhân hoặc tổ chức có thể gọi đến đường dây nóng để thông báo về trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh.
Về phía doanh nghiệp lữ hành cần có phương án "dài hơi" để đối phó với những khó khăn, ví dụ như chuẩn bị kế hoạch tài chính để chi trả cho phí đối tác dịch vụ, mặt bằng, nhân viên, thuế phí...trong thời gian tới. Bởi sau khi dập được dịch thì thời gian phục hồi được lượng khách đã có cũng phải mất một thời gian dài.
Song song với tâm thế sẵn sàng thì doanh nghiệp kinh doanh du lịch cũng cần chủ động tiếp nhận tìm hiểu thông tin chính xác để cung cấp đầy đủ cho khách hàng, tránh tình trạng vì lợi nhuận, tư vấn sai làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý du lịch trong nước cần có khuyến cáo cho du khách, cũng như thông báo phổ biến chính xác về tình dịch bệnh tới du khách giúp phía doanh nghiệp lữ hành có cơ sở chứng minh, thương thảo tránh trường hợp bị phạt phí huỷ tour cũng như việc gặp khó khăn trong vấn đề giải quyết và bị phạt từ các đối tác.