Thực tế, cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký sở hữu trí tuệ liên quan đến vấn đề thời gian, hồ sơ,...
Tại Diễn đàn “Hỗ trợ doanh nghiệp trong Chuyển đổi số - Sở hữu trí tuệ năm 2024” do UBND huyện Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) tổ chức, các doanh nghiệp đã đưa ra những khó khăn với đại diện cơ quan có thẩm quyền và mong có giải pháp hỗ trợ cụ thể.
Bà Phạm Thị Duy Mỹ - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Xanh Duy Oanh cho hay sản phẩm của Duy Oanh khi còn là hộ kinh doanh đã nhận được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ. Sau đó, hộ kinh doanh của bà Mỹ tiến lên HTX để mở rộng sản xuất thì đơn vị đã nộp hồ sơ chuyển đổi và chờ được cơ quan thẩm quyền xem xép, cấp chứng nhận trở lại.
“Tuy nhiên đã rất lâu, cụ thể là hơn 1 năm phía HTX không nhận được phản hồi từ Cục Sở hữu trí tuệ. Việc thay đổi chứng nhận, có ý nghĩa rất quan trọng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của HTX. Trong đó ảnh hưởng đến cả vấn đề chuyển đổi số, kinh doanh, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử,...”, bà Mỹ cho hay.
Tương tự, bà Trần Thị Yến – Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lụa Mã Châu thông tin phía doanh nghiệp đã đăng ký bảo hộ thương hiệu đối với sản phẩm là Lụa Mã Châu. Theo bà Yến, những năm qua nghệ nhân của Lụa Mã Châu đã sáng chế ra công nghệ mới, tiên tiến nhất dành cho việc sản xuất sản phẩm lụa.
“Và công nghệ này chỉ duy nhất Lụa Mã Châu có, từ nghệ nhân của làng nghề lụa Mã Châu sáng tạo ra. Doanh nghiệp đã liên hệ đến cơ quan thẩm quyền để hướng dẫn đăng ký bảo hộ sáng sáng chế và phía cơ quan hướng dẫn yêu cầu cung cấp tất cả tài liệu, thông tin của thiết bị, công nghệ,,.. Tuy nhiên, việc tự sáng tác của nghệ nhân là người nông dân mày mò, sáng tạo thì việc vẽ lại, mô tả lại rất khó khăn. Vì vậy, phía doanh nghiệp vẫn không biết làm thế nào để đăng ký bảo hộ thương hiệu sáng chế cho công nghệ này”, bà Yến cho hay.
Liên quan đến các vấn đề mà doanh nghiệp bày tỏ, Th.S Nguyễn Thị Thúy – Phụ trách văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng cho hay thường thời hạn cấp đổi từ 1-6 tháng sau khi doanh nghiệp nộp hồ sơ. Với trường hợp hơn 1 năm doanh nghiệp doanh nghiệp vẫn chưa được cấp đổi, bà Thúy cho rằng phía doanh nghiệp cần liên hệ đến cơ quan liên quan để được xem xét hỗ trợ.
Đối với vấn đề nghệ nhân gặp khó khăn trong việc mô tả lại kết quả sáng tạo, theo bà Thúy, phía doanh nghiệp có thể mô tả bằng văn bản, cụ thể về tính mới, tính sáng tạo của công nghệ mà doanh nghiệp cần được bảo hộ. Sau khi hoàn thiện, phía doanh nghiệp nộp đủ tài liệu, hồ sơ cần thiết để Cục tiến hành kiểm tra, trao chứng nhận.
Nói thêm về vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ, bà Thúy lưu ý việc đăng ký là phương thức để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ. Đặc biệt chủ sở hữu khi đã thực hiện đăng ký và có kết quả bảo hộ sẽ dễ dàng chứng minh mình là chủ sở hữu khi có tranh chấp xảy ra.
Cùng với đó, đăng ký sở hữu trí tuệ sẽ giúp giữ vững khả năng cạnh tranh với các sản phẩm khác trên thị trường, có khả năng chuyển nhượng cho các bên có nhu cầu để thu về nguồn lợi nhuận lớn. Đặc biệt là kích thích khả năng tạo ra các sản phẩm mang tính trí tuệ khác và được xác lập quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm đó.
“Bảo hộ sở hữu trí tuệ sẽ xác định đó là tài sản có thể giao dịch, ngăn chặn hành vi sao chép, doanh nghiệp có thể tự do hoạt động. Đặc biệt, doanh nghiệp có nhiều quyền sở hữu trí tuệ sẽ tăng trưởng nhanh hơn, sản phẩm/dịch vụ có chứa quyền sở hữu trí tuệ sẽ có giá trị hơn sản phẩm/ dịch vụ thông thường”, bà Thúy nói.
Ông Đặng Hữu Phúc – Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên cho biết trên địa bàn huyện hiện có trên 700 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, với trên 10 nghìn lao động, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm trên 85%. Theo ông Phúc, việc đẩy mạnh chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh dựa trên nền tảng sở hữu trí tuệ luôn được huyện xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, là giải pháp quan trọng để xây dựng, củng cố lòng tin của doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng kinh tế, thu hút nguồn lực phát triển địa phương.
“Việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có sự phát triển, nhất là với các đơn vị mạnh dạn thực hiện đổi mới sáng tạo, tăng cường sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc áp dụng nền tảng, công nghệ số, các vấn đề về sở hữu trí tuệ tại các doanh nghiệp vẫn còn rời rạc do thiếu các giải pháp thiết thực, chưa có chiến lược thực hiện rõ ràng ngay từ đầu. Điều đó khiến chuyển đổi số doanh nghiệp chưa mang lại thành công như mong đợi”, ông Phúc nhìn nhận.