Tỉnh Thái Bình vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
>>>Thái Bình: Phát triển đô thị bền vững, tạo nguồn lực mới
>>>Thái Bình: Rộng cửa đón đại bàng 'tỷ đô' từ Nhật Bản
Theo đó, tỉnh Thái Bình vừa trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình cho liên danh 3 nhà đầu tư: Công ty Tokyo gas, Công ty Điện lực Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành Việt Nam. Đây là 1 trong số 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác được trao dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản mới đây.
Dự án nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình là dự án có quy mô lớn, với công suất 1.500 MW, tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD. Dự án sử dụng công nghệ sản xuất điện bằng tuabin khí, chu trình hỗn hợp hiện đại và có hiệu suất cao, nhiên liệu sử dụng chính là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.
Theo ông Ngô Đông Hải – Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình, đây là dự án lớn mang tầm vóc quốc gia. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đồng thời, nâng cao quy mô nền kinh tế cũng như vị thế của tỉnh, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Để dự án sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tỉnh Thái Bình đề nghị các nhà đầu tư sớm thành lập công ty liên danh để triển khai thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất; sớm đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án tiền khả thi và khả thi; các thủ tục liên quan đến môi trường, đất đai… Đồng thời, đề nghị nhà đầu tư bắt tay ngay vào khảo sát địa hình, cấu tạo đáy biển, dòng chảy cũng như các vấn đề thủy văn khác để tiến hành đầu tư sớm nhất theo hướng không chỉ đơn thuần là nhập khí phục vụ cho dự án này mà có thể hướng tới việc nhập và phân phối khí cho miền Bắc Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tập trung tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực ngay từ bây giờ, trong đó ưu tiên nguồn nhân lực Việt Nam để khi dự án hoàn thành có thể nắm bắt và làm chủ công nghệ để điều hành, bảo hành.
Cũng theo ông Ngô Đông Hải, dự án có nhiều thuận lợi với nhiều ưu đãi do được triển khai trong KKT Thái Bình. Mặc dù dự án được phê duyệt với công suất 1.500MW song nhà đầu tư cần nghiên cứu phương án hợp lý để tương lai có thể nâng công suất lên 3.000 - 4.500MW. Đồng thời, gợi ý nhà đầu tư về hướng phát triển mở rộng trong tương lai của dự án khi chuyển sang hydrogen hoặc metan theo xu hướng công nghệ và yêu cầu của Chính phủ Việt Nam hiện nay.
Theo ông Shinichi Sasayama - Tổng Giám đốc Tập đoàn Tokyo Gas, phía Tập đoàn đã mời các chuyên gia Việt Nam qua Nhật Bản để tham quan và chuyển giao công nghệ nên khi nhà máy bắt đầu hoạt động sẽ bảo đảm nguồn nhân lực. Hiện nay Tập đoàn cũng có những nhà máy, cảng để nhập và phân khối khí. Do vậy, chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu của tỉnh Thái Bình đã nêu ra. Đồng thời mong muốn trong quá trình triển khai thực hiện dự án sẽ nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của tỉnh Thái Bình.
Được biết, tỉnh Thái Bình hiện đang là một trong những địa phương đi đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài. Chỉ riêng trong năm nay, tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án đến thời điểm hiện tại đã đạt gần 90.000 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tỉnh Thái Bình hiện có 10 KCN, trong đó có 4 KCN trong KKT Thái Bình và 49 CCN đã hình thành trên địa bàn 8 huyện, thành phố với tổng diện tích khoảng gần 3.000 ha đã giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đây là dư địa lớn để địa phương này đón nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
Việc tỉnh Thái Bình tham gia Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Nhật Bản là cơ hội lớn để địa phương này tăng cường quảng bá về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, cũng như cơ hội hợp tác đầu tư giữa Thái Bình với các đối tác Nhật Bản. Cùng với đó, trao đổi về định hướng phát triển và nhu cầu của tỉnh Thái Bình về hợp tác đầu tư trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Đây cũng là tiền đề quan trọng để các doanh nghiệp Nhật Bản đến Thái Bình tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư trong thời gian tới trên nhiều lĩnh vực. Qua đó, góp phần làm cho mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản.
Theo ông Ngô Đông Hải, chiến lược phát triển rất quan trọng trong tương lai của tỉnh Thái Bình là xây dựng một không gian kinh tế không phát thải, zero cacbon ở vùng biển của tỉnh. Vùng biển của tỉnh Thái Bình là biển nông, bồi nên rất dễ bồi đắp xây dựng không gian mới. Định hướng của tỉnh là sẽ được cung cấp năng lượng sạch, zero cacbon qua đó thu hút các lĩnh vực đầu tư zero cacbon vào không gian mới này. Tỉnh Thái Bình sẽ hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến nhập phân phối khí mang tính thương mại.
Có thể bạn quan tâm