Đến hẹn lại lên, dự thảo báo cáo Thủ tướng về tình hình thực hiện công bố thông tin của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong năm 2017 lại được công bố.
Tình hình năm nay vẫn không “sáng sủa” hơn khi đến hết năm 2017, mới chỉ có 265/622 doanh nghiệp (chiếm 42,6%) gửi báo cáo đến Bộ KH&ĐT để thực hiện công bố thông tin trên cổng thông tin doanh nghiệp theo quy định. 357 DNNN còn lại tuyệt nhiên không gửi báo cáo.
Các “ông lớn” không chịu công bố thông tin có những gương mặt quen thuộc như Tổng Công ty Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam, Tổng Công ty Lương thực Miền Bắc… Ngoài ra, một số công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn cũng nằm trong danh sách này như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Cao su…
Năm 2016, chỉ có 241 DNNN, chiếm 38,8% công bố thông tin. Năm 2017, chỉ có 265 DNNN, chiếm 42,6% công bố thông tin, cũng không đầy đủ. Thế nhưng, tuyệt nhiên không thấy có những thông tin về việc DNNN không công bố thông tin bị xử phạt.
Nghị định số 81/2015/NĐCP của Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước khi yêu cầu phải có chuyên mục riêng về công bố thông tin của doanh nghiệp để bảo đảm các thông tin công bố được tiếp cận dễ dàng và thuận tiện, đúng thời gian. Điều này cũng có nghĩa là, các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phải nghiêm túc thực hiện. Ấy vậy mà, theo Bộ KH&ĐT, tính đến 31/12/2017, mới có 6/15 bộ và cơ quan ngang bộ, 8/63 tỉnh, TP thuộc trung ương… có chuyên mục riêng về công bố thông tin. Như vậy, mới chỉ có 20/84 cơ quan chủ sở hữu (chiếm 23,81%) thực hiện đúng quy định về tổ chức thực hiện công bố thông tin.
Ai cũng biết, phải trải qua rất nhiều cuộc “đấu tranh” và dưới áp lực của hội nhập, Nghị định 81/2015/NĐ - CP mới được ban hành. Bởi việc công bố công khai thông tin hoạt động của DNNN chẳng những được dư luận rất quan tâm khi chính các DNNN đang sử dụng tiền thuế của dân để hoạt động, mà còn là yêu cầu về môi trường kinh doanh bình đẳng, công khai và minh bạch.
Rõ ràng, công khai thông tin đối với DNNN sẽ có rất nhiều tác dụng tích cực không chỉ đối với môi trường kinh doanh. Người dân, chủ sở hữu đích thực, sẽ có cơ sở để giám sát tiền thuế của mình sinh lời hay nằm im, thậm chí lỗ. Điều đó cũng có nghĩa là, những cơ hội để tham nhũng sẽ giảm đến mức tối thiểu và “lợi ích nhóm” vì thế sẽ được khoanh vùng.
Mặt khác, khi công bố thông tin minh bạch, thì quá trình cổ phần hóa DNNN sẽ hiệu quả hơn khi giá trị tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp sẽ được đánh giá đúng và đạt giá trị cao. Những âm mưu thâu tóm tài sản nhà nước, mà thực chất là tài sản của nhân dân, sẽ thất bại ngay từ trong trứng nước. “Phần lớn các doanh nghiệp thuộc đối tượng công bố thông tin chưa thực hiện đầy đủ các quy định về công bố thông tin, chưa báo cáo đầy đủ, trung thực cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước để giám sát, đôn đốc thực hiện công bố thông tin…”, dự thảo báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết.
Nếu xem xét những hình thức chế tài được ghi trong Nghị định 81/2015, thì người quản lý DNNN nếu không công bố thông tin thì phải bị khiển trách hoặc cảnh cáo. DNNN vi phạm thì phải bị xử lý hành chính. Đặc biệt, trong trường hợp DNNN vi phạm các quy định về công bố thông tin dẫn đến việc cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước không kịp thời đưa ra các ý kiến chỉ đạo, khuyến nghị, giải pháp, dẫn đến tình hình hoạt động của doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, gây thất thoát vốn nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước… thì phải bị kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc và kiến nghị cơ quan chức năng xử lý hình sự đối với người quản lý.
Tại sao lại xảy ra tình trạng đó? Luật pháp không nghiêm hay DNNN không biết các quy định này? Hay chính DNNN và những người quản lý đã “nhờn” luật? Câu hỏi này không dễ trả lời nếu chế độ công khai, minh bạch không được thúc đẩy.